ĐHĐCĐ PNJ: Các cửa hàng mở mới năm 2017 không đơn vị nào bị lỗ
Về ý kiến pha loãng cổ phiếu, thì PNJ quan điểm rằng pha loãng này sẽ bất lợi cho Công ty chứ không phải cổ đông, vì tăng vốn thì EPS sẽ giảm, từ 6.700 (năm 2017) về mức 5.400 trong năm 2018.
Quý 1/2018 đạt 421 tỷ lợi nhuận, thực hiện 38% kế hoạch
Sáng ngày 21/4, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh 2018 với mục tiêu 13.727 tỷ doanh thu, tăng 25% và lợi nhuận sau thuế đạt 882,4 tỷ đồng, tăng 22% so với thực hiện trong năm 2017. Với chỉ tiêu trên, PNJ đề xuất mức cổ tức năm nay là 18%.
Được biết, 2018 được xem là năm đầu tiên trong giai đoạn chiến lược 5 năm từ 2018-2022. Theo đó, để hoàn thành kế hoạch đề ra, PNJ dự kiến mở mới thêm ít nhất 40 cửa hàng và mục tiêu đến cuối tháng 4 sẽ nâng tổng số cửa hàng đạt mức 300 cửa hàng, đồng thời cố gắng duy trì tỷ lệ tăng trưởng doanh thu cửa hàng (SSSG) như năm 2017 là khoảng 21%.
Riêng 3 tháng đầu năm, PNJ cho biết doanh thu đạt 4.166 tỷ, tăng 32% và lợi nhuận trước thuế đạt 420,8 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2017. So với kế hoạch, hiện Công ty đã thực hiện lần lượt 30% chỉ tiêu doanh thu và 38% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Cùng với đó, năm 2018 Công ty đã thành lập 2 công ty con là Công ty TNHH MTV Chế tác và Kinh doanh trang sức PNJ (vốn điều lệ là 100 tỷ đồng) và Công ty TNHH MTV Kỷ nguyên Khách hàng (vốn điều lệ 20 tỷ đồng), cả 2 đơn vị này sẽ chính thức đi vào hoạt động vào ngày 28/4 tới đây – ngay ngày kỷ niệm 30 năm PNJ thành lập.
Một nội dung khác, năm 2018 HĐQT Công ty cũng trình cổ đông thông qua việc tăng số lượng Thành viên HĐQT từ 8 lên thành 9 thành viên. Theo đó, Công ty bầu mới 2 Thành viên HĐQT là bà Huỳnh Thị Xuân Liên và ông Robert Alan Willet – một bổ sung một thay thế cho ông Nguyễn Vũ Phan từ nhiệm khỏi vị trí này.
2017 PNJ đã chính thức đi vào quỹ đạo của chiến lược mới
Phát biểu tại đại hội năm nay, ông Lê Trí Thông, tân Tổng Giám đốc PNJ cho biết thực tế năm 2017 PNJ đã chính thức đi vào quỹ đạo của chiến lược mới – Chiến lược Bán lẻ hiện đại – với khách hàng là yếu tố quyết định.
Tân Tổng Giám đốc Lê Trí Thông phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên PNJ ngày 21/4.
Điểm lại năm 2017, PNJ ghi nhận nhiều thành tựu về cả doanh thu (tăng 28% lên 11.049 tỷ) và lợi nhuận sau thuế (tăng 61% lên 725 tỷ); đồng thời, số cửa hàng mở mới lên đến 54 điểm trong năm. Trong đó, với nhu cầu trang sức vàng tăng mạnh (toàn thế giới tăng trưởng 4%, Việt Nam tăng 7% đạt 16,5 tấn) khiến hoạt động kinh doanh bán lẻ trang sức vàng PNJ nhảy vọt, đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy sự phát triển với tỷ trọng 50% tổng doanh thu toàn Công ty, đạt mức 5.579 tỷ đồng.
Về quy mô, tổng số cửa hàng năm qua tăng 50 điểm, đạt 269 cửa hàng; theo thống kê, lượng khách hàng đến với PNJ năm 2017 tăng 44% so với năm 2016. Chia sẻ tại Đại hội, đại diện PNJ cho biết các cửa hàng mở mới năm 2017 không có đơn vị nào thua lỗ, điều này có được nhờ vào chiến lược theo dõi sát sao và đánh giá hiệu quả trung bình sau 18 tháng triển khai.
Nhìn chung, năm 2017 được xem là năm đánh dấu kết thúc giai đoạn chiến lược 10 năm 2012-2022 và mở ra giai đoạn 2 với trọng tậm "PNJ là một công ty chế tác và bán lẻ trang sức". Với kết quả đạt được, ban lãnh đạo Công ty đã tăng mức cổ tức 2017 lên 20% thay cho mức 18% như kế hoạch. Trong đó, Công ty đã tạm ứng 2 đợt cổ tức tổng tỷ lệ 18% cho cổ đông, số còn lại sẽ đề nghị chi trả vào đợt 3 trong thời gian tới, dự kiến giữa tháng 5/2018.
Phát hành 54 triệu cổ phiếu thưởng tỷ lệ 50% và 4,86 triệu cổ phiếu ESOP tỷ lệ 3%
Một nội dung đáng chú ý khác, PNJ dự kiến phát hành 54 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 50% cho cổ đông hiện hữu (tương ứng cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới), tổng giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 540 tỷ đồng. Nếu thương vụ thành công, vốn điều lệ của PNJ sẽ tăng từ mức 1.081 tỷ lên hơn 1.621 tỷ đồng.
Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC đã kiểm toán. Thời gian phát hành ngay trong năm 2018 ngay sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Trước kế hoạch này, có cổ đông ý kiến dừng việc phát hành tăng vốn nhằm tránh pha loãng cổ phiếu, thay vào đó tăng các nguồn quỹ đầu tư phát triển. Trả lời, đại diện PNJ cho biết quỹ đầu tư phát triển đến năm nay là hơn 200 tỷ và Công ty chưa sử dụng nguồn này. Về ý kiến pha loãng cổ phiếu, thì PNJ quan điểm rằng pha loãng này sẽ bất lợi cho Công ty chứ không phải cổ đông, vì tăng vốn thì EPS sẽ giảm, từ 6.700 (năm 2017) về mức 5.400 trong năm 2018.
Cùng với đó, PNJ cũng trình phương án phát hành hơn 4,86 triệu cổ phiếu ESOP cho lãnh đạo chủ chốt và công ty con năm 2018 với tỷ lệ 3%. Giá chào bán 20.000 đồng/cp, khá thấp (chỉ bằng 1/9) so với mức 172.400 đồng/cp hiện nay của PNJ trên thị trường. Về hạn chế chuyển nhượng, có 30% số cổ phiếu ESOP này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 12 tháng; 30% sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 24 tháng và 40% còn lại bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 36 tháng.
Liên quan đến giao dịch cổ phiếu PNJ, 1 năm qua thị giá đơn vị này liên tục thăng hoa, có lúc vượt mức 200.000 đồng/cp, nâng tổng vốn hóa thị trường đạt 21.600 tỷ đồng (950 triệu USD). Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 đến nay, cổ phiếu PNJ bắt đầu điều chỉnh mạnh, hiện lui về mức 172.000 đồng/cp, nguyên nhân được đồn đoán do ảnh hưởng từ vụ việc liên quan đến DongABank. Được biết, tính đến ngày 31/12/2017, PNJ dự phòng hơn 395 tỷ đồng – tương đương 100% tổng giá trị đầu tư 38,5 triệu cổ phiếu DongABank.
Trước luồng ý kiến này, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT Công ty - khẳng định PNJ không có liên quan và bị ảnh hưởng gì từ những vấn đề của DongABank. Mọi hoạt động kinh doanh đều ổn định và tăng trưởng tốt.
Giao dịch cổ phiếu PNJ 1 năm qua.
Trí Thức Trẻ