MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đi học còn có giờ ra chơi nữa là việc làm vợ, làm mẹ”

19-10-2023 - 20:56 PM | Sống

“Đi học còn có giờ ra chơi nữa là việc làm vợ, làm mẹ”

Sắp xếp lại cuộc sống sau khi kết hôn, sinh con vốn không phải chuyện dễ dàng. Nhưng khó khăn nào cũng sẽ qua khi đón nhận từng cái ôm, nụ cười của con.

Không biết bạn đang ở một độ tuổi cụ thể nào, tình trạng mối quan hệ ra sao nhưng cá là bạn cũng từng trải qua những lúc thế này: Cảm thấy quá tải từ học tập, công việc cho đến chuyện sắp xếp cân bằng các mối quan hệ xung quanh.

Nhưng đi học thì vẫn có giờ ra chơi, đi làm kiệt sức quá thì vẫn được xin nghỉ phép để du lịch xả hơi. Trong khi đó, có một “công việc” 24/7, vật lộn với công việc tăng khó dần đều với đủ thứ trách nhiệm phải lo… là làm vợ, làm mẹ thì chẳng được nghỉ ngày nào.

Độc thân khó 1, sau khi kết hôn và sinh con mọi thứ còn khó gấp 10. Vì sự tập trung không chỉ dành riêng cho bản thân mà nhường hết cho những ưu tiên khác.

Cũng là 1 người mẹ, Hoàng Ngọc Diệp - co-host của kênh "Loveat1stshine" nổi tiếng trên YouTube nói gì khi nói về “công việc” của một người mẹ và cách sắp xếp để cuộc sống không rối tung lên sau khi có con?

HOÀNG NGỌC DIỆP

  • Sinh năm: 1990

  • Freelancer trong nhiều ngành nghề: Nhà sáng tạo nội dung đa nền tảng với 10+ năm kinh nghiệm trong mảng Beauty & Lifestyle, dịch giả, viết sách.

  • Mẹ bỉm yêu tri thức và cái đẹp, là mẹ của 2 con gái tên là Mí và Mochi và là 1 người vợ yêu gia đình & nhà cửa.

Từng cảm thấy thua kém, mất giá trị vì cạn tiền sau khi sinh con thứ 2

- “Trong khi lửa tắt cơm sôi/Lợn kêu con khóc, chồng đòi tòm tem", Diệp từng trích câu thơ này vào một status về phụ nữ. Cuộc sống của một cô gái sau khi kết hôn và sinh con hơi bi đát?

Mình thì thấy rất thú vị khi trong câu hỏi có hai chữ “bi đát”. Thực ra, đây là hiện thực của việc phụ nữ bận rộn và một mình gánh nhiều đầu việc. Cái này không chỉ xuất hiện khi chúng mình kết hôn và sinh con. Mà trước đó, chúng mình cũng rất dễ rơi vào “quá tải” như điều phối 1 dự án lớn cận kề, có rất nhiều thứ cần xử lý trong cùng một lúc.

Đối với mình, nó mô tả khá chân thực những khoảnh khắc như vậy. Giai đoạn đầu khi mình chưa biết cách quản lý công việc, chưa xác định được ưu tiên, hay theo chủ nghĩa hoàn hảo, nó cũng rất dễ khiến mình quá tải. Nhưng nếu chịu khó học hỏi, sắp xếp, biết đặt ưu tiên phù hợp với thế mạnh của bản thân, ta sẽ giải quyết được.

Lạc quan trong thế giới của mình cũng phải bắt nguồn từ những giải pháp và kết quả thực tế. Làm được một lần ta sẽ có thêm tự tin để làm tiếp. Về sau gặp tình huống tương tự mình sẽ lạc quan được rằng “sẽ xử lý được thôi!”.

- Vậy khi đọc câu này, Diệp có thấy hình ảnh của mình trong đấy?

Cuộc đời có con và hôn nhân không phải lúc nào cũng như vậy. Nhưng những khoảnh khắc mọi thứ “bùng cháy”, câu này mô tả rất chân thật, sẽ khác ở những hành động và bối cảnh thôi. Ví dụ như một buổi sáng trước khi mình đi 1 buổi họp quan trọng với đối tác, hai con cùng lăn ra ốm và quấy khóc tranh giành đồ với nhau, vợ chồng cãi cọ không nói chuyện, bếp hỏng cần sửa ngay, mình chưa sắp xếp được phương án hỗ trợ chẳng hạn. Nó luôn có thể xảy ra với các gia đình.

“Đi học còn có giờ ra chơi nữa là việc làm vợ, làm mẹ” - Ảnh 2.

- Diệp đã bắt đầu gỡ những chỗ rối ấy như thế nào?

Mình có rất nhiều lo lắng ở giai đoạn mới sinh. Việc sau 1 đêm phải thay đổi 100% thói quen từ hoàn toàn lo cho mình sang túc trực chăm sóc cho một em bé nhỏ xíu và cáu kỉnh, luôn phải tỉnh dậy phục vụ 2 tiếng một lần, cơ thể nhiều đau đớn cộng thêm áp lực từ bên ngoài rằng “phải là một người mẹ tốt” làm mình thấy rất rối. Hormones khi đó cũng rối loạn, mình nhạy cảm và khó kiểm soát cảm xúc hơn nên những việc nhỏ nhất cũng trở nên khó khăn lắm.

Cũng như các mẹ khác, mình cố gắng đi từng bước nhỏ, học và luyện tập làm từng thứ một. May mắn mình có chồng và bố mẹ, gia đình hỗ trợ, yêu thương chăm sóc, nên cũng vượt qua và gỡ rối được dễ dàng. Cũng có lúc thấy tủi thân, cô đơn, áp lực, thì mình khóc và kể với một ai đó tìm sự đồng cảm chia sẻ. Sau đó mình lại đi tiếp.

- Với Diệp, vấn đề tài chính có bao giờ là một trong những mối rối của cuộc hôn nhân?

Có chứ! Thời gian hai vợ chồng mình sang Mỹ để chồng học MBA, bọn mình sử dụng gần như cạn kiệt khoản tiền tiết kiệm của gia đình. Vấn đề của áp lực tiền bạc không thể hiện nhiều ra bên ngoài, mà nó ăn mòn mình ở bên trong. Mình cảm thấy thua kém, mất giá trị. Khi đó mình cũng ở nhà chăm con và không được đi làm (theo quy định của VISA) nên bị tự ti hơn rất nhiều.

Nhưng rồi hai vợ chồng ngồi với nhau, chia sẻ trung thực thôi, cân đối lại tài chính, điều chỉnh lại chi tiêu và nhờ hỗ trợ thêm từ gia đình. Sau đó một thời gian ngắn mọi thứ cũng đi lên và ổn định hơn.

- Nhiều người chọn nghỉ việc sau khi sinh, theo Diệp, được và mất của việc đó như thế nào? Đó có phải là một quyết định dại dột?

Cá nhân mình cũng thấy đó là mong muốn chính đáng, tốt về mọi mặt. Nhưng để sống tốt trong xã hội hiện đại, ổn định về tài chính vẫn là một điều kiện cần. Cái khó nhất là làm sao tìm được điểm cân bằng ở đây, giữa công việc và gia đình. Và cái này thì chỉ từng người mới tự trả lời được thôi. Tuy nhiên dù có quyết định thế nào, mình nghĩ người mẹ nào cũng đã suy nghĩ và cân nhắc hàng trăm ngàn lần rồi.

Đang là một người mẹ làm việc tự do nên mình cũng thấy rõ cái được và mất. Được ở chỗ mình có thời gian để chăm con, gần con nhiều hơn. Nhưng bù lại, công việc khó có sự ổn định. Thường làm việc một mình nên đôi khi thấy cũng cô đơn, áp lực vì không có tập thể, cộng đồng. Tuy nhiên, nếu có sự bền bỉ và chiến lược, sau một thời gian sẽ có kết quả và sự chủ động hơn.

“Đi học còn có giờ ra chơi nữa là việc làm vợ, làm mẹ” - Ảnh 3.

Cách “trám vết nứt tâm lý” khi thấy không được sống như mình muốn

- Tâm lý oán trách hình thành trong người vợ, người con (đối với đằng ngoại hay đằng nội) bắt đầu từ những việc, sự va chạm nào trong cuộc sống sau khi một đứa trẻ chào đời?

Mình nghĩ tâm lý đó sẽ bắt đầu từ việc họ luôn cảm thấy bị áp lực, áp đặt, đánh mất sự tự do và tự chủ trong việc đưa ra các quyết định nhỏ. Từ đó dần dần cảm thấy mình không được sống cuộc đời mình mong muốn.

Nó có thể bắt nguồn từ những xung đột bên ngoài, hoặc va chạm bên trong nội tâm họ. Họ không được lắng nghe, thấu hiểu, hỗ trợ trong một thời gian dài hoặc không tìm cách kết nối và thống nhất được với mọi người xung quanh. Khi đứa trẻ ra đời, chưa có kết nối mẹ-con sâu sắc ngay, họ cũng dễ mang tâm lý nặng nề “mọi việc phải theo đứa trẻ”, tiếc nuối sự tự do hoàn toàn của đời sống độc thân, nên cũng dễ thấy nặng nề hơn về mọi thứ.

- Làm thế nào để vượt qua cảm xúc “giận cả thế giới", “trách cả thế giới”?

Mình không vượt qua điều này một mình đâu. Nó là những khoảnh khắc nhỏ thôi, nhưng những cử chỉ, lời nói của những người xung quanh cộng dồn, làm mình thay đổi. Ví dụ như chồng đi làm sau 1 ngày dài về sẽ hỏi “ngày của em thế nào, anh giúp được gì không?”, hoặc từ những bữa cơm cữ mẹ chồng nấu cho, các tin nhắn bạn bè chia sẻ những thông tin hữu ích,...

“Đi học còn có giờ ra chơi nữa là việc làm vợ, làm mẹ” - Ảnh 4.

Công việc của mình là sáng tạo nội dung, qua các nội dung mình làm, tự dưng cũng được kết nối sâu hơn với cộng đồng các bà mẹ bỉm sữa khác. Điều đó giúp mình rất nhiều, làm mình cảm thấy mình không đơn độc trên hành trình này. Mọi người đều cho mình cảm giác được tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ. Vì vậy khó khăn đi qua cũng nhanh. Đến khi con lớn dần, mình gắn bó với con con, từng cái ôm, cái thơm hay nụ cười của con cũng đem lại nhiều năng lượng, động lực cho mình hơn.

Mình nghĩ việc “trách cả thế giới” chỉ nên xảy ra ít thôi, vì mình không thể thay đổi được “thế giới”. Cứ ngồi trách mãi không đi đến đâu cả. Thay vào đó, mình tìm cách nỗ lực tiến từng bước nhỏ mỗi ngày, sẽ đến được đoạn tốt hơn.

- Đã có khi nào Diệp quyết định hôm nay sẽ lười hơn 1 chút, sẽ bớt kỹ tính hơn 1 chút, sẽ mặc kệ một số thứ… để thả lỏng chính mình trong một ngày làm mẹ, làm vợ, làm việc?

Có chứ. Nhưng là một người cầu toàn và tỉ mỉ, mình cũng mất rất nhiều lần burn-out rồi mới học được bài học này.

Mình nhận ra những quãng nghỉ cũng rất cần thiết để đầu óc thông thoáng hơn, tập trung được vào những điều quan trọng. Đi học còn có giờ ra chơi nữa là việc làm vợ, làm mẹ, làm một mình solo. Nên giờ khi nào thấy gần “hết pin” hoặc sắp “bùng cháy”, mình sẽ chủ động nghỉ, thông báo với gia đình để có khoảng thời gian “sạc pin” riêng. Nó rất cần thiết và kỳ diệu luôn!

“Đi học còn có giờ ra chơi nữa là việc làm vợ, làm mẹ” - Ảnh 5.

- Diệp có những tips nào để giành lại thời gian cho riêng mình?

Hãy lên lịch cho việc này, nghiêm túc như khi lên lịch họp hành công việc, hay chăm sóc gia đình. Nó thật sự cần thiết để xây dựng sự bền bỉ cho chính bản thân mình.

Cái khó là việc phân biệt giữa dành thời gian chất lượng chăm sóc mình và dành thời gian hưởng thụ. Mình nên nghĩ tới việc “hưởng thụ” là một mặt hàng cao cấp, chỉ sử dụng khi dư dả (về thời gian tiền bạc và năng lượng) chứ không nên lạm dụng thường xuyên, vì dễ khiến mình lạc lối, xa rời mục tiêu. Còn chăm sóc bản thân là thói quen thiết yếu nên làm nhiều và đều đặn. Đối với mình, chỉ cần 15 phút mỗi sáng chăm sóc da, pha trà chậm rãi và mỗi tối 15 phút viết nhật ký, đọc vài trang sách trước giờ ngủ thôi.

- 20/10 là ngày tôn vinh phụ nữ, bản thân là một người mẹ và sau này trở thành bà ngoại - tâm thế của Diệp trong hành trình “phụ nữ” này sẽ như thế nào? Diệp muốn những người trong vị thế giống mình cảm nhận được điều gì?

Mình luôn muốn những người phụ nữ được sống là chính mình, không phải luôn luôn lo lắng và nặng gánh bởi những kỳ vọng của xã hội và gia đình. Họ được yêu và cưới người thực sự tôn trọng và hỗ trợ họ, được làm công việc giúp họ phát triển, được nuôi con như cách họ lựa chọn, và được bao bọc bởi những người chân thành, thấu hiểu, sẻ chia với họ.

“Đi học còn có giờ ra chơi nữa là việc làm vợ, làm mẹ” - Ảnh 6.

Với những người trong vị thế giống mình, tức là đang theo đuổi một sự nghiệp solo, mình mong họ sẽ vượt qua được những giai đoạn cô đơn và nhiều thử thách, để có thể bền bỉ theo đuổi cuộc sống mơ ước của chính họ.

- Cảm ơn Diệp Hoàng đã chia sẻ!

Theo Trúc Hà/Thiết kế: Huyền Trang

Phụ Nữ Việt Nam

Trở lên trên