ĐHĐCĐ Lộc Trời (LTG): Giảm thành viên ban lãnh đạo, áp KPIs, Chủ tịch nhấn mạnh cơ chế "nhân trị" đã không còn hiệu quả!
"Chúng tôi tưởng đâu mình nhỏ sẽ không có biến cố, nhưng thực tế Lộc Trời đã gặp rất nhiều khó khăn, đây cũng do tính chủ quan", Chủ tịch Lộc Trời (LTG) phân trần.
Phát biểu mở đầu ĐHĐCĐ thường niên 2018 của CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UpCOM: LTG), Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn cho biết sau nhiều biến cố, Lộc Trời thời gian qua đã tái cấu trúc toàn bộ, nói nôm na là "làm vệ sinh sạch sẽ" trước khi chào sàn HoSE. "Chúng tôi tưởng đâu mình nhỏ sẽ không có biến cố, nhưng thực tế Lộc Trời đã gặp rất nhiều khó khăn, đây cũng do tính chủ quan", người cầm cương phân trần.
Kết quả năm 2017 chưa đúng với kỳ vọng, hệ thống "nhân trị" bắt đầu không còn phù hợp
Theo báo cáo, năm 2017 tổng doanh thu Lộc Trời đạt 8.983 tỷ đồng, vượt 5,4% so với kế hoạch và tăng 12,3% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 446 tỷ đồng, tăng 27,9% so với lợi nhuận đạt được năm 2016 và mới hoàn thành 97% kế hoạch năm.
Theo kế hoạch, Lộc Trời sẽ chia cổ tức tổng tỷ lệ 40% (20% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu). Công ty dự kiến phát hành hơn 13,43 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 20%, thời gian thực hiện dự kiến sau khi tăng vốn điều lên gần 806 tỷ đồng.
Nói về kết quả năm 2017, ban lãnh đạo Công ty cho biết con số ghi nhận rất là khả quan trong bối cảnh nhiều biến cố năm qua mà Lộc Trời gặp phải. Tuy nhiên, những thành quả trên thực tế chưa đúng với tiềm năng mà Lộc Trời đang có, đồng thời kỳ vọng của ban lãnh đạo theo ông Thòn là nhiều hơn thế.
Một trong những băn khoăn của Lộc Trời năm qua theo ông Thòn là môi trường làm việc chưa tốt, dẫn đến đời sống nhân viên chưa tốt, khiến đội ngũ nhân lực thiếu năng động thực thi tốt nhiệm vụ. Đã vậy, vị Chủ tịch cho biết Lộc Trời còn thiếu sót ở khâu quản trị, bộ máy quá lỏng kẻo.
Trong đó, chính sách quản lý "nhân trị" – tức sống bằng tình người – mặc dù những năm qua phát huy tác dụng nhưng đến nay bắt đầu bộc lộ nhiều rủi ro. Bởi, khi không còn nhỏ, khi cơ chế xã hội phức tạp hơn, cơ chế "nhân trị" đã không còn hợp lý, thậm chí là cực đoan dẫn đến nhiều hậu quả trong nhân sự Công ty. Kết quả là, thời gian qua Lộc Trời đã phải gặp rất nhiều biến cố về nhân sự, cơ cấu bộ máy chưa có nhiều gắn kết dẫn đến tính minh bạch cũng như hiệu quả hoạt động.
Và một trong những đổi mới để nâng cao tinh thần làm việc của nhân viên chính là áp dụng KPIs. Chia sẻ bên lề đại hội, ông Thòn cho biết việc áp dụng KPIs được Công ty xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng, trong đó phối hợp chặt chẽ với đối tác quan trọng là PwC. Theo đó, kế hoạch năm 2018 được xây dựng dựa trên chỉ tiêu KPIs áp dụng cho toàn bộ công nhân viên, Chủ tịch Lộc Trời kỳ vọng sẽ hoàn thành được mục tiêu đề ra.
Dự kiến thu lãi tối thiểu 50 tỷ đồng mảng lương thực hằng năm
Một bất cập khác của Lộc Trời chính là chiến lược chưa rõ ràng. Phân tích sâu, về bước đi về chiến lược Chủ tịch cho biết năm 2018 có thay đổi, tức thay đổi cơ cấu ngành hàng để hợp với thị trường, trong đó giảm tại mảng lương thực mà cụ thể là Lộc Trời sẽ hợp tác sát sao hơn với nông dân về diện tích canh tác, không còn lỏng lẻo trong quản trị như trước đây.
Đi cùng với đó, ban lãnh đạo Công ty cũng đổi mới từ bộ phận kinh doanh đến tài chính, Lộc Trời đặt mục tiêu sẽ đi theo cơ chế của thị trường, không còn bảo thủ như trước đây. Bởi, "bảo thủ nhưng bản thân Công ty mình đâu có quá giỏi", ông Thòn chia sẻ.
Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Lộc Trời.
Đặc biệt, liên quan đến mảng thuốc bảo vệ thực vật, theo báo cáo thường niên Lộc Trời nhận định thị trường đang bão hòa. Như vậy, cùng với công tác thắt chặt từ Bộ Bảo vệ Thực vật, Lộc Trời dự kiến sẽ giảm tỷ trọng kinh doanh tại mảng thuốc trừ sâu, Chủ tịch cho biết cũng là động thái hợp tình hợp lý với đạo đức kinh doanh. Hơn nữa, tương lai xa hơn, Lộc Trời tuy giảm tỷ trọng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng sẽ hướng tăng dần sang các sản phẩm hữu cơ, điều này theo Công ty không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động trong ngắn hạn.
Riêng năm 2018, Lộc Trời đặt mục tiêu đạt 9.878 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 13,71% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 589 tỷ đồng, tăng trường 32,12% so với lợi nhuận đạt được năm 2017. Nhấn mạnh kế hoạch kinh doanh, ông Thòn cho biết: "Đến hôm nay Lộc Trời đã hiểu được chiến lược trọng tâm sẽ là gì, hiểu về mảng lương thực và dự kiến sẽ thu tối thiểu 50 tỷ tiền lãi lương thực từ năm 2018. Cùng với đó, dưới sự hợp tác với PwC, Lộc Trời đã biết cách huy động hỗ trợ, Công ty sẽ phát triển hơn con số hiện tại".
Kết thúc quý 1/2018, doanh thu thuần Công ty đạt hơn 1.522 tỷ đồng, giảm sút 7,6% so với quý 1/2017. Cùng với đó, chi phí tài chính, mà chủ yếu là chi phí lãi vay tăng 4,3 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên mức 33,76 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng tăng 20 tỷ đồng, lên mức 173 tỷ đồng – mà chủ yếu tăng chi phí quảng cáo, khuyến mãi. Theo báo cáo, tổng chi phí quảng cáo khuyến mãi trong kỳ hơn 47 tỷ đồng, tăng đột biến 39 tỷ đồng, tương ứng mức tăng gần gấp 6 lần cùng kỳ. Kết quả là, quý 1/2018 Lộc Trời còn lãi trước thuế 88,26 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 73,51 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ gần 73,2 tỷ đồng.
Thừa nhận quản trị chi phí chưa hiệu quả, ông Thòn khẳng định năm 2018 với sự hỗ trợ từ các đối tác, đặc biệt PwC sẽ cải thiện việc này, đáng quan tâm trong đó Lộc Trời dự kiến giảm dần đòn bẩy tài chính. Tính đến ngày 31/3/2018, tổng nợ phải trả Công ty ghi nhận 4.788 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn là 3.313 tỷ và vay dài hạn là 220 tỷ đồng.
Đã làm vệ sinh sạch sẽ, Lộc Trời sẵn sàng lên HoSE
Nói về Lộc Trời, tiền thân là CTCP Bảo vệ thực vật An Giang, doanh nghiệp đứng đầu ngành Bảo vệ thực vật được thành lập từ năm 1993 với vốn đầu tư ban đầu 750 triệu đồng. Tháng 9/2004 Công ty được cổ phần hóa, đăng ý vốn điều lệ 150 tỷ, đến năm 2015 đổi tên thành Tập đoàn Lộc Trời và tăng vốn lên 671,611 tỷ đồng như hiện nay. Hiện, Lộc Trời hoạt động theo chuỗi giá trị sản xuất từ nghiên cứu, sản xuất đến tiêu thụ các mặt hàng nông sản như lúa gạo, cà phê….
Từ năm 2010 Lộc Trời bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực chế biến và kinh doanh lúa gạo với các sản phẩm như gạo thực dưỡng Vibigaba, rượu Vibigaba, nước uống dinh dưỡng từ gạo…và được biết nhiều với thương hiệu gạo Hạt Ngọc Trời.
Đến năm 2017 vào ngày 24/7, Sở GDCK Hà Nội chính thức chấp thuận cho Lộc Trời đưa 67,2 triệu cổ phiếu giao dịch trên UpCOM với mã LTG, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 55.000 đồng/cp. Tuy nhiên, đến nay cổ phiếu LTG đã giảm về giao dịch tại mức 39.900 đồng/cp.
Biến động cổ phiếu LTG thời gian qua.
Nói về điều này, Lộc Trời phân trần năm qua đã gặp rất nhiều biến cố về nhân sự, cơ cấu bộ máy chưa có nhiều gắn kết dẫn đến tính minh bạch cũng như hiệu quả hoạt động. Như vậy, giá cổ phiếu Lộc Trời trên thị trường cũng giảm, song Chủ tịch nhấn mạnh giá cổ phiếu chưa đúng với giá trị thực tế Công ty. Kế hoạch lên sàn HoSE, Công ty cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng để làm tốt hơn, trong đó có sự hỗ trợ lớn từ đối tác PwC và thời kỳ lẩn quẩn 3 năm qua đã kết thúc.
Dài hơi hơn, Lộc Trời đã cùng với nhiều đối tác lên kế hoạch 3 năm rõ ràng, nhằm khôi phục lại niềm tin không chỉ từ thị trường, cổ đông mà cả trong chính nội bộ Công ty. Cùng với đó, Công ty sẽ làm mới lại cơ chế của Công ty, trong đó vẫn giữ được tình người trong quản trị nhân sự nhưng vẫn đi kịp với đổi mới của thị trường. Theo ước tính của Chủ tịch, trong vòng 3 năm tới với chiến lược dài hơi, Lộc Trời dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng 11-12%/năm.
Cũng tại đại hội, Công ty giảm số lượng thành viên HĐQT về 7 thành viên, thông qua việc miễn nhiệm ông Trần Quốc Thanh khỏi chức danh Thành viên HĐQT từ ngày 1/4/2018. Đồng thời, cổ đông Công ty cũng đồng ý với tờ trình Chủ tịch HĐQT kiêm chức vụ Tổng Giám đốc Công ty.
Cùng với đó, Công ty bầu bổ sung 1 thành viên Ban Kiểm soát (BKS) do trong năm qua đã có 2 thành viên nghỉ. Như vậy Lộc Trời cũng giảm số lượng thành viên BKS về 3 thành viên cho nhiệm kỳ 2014-2019.
Trí Thức Trẻ