MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đi làm muốn được đồng nghiệp yêu quý, sếp không “bắt bẻ”, hãy ghi nhớ 5 nguyên tắc này

17-04-2017 - 00:16 AM | Sống

Ai đi làm cũng mong nhận được sự yêu quý và tôn trọng từ đồng nghiệp, sự ghi nhận từ sếp. Rất nhiều người đã phải nghỉ việc vì cảm thấy sếp không tôn trọng những cống hiến của họ. Một số người khác nghỉ việc vì bị đồng nghiệp o ép, xa lánh, thậm chí nói xấu sau lưng.

Khi không được sếp công nhận những đóng góp của mình, bạn sẽ rất khó để được thưởng hay tăng lương dù bạn có chăm chỉ đến đâu đi chăng nữa. Khi bị đồng nghiệp xa lánh, bạn sẽ khó mà hòa đồng với mọi người và cũng sẽ không tìm thấy niềm vui trong công việc.

Kết quả là bạn làm việc không đạt hiệu quả và sẽ sớm phải rời đi. Do đó, sự yêu quý của đồng nghiệp và sự ghi nhận của sếp là hai yếu tố quan trọng mà bất cứ ai đi làm cũng đều tìm kiếm.

Dưới đây là một số nguyên tắc có thể giúp bạn ở nơi làm việc, để cho đồng nghiệp yêu quý, sếp không thể “bắt bẻ”.

Muốn được đồng nghiệp tôn trọng, bạn phải tôn trọng họ trước

Điều này nghe thì có vẻ rất dễ nhưng không phải ai cũng làm được. Rất nhiều người cảm thấy họ không được tôn trọng đúng đắn, vì thế họ cũng không tôn trọng đồng nghiệp. Chúng ta thường có xu hướng phản ánh lại theo hành vi của người khác. Chính vì ai cũng nghĩ như vậy, nên ai cũng chờ người khác tôn trọng mình trước rồi mới tôn trọng lại họ.

Trong cuộc sống, nếu bạn không tỏ ra tôn trọng đồng nghiệp, làm sao bạn có thể nhận lại sự tôn trọng từ họ? Bạn hãy cố gắng thể hiện sự tôn trọng của mình với mọi người bằng cách nói chuyện và cho họ thấy bạn yêu quý họ.

Đừng để cảm xúc hay cái “tôi” cá nhân lấn át lý trí, bạn sẽ mất đi sự tôn trọng của đồng nghiệp xung quanh đấy.

Hãy biết giữ ranh giới

Chúng ta thường có xu hướng tôn trọng những người sống có nguyên tắc. Nếu bạn cho rằng đôi khi mình phải bỏ qua những nguyên tắc để giành lấy sự tôn trọng từ đồng nghiệp và bạn bè thì bạn đã nhầm to. Cuộc sống luôn có những nguyên tắc và ranh giới nhất định đòi hỏi chúng ta phải tuân thủ và bạn không nên phá vỡ những ranh giới đó.

Chẳng hạn, khi đồng nghiệp gặp chuyện buồn trong tình cảm, việc bạn cần làm là an ủi và động viên họ, chứ không phải tò mò tìm hiểu nguyên nhân tại sao. Hãy giữ ranh giới nhất định để đồng nghiệp không cảm thấy bạn là một kẻ tò mò, đưa chuyện. Khi đã cảm thấy tin tưởng bạn, họ sẽ chủ động kể cho bạn nguyên nhân tại sao.

Làm việc hết sức nhưng chơi cũng phải hết mình

Ngạn ngữ Mỹ có câu “Thành công là một cái thang mà bạn không thể trèo lên với hai tay trong túi quần”. Bạn không thể đạt được mục tiêu như ý muốn mà không vận động, nỗ lực vì nó. Chính vì thế, hãy nỗ lực hết sức mình để hoàn thành công việc, sếp và đồng nghiệp sẽ tôn trọng bạn.

Tuy nhiên, khi đã xây dựng cho mình một thái độ làm việc nghiêm túc và mang lại những kết quả khả quan, bạn nên tham gia hết mình vào những hoạt động được công ty tổ chức, chính lúc này bạn sẽ khám phá được những điều thú vị từ đồng nghiệp của mình và cảm thấy gắn bó với họ hơn.

Luôn tỏ ra lạc quan

Rất nhiều người thường có cái nhìn tiêu cực hoặc bi quan về thế giới. Họ luôn nhìn thấy mặt tối của vấn đề. Do đó, họ cũng không nhận ra những điểm tốt của đồng nghiệp và luôn nghĩ rằng đồng nghiệp hay sếp đang cố "chơi xỏ" hoặc "dìm hàng" họ. Kết quả là những người này sẽ luôn tỏ ra đề phòng và không thể làm việc hết sức mình.

Trong khi đó, những người lạc quan thường nhìn vào mặt tốt của vấn đề, họ cũng nhận ra điểm tốt của những người xung quanh. Họ mở rộng lòng mình với đồng nghiệp, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn và vui vẻ khi được giúp đỡ hoặc đề nghị giúp đỡ mọi người. Trong môi trường công sở, những người lạc quan bao giờ cũng được đồng nghiệp yêu quý và hoàn thành công việc tốt.

Bạn không cần giỏi toàn diện, nhưng ít nhất phải giỏi trong một lĩnh vực nào đó

Đương nhiên rồi. Nơi công sở là nơi làm việc trên tinh thần hợp tác và cạnh tranh để tìm ra những người xuất sắc nhất có khả năng hoàn thành công việc. Bạn đừng để cuộc sống của mình trở nên tầm thường khi mọi thứ đều ‘làng nhàng’ và bạn không giỏi bất cứ lĩnh vực nào cả.

Bạn không cần biết tất cả, nhưng bạn cần phải giỏi trong một số lĩnh vực nhất định. Dù đó là một sở thích, một mảng công việc, game hay bất cứ thứ gì khác, bạn hãy chọn một lĩnh vực mà mình có khả năng hoàn thành tốt nhất và theo đuổi nó. Đồng nghiệp luôn quý trọng những người có kỹ năng và kinh nghiệm, sếp luôn đánh giá cao những người giỏi.

Trịnh Thơm

Lifehack

Trở lên trên