MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ Gỗ Trường Thành: 2 lần phát hành thu về cả ngàn tỷ đều “tiêu sạch” cho lỗ, cuối năm 2019 vốn chủ dự chỉ còn 242 tỷ đồng

25-06-2019 - 08:43 AM | Doanh nghiệp

Lên kế hoạch hành động cho năm nay, bên cạnh việc cung cấp lắp đặt sản phẩm nội ngoại thất cho các đối tác lớn như Vingroup (VIC), Tân Hoàng Minh, SunGroup… TTF sẽ tìm kiếm các đơn vị mới như BOHO DÉCOR nhằm tạo chuỗi giá trị khép kín từ thiết kế, sản xuất đến thi công.

Chiều ngày 24/6/2019, Gỗ Trường Thành (TTF) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2019, địa chỉ tại hội trường Sứ Thiên Thanh – công ty của bầu Thắng vừa hoàn tất sáp nhập với TTF.

Phát biểu mở đầu Đại hội, ông Mai Hữu Tín phân trần: "Tôi hiểu có rất nhiều cổ đông không vui với những gì diễn ra hơn 2 năm qua, nhưng tôi vẫn mong rằng sau đại hội khởi đầu năm nay của TTF sẽ thay đổi.

Cổ đông cũng như tôi, khi thấy giá cp càng lúc càng tệ thì buồn chứ, nhưng không thể buồn hoài, bản thân tôi phải trả lời với cổ đông và cả gia đình tôi.

Bây giờ, tôi hết sức tự tin TTF có đủ lực đi đường dài".

Nói thêm, tân Chủ tịch cho biết nếu tính riêng hoạt động kinh doanh thì năm 2019 sẽ có lãi, còn tính chung cả dự phòng và giải quyết tồn đọng, TTF cần vài năm để có lãi trở lại cũng như để cổ phiếu quay về mệnh giá.

Chia sẻ thêm về việc giữ chức vụ Chủ tịch TTF, ông Tín nói với ông Tổng Giám đốc hay Chủ tịch cũng như nhau, vì khối lượng không việc vẫn sẽ rất nhiều.

ĐHĐCĐ Gỗ Trường Thành: 2 lần phát hành thu về cả ngàn tỷ đều “tiêu sạch” cho lỗ, cuối năm 2019 vốn chủ dự chỉ còn 242 tỷ đồng - Ảnh 1.

Năm 2019 sẽ xử lý dứt điểm tồn đọng, dự báo lỗ 588 tỷ đồng

Lên kế hoạch hành động cho năm nay, bên cạnh việc cung cấp lắp đặt sản phẩm nội ngoại thất cho các đối tác lớn như Vingroup (VIC), Tân Hoàng Minh, SunGroup… TTF sẽ tìm kiếm các đơn vị mới như BOHO DÉCOR nhằm tạo chuỗi giá trị khép kín từ thiết kế, sản xuất đến thi công.

Song song, TTF sau khi sáp nhập Sứ Thiên Thanh cũng đặt kế hoạch mở rộng thương hiệu này, nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm gỗ kết hợp thiết bị vệ sinh.

Về xuất khẩu, TTF kỳ vọng đẩy mạnh hơn mảng xuất khẩu các sản phẩm gỗ, từ đó tăng doanh thu tại các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Ý… thông qua các nhà bán lẻ như Ikea, Ashley, At Home, Kosmo…

Mặt khác, TTF cho biết sẽ tiếp tục thoái vốn tại công ty con, công ty liên kết nhằm bổ sung vốn lưu động cho việc sản xuất chính. Tính đến thời điểm 31/12/2018, TTF có 9 công ty con, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gỗ và trồng rừng, cùng với 3 đơn vị hoạt động trong mảng khác như khu công nghiệp, bao bì và vật liệu xây dựng.

Theo đó, TTF đặt kế hoạch 2019 với doanh thu 1.291,4 tỷ đồng, giá vốn dự kiến tăng mạnh khiến Công ty dự trù lỗ gộp 143,6 tỷ, trừ đi tất cả chi phí TTF dự trù lỗ ròng 588 tỷ đồng.

Theo tính toán của bộ phận tài chính, tổng dự kiến trích lập là 848 tỷ đồng trên BCTC riêng, nếu hợp nhất sau khi cấn trừ các công ty con là còn khoảng 638 tỷ, trong đó nợ khó đòi khách hàng là 93 tỷ đồng, trả trước cho người bán khoảng 5 tỷ, các khoản phải thu công ty con là 35 tỷ. Hơn nữa, 2019 dự kiến xử lý tất cả các vấn đề tồn đọng, riêng hàng tồn kho dự trích là 429 tỷ đồng, tài sản cố định đã không sử dụng lâu thì sẽ thanh lý và trích lập dự phòng ngay trong năm 2019 với khoảng 50 tỷ.

Một số vấn đề khác, như nợ thuế của các công ty con trước đây, TTF dự kiến trích lập tối đa 21 tỷ (thực tế sẽ thực hiện theo tiến độ quy định).

Tổng dự phòng tính chung khoảng 638 tỷ đồng, như vậy năm nay cổ đông sẽ thấy một bức tranh lỗ nhưng biết được lỗ ở đâu. Công ty cũng lên kế hoạch năm 2019 sẽ xử lý dứt điểm các tồn đọng, để từ năm 2020 sẽ không còn trích lập, con số kinh doanh lúc này thể hiện hoạt động thực sự của TTF.

Mất 2 năm để có thể biết được số lỗ giấu nhiều năm qua

ĐHĐCĐ Gỗ Trường Thành: 2 lần phát hành thu về cả ngàn tỷ đều “tiêu sạch” cho lỗ, cuối năm 2019 vốn chủ dự chỉ còn 242 tỷ đồng - Ảnh 2.

Tiếp tục chia sẻ với cổ đông, ông Tín nói: "Chúng ta hãy nhìn tổng thể, từ khi vào đây tôi đã thực hiện tăng vốn lên 700 tỷ, và xài hết số tiền trên, sau đó tăng vốn lần thứ hai để sáp nhập Sứ Thiên Thanh thu về tổng hơn 900 tỷ. Nếu cộng hết lại thì vốn tăng lên khoảng 3.416 tỷ, nhưng đến cuối 2019 thì vốn dự còn khoảng 242 tỷ đồng. Con số chênh lệch rất lớn khoảng 3.000 tỷ đi đâu, dĩ nhiên là lỗ, đây là con số lỗ không tưởng với doanh nghiệp trong ngành gỗ.

Chính chúng tôi cũng mất 2 năm để tìm ra con số lỗ này, còn nói về từ "giấu" thì đúng ra là người khác giấu chúng tôi, chúng tôi không giấu ai cả chỉ là chưa biết để trả lời. Đến nay biết được rồi nên chúng tôi có câu trả lời cho cổ đông, và để có được câu trả lời này TTF đã cùng với đơn vị kiểm toán để truy được tất cả những con lỗ đã giấu rất nhiều năm.

Đến bây giờ, chúng ta biết lỗ bao nhiêu rồi mới có thể lọc lại bài toán để làm lại cuộc chơi. Còn nói chúng tôi có cổ phần gì ở Sứ Thiên Thanh hay không, câu trả lời là hoàn toàn không. TTF rất may mắn tìm được đối tác sẵn sàng chia sẻ khó khăn với chúng ta".

Sáp nhập Sứ Thiên Thanh được gì?

TTF vừa hoàn tất đợt phát hành hơn 95,6 triệu cổ phiếu hoán đổi, tỷ lệ 8,21:1, tức các cổ đông của Sứ Thiên Thanh tại ngày chốt danh sách hưởng quyền, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu Sứ Thiên Thanh sẽ nhận lại được 8,21 cổ phiếu TTF.

Sau phát hành, Công ty sẽ tăng vốn lên 3.146 tỷ đồng và lượng cổ phiếu mới phát hành chiếm 46,6% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Mục đích của việc sáp nhập giúp TTF thoát nguy cơ lỗ lũy kế vượt cả vốn điều lệ. Dự kiến sau sáp nhập, TTF và Sứ Thiên Thanh sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, trong đó Sứ Thiên Thanh là công ty con do TTF sở hữu 100% vốn.

Trả lời cổ đông việc sáp nhập sứ Thiên Thanh được cái gì? Ông Tín nói, trong bộ sản phẩm có gỗ, kim loại và sứ, đây là lý do ông đàm phán với bầu Thắng Đồng Tâm để được làm với Sứ Thiên Thanh.

Ghi nhận, với dòng hàng bàn trang điểm, Trung Quốc mỗi năm xuất khẩu với doanh số 4 tỷ USD và tổng giá trị này đang chảy vào Việt Nam, hiện thị trường trong nước bắt đầu nhận khoảng 1 triệu USD/đơn hàng.

Còn phần chậu rửa bằng sứ thì Trung Quốc bán hàng triệu cái mỗi ngày. Trước nhu cầu lớn cùn với kỳ vọng Sứ Thiên Thanh có thể sản xuất được hàng đạt chuẩn như vậy, TTF quyết định đi cùng Sứ Thiên Thanh để đẩy công suất nhà máy lên (hiện đạt 450.000 sản phẩm/năm). Theo kế hoạch, TTF sẽ hợp tác đầu tư tăng năng suất lên 800.000 sản phẩm/năm, đầu 2020.

Mặt khác, ông Tín nói, bản thân Sứ Thiên Thanh cũng đang hoạt động có lãi, thị phần tăng trưởng hơn 20%. Sau sáp nhập, người đứng đầu TTF kỳ vọng lấy Sứ Thiên Thanh làm nhà cung cấp cho TTF.

"Trong con số hợp nhất 2019, Sứ Thiên Thanh đóng góp chưa đến 300 tỷ doanh thu, tôi không vội vã xếp hạng đóng góp của Sứ Thiên Thanh, nhưng nếu loại bỏ để thấy được khoản lãi thật của TTF 2019 đâu đó khoảng vài chục tỷ thì có đóng góp lớn của Thiên Thanh. Thời gian tới con số doanh thu Thiên Thanh đóng góp sẽ tăng dần dên, từ 300 tỷ lên 500 tỷ, rồi sẽ đạt 1.000 tỷ đồng.

Việc chúng ta là nâng Sứ Thiên Thanh từ bật thấp nhấp lên các bậc cao hơn, thậm chí có thể hơn Viglacera trong tương lai. Tương lai Sứ Thiên Thanh đóng góp tối đa 10% doanh số thôi, không hơn, nhưng nó có giá trị. TTF cũng sẽ kiếm thêm chục ông như Thiên Thanh nữa".

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên