Đi hết 1/3 cuộc đời, tôi chợt nhận ra mình đã lãng phí hơn 30 năm chỉ để than vãn: Khi yêu mọi thứ đang có, chúng ta có mọi thứ mình cần
Không phải những người hạnh phúc mới sống biết ơn, mà những người sống biết ơn mới hạnh phúc.
- 30-04-2020Có thật là mua được nhà, được xe thì sẽ hạnh phúc? Câu chuyện "mở cửa trái tim" của thiền sư Ajahn Brahm sẽ khiến nhiều người phải suy ngẫm
- 26-04-2020Đầy đủ vật chất là chưa đủ cho một cuộc sống hạnh phúc, muốn mỗi ngày trôi qua với ít lo lắng hơn, hãy tập trung tinh thần vào điều duy nhất này
- 22-04-2020Hạnh phúc đến từ 4 điều cực giản đơn mà ít người nhận ra này: Thực hiện đúng, đủ bạn có thể xoa dịu căng thẳng trong chuỗi ngày dịch bệnh
Tôi từng là một người luôn phàn nàn, thường xuyên tìm lỗi và càu nhàu. Tôi có thể càu nhàu hàng trăm lần một ngày về tất cả mọi thứ, có thể là thời tiết, giao thông hoặc cũng có thể là chồng tôi.
Tôi phàn nàn khi chồng không phụ giúp tôi việc nhà, và càu nhàu khi anh ấy làm chúng không đúng ý. Phải mất một thời gian tôi mới nhận ra rằng không phải do anh ấy không giúp hay do anh ấy vụng về khiến tôi tức giận. Tôi không vui vì mình đang trở thành một kẻ vô ơn, ích kỷ.
Khi tôi còn là một đứa trẻ, cha mẹ muốn tôi ăn nhiều rau xanh và hạn chế thời gian xem tivi và chơi đùa. Họ muốn tôi học và làm bài tập về nhà, và bắt tôi đi ngủ sớm. Nhưng tất cả những gì tôi muốn là tự do, tự do khỏi bài tập về nhà và tự do làm bất cứ điều gì tôi muốn.
Lần đầu tiên tôi khiến cha mẹ đau lòng là khi tôi lên chín. Một ngày nọ, sau giờ học, thay vì lên xe buýt về nhà, tôi đi theo một người bạn về nhà của họ. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là kết thúc cho những món rau kinh khủng và bài tập về nhà nhàm chán. Nhưng mọi thứ không như tôi tưởng tượng.
Người nhà của bạn đã liên lạc với cha tôi và ông đã lái xe đến đón tôi về nhà. Khi tôi lo lắng nhìn theo cha bước ra khỏi xe, tôi nhận thấy sự thất vọng hiện rõ trên gương mặt cha. Ông nhẹ nhàng đặt tay bảo lên vai tôi và nói: “Về nhà đi con”. Suốt chặng đường về nhà, chúng tôi hoàn toàn im lặng, và dần dần cảm giác tội lỗi xâm chiếm trái tim tôi.
Khi chúng tôi về đến nhà, tôi nhìn qua cửa sổ xe và phát hiện ra một dáng người gầy gò, mệt mỏi đứng cạnh cổng, mẹ tôi. Tôi xuống xe và ngập ngừng bước về phía bà ấy. Nhìn vào đôi mắt ẩm ướt của mẹ, tôi rón rén gọi: “Mẹ ơi”.
Mẹ ôm tôi vào lòng và khóc nức nở. Trong khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra sai lầm của mình.
Trong một thế giới nơi các cô gái bị từ chối giáo dục, đôi khi bị chôn sống, nơi các trại trẻ mồ côi chứa đầy những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, cha mẹ đã cho tôi những điều kiện tốt nhất và chuẩn bị cho tương lai của tôi. Trong thế giới không công bằng này, tôi thật may mắn khi có gia đình, những người luôn yêu thương, ủng hộ tôi, để tôi phát triển và thành công.
Cha mẹ tôi thực sự đã gieo những hạt giống biết ơn đầu tiên khi tôi còn là một đứa trẻ. Nhưng đến khi tôi đạt được thiên chức làm mẹ, tôi mới thực sự hiểu được tầm quan trọng của việc thể hiện lòng biết ơn.
Giống như mọi người mẹ lần đầu tiên, tôi đã trải qua những giây phút lo lắng chăm sóc và nuôi con. Với cô con gái hiếu động của tôi, mọi thứ dường như là một trận chiến không hồi kết, với những bức tường sơn màu, vết nước ép cà rốt trên thảm, kem dưỡng ẩm và son môi được thử trên mọi đồ nội thất và đồ chơi rải rác xung quanh.
Tôi khao khát được bình yên, tôi khao khát được nghỉ ngơi, và tôi khao khát một ngôi nhà sạch sẽ. Tôi phàn nàn và cho rằng việc làm mẹ là công việc khó khăn nhất trên thế giới.
Cho đến một ngày, tôi đến thăm một người bạn có con trai sáu tháng tuổi nhập viện vì được chẩn đoán mắc chứng loạn dưỡng cơ, một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến tất cả các cơ bao gồm cả cơ tim.
Đứa bé nhỏ xíu nằm trên giường bất động. Thật đau lòng khi chứng kiến người mẹ tuyệt vọng dỗ dành và cầu xin đứa con yếu đuối của mình thức dậy, làm tất cả mọi thứ có thể nhưng đứa bé chẳng hề có bất cứ lời phản hồi nào.
Khi tôi bất lực chứng kiến cảnh tượng đó, một hình ảnh về con gái tôi và những hình vẽ nguệch ngoạc trên tường lóe lên trong tâm trí.
Tôi đã phàn nàn về điều gì? Một đứa trẻ năng động, một đứa trẻ khỏe mạnh? Chắc chắn, trên thế giới này sẽ có rất nhiều phụ nữ sẵn sàng đánh đổi tất cả để có những đêm không ngủ và ngôi nhà bừa bộn của tôi.
Từ hôm đó, tôi không còn phàn nàn. Trong thực tế, khi tôi ôm và hôn lên trán con, tôi rất biết ơn khi có một món quà tuyệt vời như vậy.
Bản chất con người khiến chúng ta quên đi phước lành mà ta đang có để tập trung vào các những điều mà ta cho rằng mình thiếu may mắn. Nhưng khi phàn nàn, chúng ta rơi vào tiêu cực, và giống như một hiệu ứng domino, mọi người xung quanh cũng bị ảnh hưởng bởi nó.
Người sáng lập của Panasonic, Konosuke Matsushita thường sẽ hoàn tất lựa chọn ứng viên bằng cách đặt câu hỏi kết luận nổi tiếng của mình: “Bạn có nghĩ mình may mắn trong đời không?”
Mục đích của câu hỏi này, theo ông, là để hiểu thái độ biết ơn của các ứng viên đối với những người đã giúp đỡ họ trong cuộc sống. Ông tin rằng thái độ biết ơn này của nhân viên sẽ tạo ra một môi trường làm việc vui vẻ, từ đó giúp tăng năng suất của công ty.
Hầu hết chúng ta có xu hướng hạnh phúc với các sự kiện trọng đại, như khuyến mãi hoặc trúng xổ số. Nhưng những sự kiện này không xảy ra thường xuyên. Lòng biết ơn làm cho cuộc sống của chúng ta phong phú hơn, đẹp hơn và hạnh phúc hơn rất nhiều khi chúng ta biết tận hưởng những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống.
Chúng ta thường coi sự hiện diện của mọi người trong cuộc sống là điều đương nhiên, hoặc bị cuốn vào thái độ tiêu cực. Chồng tôi thỉnh thoảng có thể lười biếng, bố mẹ tôi hay cằn nhằn, cô con gái nhỏ bé không bao giờ nghe lời, và tôi có vài người bạn “không bình thường", nhưng bạn biết gì không? Cuộc sống của tôi sẽ trở nên vô nghĩa khi không có họ.
Cuộc sống là một hành trình. Khi chúng ta yêu mọi thứ chúng ta có, chúng ta có mọi thứ chúng ta cần. Vì vậy, hãy làm cho cuộc hành trình của mình trở nên đáng giá và thực hiện bước nhảy vọt thoát khỏi cái hố của sự cằn nhằn để bước đến khu vườn tươi đẹp của lòng biết ơn.
Bài viết của tác giả Reena Althaf, một nhà văn, nhà hùng biện và một người mẹ với niềm đam mê bùng nổ với ngôn từ trên trang Budha.