MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ SHB: Cổ đông "đòi" cổ tức bằng tiền mặt, "bầu" Hiển nói các vị thử ngồi vị trí của lãnh đạo đi

27-04-2017 - 10:04 AM | Tài chính - ngân hàng

Chủ tịch SHB mong cổ đông chia sẻ và cho biết SHB là một trong những ngân hàng được chia cổ tức và chia cổ tức bằng cổ phiếu, đây cũng là lợi ích bền vững cho ngân hàng và các cổ đông. Sau khi Đại hội phê chuẩn sẽ tiến hành chia ngay chia sớm theo đúng quy định pháp luật.

Sáng nay (27/4), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017.

9h30: Mở đầu Đại hội hôm nay, ngân hàng đã tiến hành thủ tục bỏ phiếu bầu 7 ứng cử viên vào HĐQT và 5 ứng viên vào BKS.

7 ứng viên bầu vào HĐQT:

- Ông Đỗ Quang Hiển

- Ông Võ Đức Tiến

- Ông Thái Quốc Minh (thành viên HĐQT độc lập)

- Ông Nguyễn Văn Lê

- Ông Trần Ngọc Linh

- Ông Đỗ Quang Huy

- Ông Phạm Công Đoàn

Trong số này, có hai ứng cử viên mới là ông Thái Quốc Minh (hiện là Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Tư nhân VINA) và ông Phạm Công Đoàn (hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Cảng Quảng Ninh - công ty con của tập đoàn T&T và Chủ tịch CTCP Vàng Tiến VHANI).

Trong khi đó, thành viên HĐQT cũ - ông Phạm Ngọc Tuân không còn trong danh sách ứng viên HĐQT.

5 ứng viên bầu vào BKS:

- Ông Phạm Hòa Bình

- Ông Nguyễn Hữu Đức

- Bà Nguyễn Thị Hoạt

- Bà Lê Thanh Cẩm

- Bà Phạm Thị Bích Hồng

Trong lúc chờ kết quả bỏ phiếu, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB lên đọc báo cáo về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2016.

Theo báo cáo, trước khi nhận sáp nhập Habubank, vốn điều lệ của ngân hàng ở mức 4.815 tỷ; tổng tài sản ở mức 70.089 tỷ song tính đến thời điểm 31/12/2016, SHB có vốn điều lệ là 11.196 tỷ đồng; tổng tài sản ở mức 234.785 tỷ đồng.

Tổng số nhân viên tăng từ 2.840 người lên 6.351 nhân viên. Mạng lưới hoạt động được mở rộng từ 129 điểm giao dịch trong nước trong đó có 1 Hội sở, 22 chi nhánh trong nước, 106 PGD; 1 công ty và 1 chi nhánh ở Campuchia thì nay đã mở rộng lên 451 điểm giao dịch trong đó có 1 Hội sở, 55 chi nhánh trong nước, 189 PGD, 206 ATM, ngoài ra SHB có 2 công ty con trong nước, 2 ngân hàng con ở Lào và Campuchia.

Về xử lý nợ xấu, trước khi nhận sáp nhập Habubank, SHB có tỷ lệ nợ xấu là 2,23%. Ngay sau khi tiếp nhận Habubank, tỷ lệ nợ xấu của SHB tăng lên 8,81%. Các khoản nợ do Habubank để lại chủ yếu là các khoản nợ lâu năm, khó xử lý. Đến hết năm 2016, tỷ lệ này ở mức 1,93%.

Kết thúc năm 2016, SHB đạt 1.156 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Ngân hàng trình cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7,5% để tăng vốn điều lệ lên 12.036 tỷ đồng. Quỹ lương thực hiện trong năm 2016 là 1.246 tỷ đồng. Chi thù lao HĐQT và BKS là 11,3 tỷ đồng.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2017, theo Tổng giám đốc SHB, ngân hàng sẽ tập trung mảng bán lẻ trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng và đưa ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 1.750 tỷ đồng, tăng trưởng 50% so với năm 2016. Tổng tài sản tăng lên 270 nghìn tỷ, vốn điều lệ tăng lên 12.036 tỷ đồng, dư nợ cho vay tăng trưởng 18%; huy động vốn tăng 20%,...

6 nhiệm vụ NHNN đề ra trong năm 2017 cho SHB

Ông Lê Quang Huy, Cục phó Cục thanh tra giám sát Cục I TP. Hà Nộị cho biết SHB là ngân hàng nhận sáp nhập Habubank và có nhiều nỗ lực xử lý tồn đọng của Habubank. Sau 4 năm, về cơ bản SHB đã hoàn thành mục tiêu của đề án sáp nhập.

Trong năm 2017, NHNN đề ra 6 nhiệm vụ cho ngân hàng:

1. Xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2017 phù hợp với chính sách tiền tệ của NHNN. Qua báo cáo, thấy định hướng của SHB khá sát với định hướng chung toàn ngành.

2. Thực hiện mở rộng tín dụng một cách hợp lý, gắn liền với việc giới hạn tín dụng mà NHNN đề ra và thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, quy định phân loại rủi ro…

3. Chủ động triển khai cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020, xử lý triệt để tồn đọng sau sáp nhập Habubank.

4. Tập trung nguồn lực kiểm soát nợ xấu, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc.

5. Kiện toàn bộ máy tổ chức, kiểm tra nội bộ và hệ thống quản trị rủi ro.

6. Cải thiện chất lượng dịch vụ ngân hàng.

------------------------------------------

11h: Thảo luận

Năm nay sao không chia cổ tức bằng tiền mặt mà vẫn trả cổ tức bằng cổ phiếu? Mảnh đất Lý Thường Kiệt xây trụ sở cao 13-15 tầng và dự kiến xây vào cuối năm 2016. Đến nay như thế nào?

Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: SHB là một trong những ngân hàng được chia cổ tức và chia cổ tức bằng cổ phiếu, đây cũng là lợi ích bền vững cho ngân hàng và các cổ đông. Sau khi Đại hội phê chuẩn sẽ tiến hành chia ngay chia sớm theo đúng quy định pháp luật.

Cổ đông của phần lớn các DN mong được chia bằng tiền mặt. Với SHB cp dưới mệnh giá, cổ đông mong chia bằng tiền mặt đây là nguyện vọng chính đáng. Chúng tôi cũng là cổ đông và mong cổ đông chia sẻ. Chúng tôi lo cho 7 nghìn nhân viên, gần 4 vạn cổ đông và hơn 5 triệu khách hàng. Nếu chúng ta chia ngay thì 3-5 năm sau sự lớn mạnh của ngân hàng sẽ như thế nào? Cổ đông cũng thử ngồi vị trí của chúng tôi đi để hiểu nỗi lòng của chúng tôi.

Về việc xây trụ sở, SHB đã mua đất tại 31 – 33 – 35 Lý Thường Kiệt đất vàng, 3 mặt phố, diện tích là 2.200 m2 đất sổ đỏ ở lâu dài, mua của các hộ dân.

SHB cuối năm 2016 chưa xây trụ sở được là do yếu tố khách quan do trung tâm thành phố khống chế chiều cao. Nếu vượt thẩm quyền của TP thì phải xin ý kiến. Nếu chỉ xây 8 tầng tại khu đất vàng là rất lãng phí. Thành phố đang báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xây dự kiến 14-15 tầng, chúng tôi cũng rất mong xây sớm, cũng không dám cho thuê cho mướn.

Kế hoạch hoạt động của công ty tài chính mới sáp nhập? Kế hoạch trong năm VVF lãi bao nhiêu?

Công ty tài chính tiêu dùng SHB đã hoàn tất các thủ tục pháp lý, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Chúng tôi đang tuyển dụng TGĐ công ty tài chính tiêu dùng giỏi, chuyên gia về bán lẻ, và đã mời được 1 số ứng viên xuất sắc về làm quản lý công ty này. Yếu tố con người là quyết định.

SHB có nhiều đối tác là các tập đoàn kinh tế mạnh trong nước, cộng với tiềm năng từ lĩnh vực tài chính tiêu dùng thì việc phát triển công ty là khả thi. Công ty sẽ chính thức đi vào hoạt động vào quý III. Kế hoạch 2017 lợi nhuận trên 100 tỷ, dự kiến trong năm sau tăng trưởng lợi nhuận sẽ tăng trưởng vượt bậc.

Chi phí trích lập dự phòng còn lại của các khoản tồn đọng tại Habubank? Kế hoạch theo đề án cụ thể ra sao?

Tại thời điểm sáp nhập Habubank, nợ xấu của Habubank là 8.600 tỷ đồng. Đến nay, SHB đã thu hồi 2.800 tỷ đồng, bán 3.500 tỷ đồng cho VAMC. Tới thời điểm hiện tại, nợ xấu của ngân hàng là 2.300 tỷ đồng, SHB sẽ tiếp tục lập dự phòng và xử lý.

SHB đã tìm được NĐT chiến lược chưa?

Đối tác chiến lược nước ngoài hiện nay cũng đã tìm hiểu nhưng họ vào đầu tư ngắn hạn trong khi SHB cần đối tác quản trị trong ban điều hành và đầu tư dài hạn.

Lộ trình hướng tới Basel II và Basel III của ngân hàng như thế nào?

SHB đang thành lập một ban quyết liệt, tuyển dụng nhân sự có năng lực về quản trị rủi ro, lập đề án triển khai đồng bộ quyết tâm từ nay đến hết 2018 sẽ thực hiện hoạt động theo chuẩn mực Basel II và tiến đến Basel III.

Kết quả kinh doanh của ngân hàng trong quý I như thế nào?

Tính 22/4, tổng tài sản của ngân hàng đạt 225.000 tỷ đồng, dư nợ đạt 173.000 tỷ đồng, tổng huy động cho vay đạt 195 nghìn tỷ. Lợi nhuận trước thuế đạt 470 tỷ đồng.

Đối với khoản nợ tồn trên 1.000 tỷ của Vinashin ngân hàng có hướng xử lý như thế nào?

Vinashin tổng dư nợ hiện còn 1.600 tỷ, trong đó có phần hoán đổi trái phiếu với VAMC 1.498 tỷ đồng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục hoán đổi trái phiếu với VAMC theo đề án và trích lập dự phòng theo quy định.

-------------------------------------------

13h: Cổ đông đã thông qua danh sách ứng cử vào HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2017-2022 và tất cả các tờ trình khác được biểu quyết thông qua.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên