Di dời 7 hộ dân để tôn tạo di tích Đền Bà Kiệu đối diện hồ Hoàn Kiếm, giá đền bù cao nhất hơn 400 triệu đồng/m2
Với mục tiêu hoàn trả lại không gian cảnh quan nhằm phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa-lịch sử của di tích Đền Bà Kiệu… UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức giải phóng mặt bằng (GPMB) di dời 1 tổ chức và 7 hộ dân tại khu vực bảo vệ 1 của di tích.
Chiều 24/7, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức Hội nghị Đối thoại với các hộ dân và tổ chức về dự thảo phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư để thực hiện dự án GPMB, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh di tích Đền Bà Kiệu , quận Hoàn Kiếm.
Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm thông tin: Di tích Đền Bà Kiệu tọa lạc tại vị trí số 59 phố Đinh Tiên Hoàng, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Đền được xây dựng vào thế kỷ 17, là một di tích đạo Mẫu quý giá, không chỉ là niềm tự hào của Hà Nội mà còn là của cả nước. Đền đã được xếp hạng và công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1994.
Căn cứ biên bản và bản đồ khoanh vùng bảo vệ lập ngày 12/12/1992 thì Đền Bà Kiệu chỉ khu vực bảo vệ I, bao gồm khu kiến trúc, vườn hoa bao quanh và Tam quan. Hiện tại, trong khu vực này còn tồn tại 1 tổ chức là Công ty cổ phần Mỹ thuật và vật phẩm văn hóa Hà Nội và 7 hộ dân đang sinh sống và kinh doanh tại địa điểm này.
Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định: Đây là dự án đầu tư công thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo Điều 62 Luật Đất đai 2013, toàn bộ thủ tục từ công tác lập đến thẩm định và phê duyệt dự án GPMB, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh di tích đền Bà Kiệu, quận Hoàn Kiếm đã được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục và quy định của pháp luật, trong đó đã lấy ý kiến thỏa thuận của nhiều cơ quan chuyên môn, đặc biệt là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch.
Áp dụng cơ chế có lợi nhất cho người dân
Tại hội nghị, ông Bùi Anh Tuấn (trú tại 59 Đinh Tiên Hoàng) cho biết, dòng họ ông có công xây cất nên Đền Bà Kiệu, đất có nguồn gốc rõ ràng, ăn ở từ rất lâu, không phải đất "nhảy dù chóng vánh". Ông Tuấn đề nghị xác định rõ nơi 7 hộ dân ở là công trình là phụ trợ hay nơi tự xây dựng bừa bãi? Ông này cho biết, sẵn sàng di dời nhưng chỉ cần đúng đắn.
Một số cư dân cũng nêu ý kiến cần làm rõ nguồn gốc đất là đất công hay đất tư. Đồng thời kiến nghị về dự thảo phương án bồi thường hỗ trợ đảm bảo quyền lợi cho người dân...
Tại buổi đối thoại, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm đã có những giải đáp thắc mắc cho người dân. Đồng thời khẳng định: Quá trình triển khai thực hiện dự án, UBND quận Hoàn Kiếm đã trực tiếp liên hệ, làm việc, thu thập thêm các hồ sơ, thông tin tại các cơ quan lưu trữ của Trung ương và Hà Nội; tổ chức họp cộng đồng dân cư để củng cố thông tin về nguồn gốc, quá trình sử dụng nhà đất của các hộ dân.
Theo đó, UBND quận Hoàn Kiếm cũng tìm thêm được các thông tin, hồ sơ lưu trữ từ thời điểm chính quyền Pháp thuộc, đã có căn cứ để xác định được thời điểm sử dụng đất để ở của các hộ dân tại địa điểm này là từ những năm 1900, có nghĩa trước thời điểm lập bằng khoán điền thổ 585; trước thời điểm xếp hạng di tích năm 1994. Vận dụng các quy định của pháp luật, Hội đồng BTHTTĐC quận đã thống nhất chính sách bồi thường về đất cho các hộ dân và không phải nộp tiền nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất theo quy định.
Về chính sách tái định cư: Dự án Đền Bà Kiệu được UBND Thành phố Hà Nội bố trí tái định cư tại quỹ nhà NO15B phường Thượng Thanh, quận Long Biên.
Ngày 1/7/2024, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành Quyết định số 1676/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá đất cụ thể để thực hiện dự án. Theo đó, giá đất cụ thể làm cơ sở BTHT về đất cụ thể: Vị trí 1 phố Đinh Tiên Hoàng: 419.778.054 đồng/m2; Vị trí 1 phố Hàng Dầu : 352.463.657 đồng/m2; Vị trí 1 phố Lò Sũ: 279.578.638 đồng/m2; Vị trí 4 phố Đinh Tiên Hoàng: 127.841.454 đồng/m2
Giá đất cụ thể được xác định trên cơ sở do đơn vị tư vấn độc lập tiến hành điều tra, thu thập thông tin về thửa đất và giá đất thị trường đã giao dịch thành công trong cơ sở dữ liệu đất đai của các cơ quan quản lý như Chi cục thuế quận Hoàn Kiếm, Văn phòng Đăng ký đất đai CN Ba Đình – Hoàn Kiếm – Đống Đa,…
Tiền phong