MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ Tiên Phong Securities: Năm 2020 sẽ xoá sạch lỗ luỹ kế, tập trung khai thác mảng IB với tham vọng lọt Top 10 lợi nhuận vào năm 2022

Chính thức mua lại Chứng khoán Phương Đông (ORS) từ năm 2018, Chứng khoán Tiên Phong (Tiên Phong Securities, TPS), sau thời gian tái cấu trúc, đặt mục tiêu sẽ chính thức xoá sạch lỗ luỹ kế ngay trong năm 2020.

Sau 1 năm tái cấu trúc, TPS chính thức có lãi trở lại hơn 50 tỷ đồng trong năm 2019

Theo chia sẻ của ông Trần Sơn Hải – Tổng giám đốc kiêm phó chủ tịch HĐQT, quá trình tinh gọn trong năm 2018 đã giúp TPS cơ cấu được bộ máy theo hướng tập trung vào từng hoạt động kinh doanh với cơ chế chủ động trong công việc, tiết giảm nhiều chi phí không cần thiết từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đặc biệt, việc xử lý dứt điểm các nghĩa vụ liên quan đến đại án Huyền Như trong năm 2018 giúp TPS không còn chịu áp lực trích lập dự phòng. Việc tăng vốn thành công từ 240 tỷ lên hơn 400 tỷ giúp TPS cải thiện tình hình tài chính, đủ điều kiện kinh doanh trở lại các nghiệp vụ đã bị tạm đình chỉ trước đó.

Ngoài ra, việc gia nhập vào hệ sinh thái của TPBank (cổ đông lớn) giúp TPS nhận được hỗ trợ về nhiều mặt bao gồm cả hệ thống hạ tầng công nghệ, nguồn lực tài chính, nhân sự, khách hàng…

Năm 2019, TPS ghi nhận ghi nhận doanh thu 181 tỷ đồng, giảm 54% so với năm 2018. Sở dĩ có sự chênh lệch lớn do năm 2018 công ty có hạch toán khoản thu nhập bất thường 375 tỷ từ việc xử lý các khoản nợ phải thu khó đòi.

Nếu chỉ tính doanh thu thuần từ các nghiệp vụ kinh doanh chính, năm 2019 TPS ghi nhận mức tăng trưởng 7,4 lần so với mức 20,6 tỷ của năm 2018, chủ yếu nhờ nguồn thu từ hoạt động tư vấn tài chính tăng mạnh đạt hơn 155 tỷ đồng. Cùng với đó, hoạt động lưu ký chứng khoán trong đó hoạt động đại lý lưu ký trái phiếu đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu với hơn 12,3 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với 2018.

Kết quả, công ty chính thức có lãi trở lại, từ đó giảm được phân nửa lỗ luỹ kế đưa con số tính đến thời điểm 31/12/2019 về mức 132 tỷ. Bước sang năm 2020, ban lãnh đạo đặt mục tiêu xóa sạch lỗ lũy kế, từ đó gia tăng được năng lực cạnh tranh trên thương trường, thu hút vốn đầu tư.

ĐHĐCĐ Tiên Phong Securities: Năm 2020 sẽ xoá sạch lỗ luỹ kế, tập trung khai thác mảng IB với tham vọng lọt Top 10 lợi nhuận vào năm 2022 - Ảnh 1.

Năm 2020 mục tiêu lợi nhuận tăng 56%, xoá sạch lỗ luỹ kế tạo tiền đề huy động vốn

Tự nhìn nhận vẫn còn là tên tuổi mới trên thị trường, TPS thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung khai thác sâu hơn tệp khách hàng của TPBank. Song song với việc duy trì những mảng cốt lõi của công ty chứng khoán là môi giới, tự doanh, ký quỹ… TPS sẽ đẩy mạnh mảng Ngân hàng đầu tư.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bắt đầu chuyển mình tái cấu trúc, huy động vốn để mở rộng kinh doanh, TPS sẽ khai thác và cung cấp trọn gói tư vấn vốn, tái cấu trúc doanh nghiệp, hỗ trợ gọi vốn từ nhà đầu tư nước ngoài trái phiếu, tư vấn M&A… "Nhóm khách hàng hiện nay của chúng tôi có size trung và lớn, chủ yếu tại các mảng hạ tầng, xây dựng… đặc biệt ưu tiên doanh nghiệp niêm yết vì có tính năng động, minh bạch cao hơn", ông Hải nhấn mạnh.

Chi tiết chỉ tiêu kinh doanh năm nay, TPS kỳ vọng doanh thu tănh 78% lên 322 tỷ đồng, LNTT tương ứng đạt 80 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2019. Ước tính nửa đầu năm, TPS đã đạt được 50 tỷ đồng lợi nhuận – tức thực hiện được hơn nửa chỉ tiêu 2020 mặc dù đã tính đến tác động từ dịch Covid-19.

ĐHĐCĐ Tiên Phong Securities: Năm 2020 sẽ xoá sạch lỗ luỹ kế, tập trung khai thác mảng IB với tham vọng lọt Top 10 lợi nhuận vào năm 2022 - Ảnh 2.

Tương lai xa hơn, TPS hướng đến lọt Top 10 về lợi nhuận trong nhóm các công ty chứng khoán trên thị trường. Được biết, mục tiêu này TPS tham vọng sẽ thực hiện hoá ngay trong năm 2021, tuy nhiên đến nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên có thể phải lùi sang năm 2022.

Thậm chí, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chưa thể mở cửa trở lại có thể phải đến năm 2023 TPS mới tăng lợi nhuận lên thuộc Top 10 thị trường. Chia sẻ thêm về mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến công ty, ông Hải nói đến nay nhiều deal đang hoãn, do nhà đầu tư trước khi tham gia rót vốn sẽ phải sang để gặp gỡ, trao đổi và rà soát trực tiếp doanh nghiệp cũng như lãnh đạo doanh nghiệp.

Quý 3-4/2020 sẽ phát hành tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng, TPBank cam kết giữ tỷ lệ sở hữu ổn định

Một nội dung đáng quan tâm khác, năm 2020 TPS dự phát hành tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng, nhằm xây dựng nguồn lực tài chính dồi dào và mạnh mẽ, tài trợ vốn cho các nhu cầu phát triển kinh doanh của công ty, đủ điều kiện đăng ký cung cấp các dịch vụ mà công ty chưa thực hiện được như chứng quyền và phái sinh.

Chi tiết, công ty sẽ chào bán hơn 56 triệu cổ phần riêng lẻ cho các nhà đầu tư. Cổ phần phát hành mới sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm, thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3-4/2020 sau khi được sự chấp thuận của UBCKNN. Nhà đầu tư chiến lược tham gia đợt này là TPBank với số lượng mua vào hơn 5 triệu cổ phần, tương ứng 11,49% tống số phát hành. Nguồn vốn thu về TPS sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh. "TPBank sẽ luôn giữ tỷ lệ sở hữu tại TPS", chủ tịch Đỗ Anh Tú khẳng định.

Cùng với đó, TPS cũng huy động vốn qua kênh trái phiếu với kế hoạch phát hành tối đa 1.000 tỷ trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo hoặc có tài sản đảm bảo/biện pháp bảo đảm với kỳ hạn 1-3 năm. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2020 và/hoặc năm 2021, mục đích tăng quy mô vốn để phát triển nghiệp vụ cho vay giao dịch chứng khoán, thực hiện các hợp đồng bảo lãnh phát hành, tự doanh...

Năm 2019, công ty đã đảm bảo được vốn pháp định sau khi tăng vốn nhưng vẫn chưa được cấp phép hoạt động tự doanh và hoạt động giao dịch ký quỹ trở lại vì vậy nguồn thu từ hai nghiệp vụ này gần như không có trong năm. Bên cạnh đó, hoạt động môi giới cũng bị hạn chế và hoạt động trở lại từ giữa tháng 9 với việc vừa xây lại đội ngũ môi giới vừa xây dựng lại hệ thống giao dịch trong vỏn vẹn 1 quý cuối năm khiến nghiệp vụ này cũng chỉ đóng góp một phần rất nhỏ doanh thu và tạm thời chưa có lợi nhuận.

Như vậy, với việc tăng vốn, tăng thanh khoản TPS sẽ tham gia thực hiện được tất cả các nghiệp vụ chứng khoán, gia tăng năng lực cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh mức độ cạnh tranh trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay ngày càng gay gắt về hầu hết các mảng kinh doanh.

Cùng với đó, TPS cũng chú trọng đầu tư một hệ thống giao dịch mới tiên tiến, hiện đại hơn để làm cơ sở phát triển nghiệp vụ môi giới trong thời gian tới.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên