ĐHĐCĐ Vietcombank: Dự kiến trích 21.680 tỷ đồng chia cổ tức năm 2022, đã trình Chính phủ chủ trương nhận chuyển giao bắt buộc 1 TCTD
Sáng nay (21/4), Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 tại KĐT Ecopark, Hà Nội.
- 20-04-2023Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng tối thiểu 15%, dự kiến vượt mức 43.000 tỷ trong năm 2023
- 19-04-2023Ông Trương Gia Bình sẽ dừng tham gia HĐQT Vietcombank
- 14-04-2023Vietcombank tuyển dụng 509 nhân sự tại Trụ sở chính và chi nhánh, hàng trăm vị trí không yêu cầu kinh nghiệm
Theo báo cáo thẩm tra tư cách cổ đông, cuộc họp có sự tham dự của 101 đại biểu đại diện cho 630 cổ đông, sở hữu hơn 4,4 tỷ cổ phần, tương đương 94,48% cổ phần có quyền biểu quyết. Với tỷ lệ tham dự trên, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Vietcombank đủ điều kiện tiến hành cuộc họp.
Kế hoạch lợi nhuận tăng tối thiểu 15%
Tại cuộc họp, ban lãnh đạo ngân hàng trình cổ đông kế hoạch kinh doanh cho năm 2023.
Theo đó, Vietcombank phấn đấu hoàn thành kế hoạch lợi nhuận lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 15% so với năm 2022. Trước đó, ngân hàng này ghi nhận mức lãi hợp nhất trước thuế 37.368 tỷ đồng trong năm 2022. Như vậy, năm 2023, Vietcombank dự kiến lãi tối thiểu khoảng 43.000 tỷ đồng.
Ngân hàng này cũng dự kiến tổng tài sản tăng 9% so với cuối năm 2022. Trong đó, tín dụng tăng 13% với tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%. Huy động vốn từ thị trường 1 tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng với tỷ lệ cho vay/huy động không cao hơn mức thực hiện năm 2022.
Tỷ lệ chi trả cổ tức theo thẩm quyền phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
HĐQT Vietcombank đề xuất ĐHĐCĐ giao HĐQT chỉ đạo thực hiện và quyết định điều chỉnh Kế hoạch kinh doanh năm 2023 phù hợp với tình hình thực tế và theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Để hoàn thành các mục tiêu trên, Vietcombank cho biết tập trung thực hiện 6 đột phá chiến lược và 3 trọng tâm trong dịch chuyển cơ cấu hoạt động kinh doanh.
6 đột phá chiến lược bao gồm: Thứ nhất, triển khai Chương trình hành động chuyển đổi số và Kế hoạch hành động chuyển đổi đúng tiến độ đã phê duyệt, đảm bảo chất lượng. Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng nguồn nhân lực thích ứng cho chuyển đổi số. Phát triển văn hóa số và ứng dụng phương pháp làm việc Agile. Thứ ba, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu hoạt động; phát huy thế mạnh tổng thể của toàn hệ thống VCB. Thứ tư, đẩy mạnh công tác phát triển khách hàng, phát triển sản phẩm. Thứ năm, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách. Thứ sáu, triển khai đúng tiến độ với tinh thần quyết tâm cao nhất Phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.
3 trọng tâm trong dịch chuyển cơ cấu hoạt động kinh doanh của Vietcombank gồm:
Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng hiệu quả bền vững: Gia tăng tỷ trọng và chất lượng tài sản đảm bảo trong tổng dư nợ; tăng trưởng tín dụng bán buôn gắn với phát triển khách hàng và dịch vụ; tăng trưởng tín dụng bán lẻ, tín dụng tại PGD đồng thời với việc đảm bảo chất lượng tín dụng
Thứ hai, phấn đấu cải thiện tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, trọng tâm là thu nhập từ dịch vụ. Mở rộng cung ứng các sản phẩm dịch vụ trên kênh số và nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm của khách hàng.
Thứ ba, cơ cấu danh mục nguồn vốn theo hướng gia tăng hiệu quả. Phát triển mạnh mẽ vị thế tạo lập thị trường của VCB.
Báo cáo tại Đại hội, đại diện Vietcombank cho biết ngân hàng đã trình NHNN và Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc 1 tổ chức tín dụng cho Vietcombank. Ngân hàng đã hoàn thiện nội dung phương án nhận chuyển giao 1 tổ chức tín dụng và đang chờ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Dự kiến trích 21.680 tỷ đồng chia cổ tức năm 2022
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, với lợi nhuận có thể phân phối là 29.390 tỷ, Vietcombank dự kiến trích gần 1.470 tỷ cho quỹ dự trự bổ sung vốn điều lệ, trích 2.939 tỷ đồng cho quỹ dự phòng tài chính và 3.291 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng, phúc lợi,...
Sau khi trích lập các quỹ và điều chỉnh khác, lợi nhuận còn lại của Vietcombank là hơn 21.680 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được Vietcombank dùng để chia cổ tức theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tại cuộc họp, HĐQT Vietcombank trình cổ đông thông qua Báo cáo của Hội đồng quản trị (HĐQT) tổng kết nhiệm kỳ 2018-2023 và định hướng nhiệm kỳ 2023-2028. Trong đó, định hướng chủ đạo của VCB cho giai đoạn 2023 - 2028 là hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đến năm 2025 và tầm nhìn 2030: Giữ vững vị thế số 1 tại Việt Nam, đứng trong 200 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, 700 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu.
Trong giai đoạn 2022 – 2028, Vietcombank định hướng tăng trưởng tổng tài sản 9 – 10%/năm, tăng trưởng cấp tín dụng đối với nền kinh tế 12 – 14%/năm, huy động vốn tăng 10 – 11%/năm; ROE 17 – 18%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5% và tỷ lệ ạn toàn vốn ở mức 10 – 11%.
Ông Trương Gia Bình không tham gia HĐQT nhiệm kỳ mới
Tại Đại hội, Vietcombank báo cáo và trình cổ đông thông qua việc bầu Thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023-2028.
Cụ thể, số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới dự kiến là 11 người, trong đó có 1 thành viên HĐQT đại diện vốn nước ngoài và 1 thành viên HĐQT độc lập.
Trước mắt, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, ngân hàng sẽ bầu 8 thành viên. Danh sách đề cử có các thành viên HĐQT đương nhiệm gồm: ông Phạm Quang Dũng (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Thanh Tùng (Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc), ông Đỗ Việt Hùng, ông Nguyễn Mỹ Hào, ông Nguyễn Mạnh Hùng, ông Hồng Quang (thành viên HĐQT).
Bên cạnh đó, Vietcombank bầu tái cử ông Shojiro Mizoguchi, thành viên HĐQT đương nhiệm nhiệm kỳ 2018-2023 tiếp tục tham gia nhiệm kỳ mới. Ông Shojiro Mizoguchi là người đại diện vốn nhà đầu tư nước ngoài do cổ đông Mizuho đề cử.
Về thành viên độc lập, ngân hàng dự kiến bầu ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Viet Lotus. Ông Ngoạn là nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên Tổ tưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vietcombank (hiện nay dã nghỉ hưu).
Như vậy, ông Trương Gia Bình (Chủ tịch FPT), thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ cũ sẽ không tham gia vào HĐQT nhiệm kỳ mới. Trước đó, ông Trương Gia Bình được bầu vào HĐQT Vietcombank tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018.
Vietcombank cho biết, không bầu tái cử chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị độc lập đối với ông Trương Gia Bình, Thành viên Hội đồng quản trị độc lập nhiệm kỳ 2018 -2023 theo nguyện vọng cá nhân của ông Bình.
Hội đồng quản trị Vietcombank cũng báo cáo và trình Đại hội đồng cổ đông xem xét thông qua việc bầu Thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 – 2028 với số lượng Thành viên Ban Kiểm soát VCB nhiệm kỳ 2023-2028 là 05 người.
Trước mắt tại ĐHĐCĐ thường niên Vietcombank năm 2023, bầu 04 Thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028 như sau: Bầu tái cử 04 Thành viên Ban Kiểm soát đương nhiệm nhiệm kỳ 2018-2023 bao gồm: Ông Lại Hữu Phước, Trưởng Ban Kiểm soát; Bà La Thị Hồng Minh, Thành viên Ban Kiểm soát; Bà Đỗ Thị Mai Hương, Thành viên Ban Kiểm soát; Bà Trần Mỹ Hạnh, Thành viên Ban Kiểm soát.
Đại hội cũng trình cổ đông thông qua các báo cáo và tờ trình khác của HĐQT, Ban điều hành và Ban Kiểm soát.
Hỏi đáp với cổ đông
Cổ đông: Kế hoạch huy động vốn nước ngoài như thế nào?
Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng: Hiện nay, Vietcombank đang triển khai 3 nội dung tăng vốn gồm:
Tăng vốn từ nguồn lợi nhuận năm 2020 và lợi nhuận còn lại của năm 2019 với tỷ lệ phát hành 18,1% đã được Chính phủ thông qua. Hôm 19/4, NHNN đã thông qua phương án tăng vốn của Vietcombank. Như vậy, chỉ trong vòng khoảng 1 tháng nữa, VCB sẽ hoàn thành việc tăng vốn theo chương trình này.
Tăng vốn theo lợi nhuận của năm 2021 và lợi nhuận lũy kế còn lại đến trước trước năm 2018 với mức tăng khoảng 27.000 tỷ đồng. Chủ trương tăng vốn đã được NHNN và Bộ Tài chính thống nhất và đang chuẩn bị các thủ tục để trình các cơ quan có thẩm quyền thông qua. Theo quy định, với mức tăng vốn như trên phải được Quốc Hội thông qua.
Về kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng đang triển khai các bước theo thủ tục và đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn tài chính. Theo kế hoạch này, VCB sẽ thực hiện kế hoạch này trong năm 2023 - 2024.
Nói thêm về kế hoạch chia cổ tức, Phó Tổng Giám đốc Phùng Nguyễn Hải Yến cho biết: Vietcombank sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận 2020 và lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 18,1% trong tháng 5/2023.
Chương trình thứ 2 là trả cổ tức từ lợi nhuận năm 2021 và lợi nhuận còn lại đến trước năm 2018 với quy mô 27.000 tỷ đồng hiện đang xin các cấp có thẩm quyền.
Về nội dung phân phối lợi nhuận năm 2022, ngân hàng dự kiến chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận sau thuế còn lại là hơn 21.000 tỷ đồng.
Đề nghị cập nhật kế hoạch kinh doanh quý I
Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng: Năm 2023, dù gặp nhiều rất nhiều thách thức, nhưng kết quả kinh doanh của Vietcombank tương đối khả quan. Đến hết quý I, tín dụng tăng 2,5%, huy động vốn tăng hơn 3,2%; các mức tăng trưởng này đều cao hơn mặt bằng chung của hệ thống. NIM cải thiện so với cuối năm ngoài, tăng khoảng 0,04 điểm %; lợi nhuận riêng lẻ trong quý I đạt 11.050 tỷ đồng, hợp nhất đạt hơn 11.200 tỷ, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước và đạt 26% kết hoạch năm 2023.
Với kết quả đạt được, ban lãnh đạo ngân hàng tự tin sẽ hoàn thành và vượt các mục tiêu kinh doanh đề ra.
Chính sách hỗ trợ lãi suất được triển khai như thế nào?
Đại diện Vietcombank: Vietcombank luôn thực hiện chính sách áp dụng lãi suất ưu đãi cho khách hàng, đối với cả khách hàng hiện hữu và vay mới. Trong năm 2022, ngân hàng luôn duy trì mặt bằng lãi suất cho vay mới thấp so với thị trường. Đây cũng là lý do vì sao dư nợ tín dụng của ngân hàng trong năm 2022 tăng đến 19%, cao hơn nhiều so với các tổ tức tín dụng quy mô lớn.
Với khách hàng hiện hữu, ngân hàng đã giảm đồng loạt 1% lãi suất trong 2 tháng cuối năm 2022.
Bước sang năm 2023, Vietcombank tiếp tục hỗ trợ cho khách hàng trong bối cảnh kinh tế khó khăn và kỷ niệm 60 năm thành lập. Mức giảm đến nay đã lên tới 2% kể từ đầu năm.
Theo đó, ngân hàng giảm đồng loạt 0,5% cho khách hàng hiện hữu. Như vậy, quy mô dư nợ được giảm là trên 50% tổng dư nợ hiện hữu của Vietcombank.
Dự kiến trong thời gian tới, ngân hàng sẽ xem xét tiếp tục triển khai chương trình giảm lãi suất mà ngân hàng đã triển khai từ 1/1-30/4/2023.
Với chương trình giảm lãi suất 2% theo Nghị đinh 31 của Chính phủ và thông tư 03 của NHNN, doanh số dư nợ giải ngân đạt con số 10.000 tỷ đồng.
Kế hoạch trích lập dự phòng trong năm 2023 và ngân hàng có được hoàn nhập khoản trích lập dự phòng trong năm nay không?
Đại diện Vietcombank: Năm 2022, ngân hàng đã thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ theo đúng yêu cầu của NHNN. Trong năm 2023, ngân hàng kế hoạch trích lập 10.000 tỷ dự phòng rủi ro. Dựa trên mức trích lập trên, ngân hàng lên kế hoạch lợi nhuận tăng tối thiểu 15%. Với kế hoạch về tín dụng và huy động đã đề ra, ban điều hành sẽ cố gắng để đạt và vượt kế hoạch mà đại hội cổ đông thông qua.
Về khoản trích lập dự phòng tín dụng gần 10.000 tỷ trong năm 2022, Chủ tịch Vietcombank cho biết toàn bộ khoản cho vay được trích lập này đều có tài sản đảm bảo. Đến nay đã thu hồi một phần và hoàn nhập chỉ còn 5.800 tỷ.
Lộ trình nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém?
Chủ tịch Vietcombank cho biết: Ngân hàng đã trình và được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thông qua chủ trương nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém. Ngân hàng cũng đã xây dựng xong phương án nhận chuyển giao và trình lên các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được để chờ phê duyệt. Ngay sau khi nhận được quyết định phê duyệt, Vietcombank sẽ tổ chức thực hiện. Hiện nay, ngân hàng đang rất tích cực chuẩn bị nhận chuyển giao TCTD yếu kém.
Chủ tịch Phạm Quang Dũng cũng cho biết Vietcombank chưa đưa việc nhận chuyển giao vào kế hoạch kinh doanh của ngân hàng trong năm 2023.
Kết thúc đại hội, tất cả các tờ trình đều được đại hội đồng cổ đông thông qua.
Nhịp sống Thị trường