ĐHĐCĐ LienVietPostBank: Thận trọng với kết quả kinh doanh vì muốn "lùi một bước tiến ba bước"
Năm nay ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế khoảng 1.800 tỷ đồng, chỉ tương đương năm trước, và tỷ lệ cổ tức ở mức 12%.
Thắc mắc bấy lâu nay trong giới đầu tư đã chính thức có đáp án tại ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, UPCoM: LPB) diễn ra ngày 28/3/2018 khi cổ đông đã chính thức thông qua bầu ông Nguyễn Đình Thắng làm Chủ tịch HĐQT, thay thế ông Nguyễn Đức Hưởng.
Mặc dù chia tay HĐQT Ngân hàng, song ông Hưởng cho biết vẫn sẽ nắm giữ cổ phiếu LPB. Phát biểu chia tay tại Đại hội, ông Hưởng khẳng định: "Tôi không bao giờ rời bỏ LienVietPostBank", hay "Anh chị nào muốn bán cổ phiếu LPB tôi sẽ mua ngay".
Cùng với đó, cổ đông Ngân hàng cũng đã thông qua việc bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới (2018-2023) gồm 8 thành viên. Trong đó có 6 thành viên hiện đang nằm trong HĐQT LienVietPostBank là ông Nguyễn Đình Thắng (Phó Chủ tịch HĐQT), ông Phạm Doãn Sơn (Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Giám đốc), ông Nguyễn Đức Cử (Phó Chủ tịch HĐQT), ông Huỳnh Ngọc Huy (Thành viên HĐQT), ông Lê Hồng Phong (Thành viên HĐQT), bà Chu Thị Lan Hương (Thành viên HĐQT). 2 thành viên mới còn lại là ông Dương Công Toàn (Phó Tổng Giám đốc LienVietPostBank) và bà Dương Hoài Liên (một gương mặt mới hiện không nắm giữ chức vụ nào tại LienVietPostBank).
Ngoài ra, với Ban Kiểm soát, số lượng nhân sự 3 người nhiệm kỳ mới đều là thành viên BKS hiện tại của LienVietPostBank, gồm có ông Trần Thanh Tùng, ông Phùng Thế Việt, bà Nguyễn Thị Lan Anh.
Kế hoạch 2018 thận trọng nhằm đẩy mạnh đầu tư hướng đến ngân hàng bán lẻ
ĐHĐCĐ LienVietPostBank diễn ra ngày 28/3/2018.
Năm đầu thay mới Chủ tịch, LienVietPostBank đặt kế hoạch kinh doanh năm 2018 khá thận trọng với tổng tài sản lên 190.000 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng lên 9.875 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.800 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng khoảng 19,7%, trả cổ tức 12%, nợ xấu dưới 1,5%.
Như vậy, chỉ tiêu lãi trước thuế của LPB tăng chưa đến 2% so với thực hiện năm ngoái, con số này khá bất ngờ bởi không ít người kỳ vọng cao hơn thế, như VNDirect dự báo lãi trước thuế của LPB có thể vượt 2.200 tỷ, hay VietinBankSc thì dự kiến lãi sau thuế của ngân hàng này ở mức 1.893 tỷ đồng (tăng 38% so với năm 2017).
Giải đáp thắc mắc trên, ông Phạm Doãn Sơn - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Giám đốc LPB cho biết: "Chúng tôi muốn "Lùi một bước tiến ba bước", sỡ dĩ đề ra chỉ tiêu thận trọng do năm 2018 LPB dự kiến mở rộng hệ thống nhằm hướng đến ngân hàng bán lẻ, và chi phí đầu tư tăng mạnh. Thứ hai về lợi nhuận thì đây là con số thấp nhất Ngân hàng đặt ra, theo đó LPB cũng dự kiến cổ tức tối thiểu là 12%". Cũng nói thêm về mức chi phí đầu tư, ông Sơn cho biết mặc dù ước tính là con số khá lớn song sẽ được phân bổ dần.
Kết thúc năm 2017, Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.768 tỷ đồng, tăng khoảng 31% so với năm 2016, tăng gấp gần 4 lần so với năm 2008 – mức cao nhất trong 10 năm hoạt động LienVietPostBank (từ 2008 đến 2017).
Lãi trước thuế quý 1/2018 hơn 500 tỷ, huy động kênh bưu điện cán mốc 10.000 tỷ đồng
Tiếp tục với vấn đề hoạt động kinh doanh, năm 2018 với mục tiêu chuyển hướng từ tiết kiệm cá nhân sang nhóm khách hàng lớn, LPB cho biết làm gì làm cũng sẽ tăng trưởng tín dụng dựa trên mức tối đa theo Nhà nước đặt ra là 14%.
Về huy động, tính đến cuối quý 1/2018, riêng tổng huy động thu được từ kênh bưu điện tăng 10.000 tỷ đồng, tương đương với con số kế hoạch năm ngoái. Đồng thời, huy động từ kênh ngân hàng tính đến nay cũng đã tăng hơn 7.000 tỷ đồng. Lãi trước thuế của LPB tính đến ngày 31/3/2018 đạt hơn 500 tỷ đồng.
Sẽ niêm yết trước năm 2020
Một vấn đề đáng quan tâm khác tại Đại hội, cổ đông Ngân hàng có hỏi ban lãnh đạo về kế hoạch niêm yết, được manh nha từ đầu năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa có lộ trình cụ thể?
Trả lời điều này, đại diện LPB cho biết để niêm yết Ngân hàng cần thời gian để lên kế hoạch, sao cho tối đa hóa lợi ích của cổ đông cũng như chọn thời điểm phù hợp nhất. "Dự kiến sẽ niêm yết trước năm 2020", vị này khẳng định.
Song song với đó, khi nói đến vấn đề room ngoại, lãnh đạo LPB khẳng định vẫn ưu tiên hơn đối với cổ đông cũng như cổ đông chiến lược trong nước, cho nên hiện Ngân hàng chưa có kế hoạch gì đối với tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài.
Trên thị trường, giá cổ phiếu LPB cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực, 3 tháng đầu năm tăng gần 37% lên mức 15.100 đồng/cp (28/3/2018).
Biến động cổ phiếu LPB trong 6 tháng qua.
Trí Thức Trẻ