MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đi họp lớp cấp 3, nam sinh nhà nghèo ngày xưa phải gom đồ ăn thừa, tối đến về nhà nhận tin nhắn bất ngờ từ lớp trưởng mà sững sờ

26-09-2024 - 20:45 PM | Sống

Hành động và lời nói của lớp trưởng khiến người đàn ông này không khỏi bị shock.

* Dưới đây là những tâm sự của một người đàn ông có tên Lưu Cường Tử (Tây An, Trung Quốc) trên trang 163.com.

Tôi nhớ khi còn đi học, mối quan hệ giữa các thành viên trong lớp tôi rất tốt và chúng tôi đều đã có được những người bạn thực sự. Tuy nhiên, sau khi ra trường, đi làm và bước chân vào xã hội, mối quan hệ bạn học ngày xưa dần trở nên nhạt nhòa, thậm chí có không ít người đã thay đổi 180 độ, thực dụng hơn, cũng xa lạ hơn.

Chớp mắt đã 16 năm trôi qua kể từ ngày chúng tôi tốt nghiệp cấp 3. Cách đây không lâu, tôi nhận được lời mời tham gia họp lớp từ lớp trưởng và tôi đã đắn đo rất lâu.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở một thôn nhỏ. Cha mẹ tôi phải dựa vào vài mẫu ruộng để nuôi sống mấy miệng ăn cũng như cho anh em tôi đến trường. Dù lúc đó gia đình tôi rất nghèo nhưng cha mẹ tôi vẫn cố gắng kiếm tiền để tôi được học hành tới nơi tới chốn. Sau này, tôi được nhận vào trường Trung học số 1 của huyện như mong muốn. Cần biết rằng, ở chỗ tôi sống có một câu: Chỉ cần vào được Trung học số 1 nghĩa là đã bước một chân vào đại học.

Đi họp lớp cấp 3, nam sinh nhà nghèo ngày xưa phải gom đồ ăn thừa, tối đến về nhà nhận tin nhắn bất ngờ từ lớp trưởng mà sững sờ- Ảnh 1.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng cha mẹ vẫn cố gắng cho tôi ăn học tới nơi tới chốn. (Ảnh minh họa)

Lúc đó nhà tôi cách trường khá xa, vì vậy tôi ở ký túc xá. Mỗi tháng, cha mẹ chỉ có thể cho tôi 100 tệ (khoảng 350.000 đồng theo tỷ giá hiện tại) làm sinh hoạt phí. Để tiết kiệm tiền, tôi thường xuyên ăn cơm trắng với dưa muối. Sau khi các bạn cùng lớp biết được hoàn cảnh của tôi, họ đã giúp đỡ tôi bằng cách mang đồ ăn từ nhà đến cho tôi, khiến tôi vô cùng cảm động.

Rồi vèo một cái, chúng tôi tốt nghiệp cấp 3 rồi tốt nghiệp đại học, mỗi người có một hướng đi riêng nhưng về cơ bản, các thành viên trong lớp vẫn giữ liên lạc với nhau và vẫn thường gửi lời chúc cho nhau nhân những dịp lễ, Tết.

Về phần mình, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi cũng vào làm ở một công ty lớn. Thế nhưng chỉ 3 năm sau đó, tôi bị tai nạn, dù may mắn thoát chết nhưng chân phải bị thương tật vĩnh viễn. Công ty bồi thường cho tôi 500.000 tệ (1,7 tỷ đồng) rồi cho tôi nghỉ việc. Từ đó, tôi về quê sống cùng bố mẹ.

Tôi cảm thấy ông trời quá tàn nhẫn với mình. Năm thứ ba sau khi tôi về quê, bố mẹ tôi lần lượt đổ bệnh. Tôi đã tiêu hết số tiền bồi thường và phải vay mượn thêm 100.000 tệ (khoảng 350 triệu đồng) của người thân. Tuy nhiên, bố mẹ tôi vẫn lần lượt qua đời sau đó 2 năm.

Để trả hết nợ, tôi đã làm việc rất chăm chỉ nhưng lương ở quê rất thấp. Đến bây giờ, tôi vẫn còn khoản nợ 70.000-80.000 tệ (khoảng 245 - 280 triệu đồng). Và những gì tôi phải trải qua trong ngần ấy năm cũng khiến tôi kiệt quệ về mọi mặt, không có tiền, không có sức, không vợ con. Sau khi bố mẹ tôi qua đời, tôi trở thành người đơn độc, sống đời một mình.

Nhìn thấy một số bạn học cấp 3 cũ, người đã trở thành sếp lớn, người đã thi đậu công chức, trong khi bản thân càng ngày càng sa sút, tôi cảm thấy mình không còn là người chung thế giới với họ, vì vậy tôi dần dần cắt đứt liên lạc với tất cả, thậm chí còn đổi cả số liên lạc.

Một ngày nọ, tôi vừa tan ca về nhà, đột nhiên nhìn thấy một bóng dáng quen thuộc trước cửa nhà, không ngờ lớp trưởng lớp cấp ba của tôi lại tìm đến tận nhà. Lúc đó tôi rất ngạc nhiên, không biết lớp trưởng tìm tôi có việc gì. Sau đó tôi mới biết, nửa tháng nữa, lớp trưởng dự định tổ chức một buổi họp lớp và muốn mời tôi tham gia. Lúc đó, tôi đã tìm lý do từ chối khéo nhưng lớp trưởng lại nói nếu tôi không tham gia thì sau này cậu ấy sẽ coi như không có người bạn là tôi nữa.

Đi họp lớp cấp 3, nam sinh nhà nghèo ngày xưa phải gom đồ ăn thừa, tối đến về nhà nhận tin nhắn bất ngờ từ lớp trưởng mà sững sờ- Ảnh 2.

Cuộc sống bết bát khiến tôi chỉ muốn cắt đứt liên lạc với các bạn học cũ. (Ảnh minh họa)

Hôm đó tôi giữ lớp trưởng ở lại chơi, vốn định dắt cậu ấy ra ngoài ăn uống nhưng lớp trưởng từ chối. Sau đó, tôi nấu ba món kèm một đĩa lạc rang để nhắm rượu. Hai chúng tôi cứ "chén chú chén anh", hàn huyên lại chuyện cũ, chuyện mới, tôi còn không nhịn được mà khóc nức nở.

Nửa tháng sau, tôi đúng giờ tham gia buổi họp lớp. Sau khi bước vào phòng riêng, nhìn thấy các bạn học ngày xưa ăn mặc bảnh bao sang trọng, lại nhìn mình, tôi cảm thấy rất tự ti, nhưng các bạn lại chủ động chào hỏi tôi rất nhiệt tình.

Sau khi tan tiệc, tôi thấy có khá nhiều đĩa thức ăn gần như không ai động vào, vì thế đợi các bạn học rời đi, tôi đã nhờ người phục vụ gói lại và mang về nhà.

Khoảng 9 giờ tối hôm đó, lớp trưởng tìm đến tôi. Cậu ấy đột nhiên xin số tài khoản của tôi. Tôi không suy nghĩ nhiều liền đưa cho cậu ấy. Không ngờ chỉ vài phút sau, tôi nhận được số tiền chuyển khoản hơn 30.000 tệ (khoảng 105 triệu đồng).

Tôi biết đây là tiền lớp trưởng vừa chuyển cho tôi nhưng tôi không biết cậu ấy làm vậy là có ý gì. Đang lúc tôi ngơ ngác thì nhận được cuộc gọi từ lớp trưởng. Lớp trưởng nói: "Cường Tử, đây là một chút tình cảm của các bạn học, cậu cứ nhận lấy nhé. Cậu đừng cảm thấy tự ti vì cho rằng mình sống không tốt bằng mọi người. Cậu mãi mãi là bạn của chúng tôi. Nếu sau này cậu gặp khó khăn gì thì cứ nói với chúng tôi".

Tôi đã khóc sau khi cúp điện thoại của lớp trưởng. Tôi không biết lớp trưởng và các bạn cùng lớp đã trao đổi với nhau khi nào nhưng họ thực sự khiến tôi cảm thấy xúc động. Đây chính là những người bạn trung học cũ của tôi, khiến tôi biết ơn suốt quãng đời còn lại.

Theo Thiên An

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên