Đi làm thuê, 1 doanh nhân Việt vẫn sở hữu khối tài sản có thể lên đến 5.000 tỷ đồng từ những gói mì Hảo Hảo
Doanh thu của Acecook Việt Nam giữ khoảng cách lớn so với phần còn lại của thị trường, khiến mức định giá của "Mì Hảo Hảo" có thể lên tới cả tỷ USD. Và trong danh sách cổ đông của doanh nghiệp này, có một cá nhân người Việt sở hữu tới 25% cổ phần.
Công ty cổ phần Acecook Việt Nam, chủ sở hữu của thương hiệu Mỳ tôm Hảo Hảo, được thành lập tại TP HCM từ cuối năm 1993, về bản chất là một doanh nghiệp FDI. Công ty này ban đầu là liên doanh Vifon - một doanh nghiệp Việt và Acecook - một doanh nghiệp Nhật Bản, với tỷ lệ góp vốn 40% và 60%. Vifon khi đó là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trực thuộc Bộ Công nghiệp.
Tuy nhiên, giống như kết cục của nhiều liên doanh góp vốn khác giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt, mối lương duyên này cũng không bền lâu. Hai năm sau khi sản phẩm "Mì Hảo Hảo" ra mắt thị trường, Vifon đã thoái vốn. Vifon Acecook trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Năm 2004, công ty này đổi tên thành Công ty TNHH Acecook Việt Nam - bước đi được xem là sự chấm dứt mối liên quan với Vifon tại liên doanh này. Đến năm 2008, Acecook Việt Nam chuyển thành dạng công ty cổ phần.
Đến cuối năm 2018, vốn điều lệ của Vina Acecook đạt gần 300 tỷ đồng, trong đó, Acecook Nhật Bản sở hữu 56,64%. Hai cổ đông còn lại trong công ty này là Marubeni Foods Investment Asia Cooperatie F U.A và ông Hoàng Cao Trí (Phó tổng giám đốc Acecook Việt Nam) sở hữu hơn 25%.
Định giá "Mì Hảo Hảo" có thể lên tới tỷ đôla
Thị trường Mì gói những năm gần đây đã phân hóa mạnh với sự du nhập của những sản phẩm nước ngoài, đặc biệt là Mì Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, dù có sự hiện diện của hàng chục doanh nghiệp sản xuất, nhìn chung thị phần vẫn chỉ tập trung chủ yếu vào nhóm ba nhà sản xuất đứng đầu là Acecook Việt Nam (Mì Hảo Hảo, Miến Phú Hương), Asia Food (Mì Gấu Đỏ) và Masan (Omachi, Chinsu).
Tuy nhiên, so với những đối thủ, Acecook vẫn là một trong những cái tên đáng gớm nhất. Nếu xét trên quy mô doanh thu, "Mì Hảo Hảo" tạo ra sự cách biệt lớn so với phần còn lại của thị trường mì gói.
Doanh thu của Acecook Việt Nam tăng từ 7.882 tỷ năm 2015 lên hơn 9.800 tỷ đồng năm 2019. Lợi nhuận cũng tăng với tốc độ bình quân khoảng 20%/năm lên hơn 1.300 tỷ vào năm 2018. Với quy mô này, nếu so sánh với những doanh nghiệp lớn trong cùng lĩnh vực FCMG với định giá P/E 15-17 lần, giá trị của Acecook có thể xấp xỉ 1 tỷ USD.
Với con số định giá này, 25% cổ phần của cá nhân ông Hoàng Cao Trí có thể lên tới hàng trăm triệu USD.
Hoàng Cao Trí là ai?
Sở hữu lượng cổ phần đủ để lọt top người giàu của Việt Nam, song tên tuổi Hoàng Cao Trí có lẽ được biết đến nhiều hơn với vai trò tại Acecook Việt Nam, dù xuất phát điểm của ông là một doanh nghiệp khác.
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa năm 1987, ông Trí khởi đầu với công việc tại Vifon, nhiệm vụ phụ trách kỹ thuật rồi được đề bạt làm quản đốc phân xưởng cơ điện. Khi Vifon liên kết với Acecook Nhật Bản để thành lập Công ty, ông được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc. Năm đó, Hoàng Cao Trí mới 35 tuổi.
Ông Hoàng Cao Trí
Một bài phóng vấn năm 2008, 10 năm sau khi ông Trí được bổ nhiệm vào vị trí quản lý tại Acecook có đoạn viết: "Năm 1997, một doanh nhân người Nhật đã đặt cược tên tuổi thương hiệu Acecook vào một kỹ sư cơ điện người Việt Nam vốn chưa từng học về nghiệp vụ quản lý doanh nghiệp. Quyết định ấy gây bất ngờ cho nhiều người và cho cả anh kỹ sư điện khi đó. Bẵng đi hơn 10 năm, Hoàng Cao Trí đã trở thành một doanh nhân thành đạt, người đưa Vina Acecook lên vị trí thương hiệu hàng đầu trong ngành thực phẩm chế biến ăn liền".
Trong một bài phỏng vấn cuối năm 2012, ông Trí khi đó giữ cương vị Phó tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch Hội đồng quản của Acecook Việt Nam cho biết vai trò của ông là "người lãnh đạo Vina Acecook". Điều mà vị phó chủ tịch này thấy tự hào nhất là đã đóng góp nhiều vào sự phát triển của ẩm thực Việt Nam và đã xây dựng được thương hiệu Vina Acecook thành một niềm tự hào của người Việt.
Với tầm ảnh hưởng và đặc biệt là vai trò quan trọng tại Acecook, việc ông Trí được ông chủ người Nhật ưu ái dành một lượng cổ phần lớn để "giữ chân" cũng không phải điều khó giải thích. Chỉ riêng giai đoạn 2016-2018, Acecook đã tạo ra hơn 3.400 tỷ đồng lợi nhuận và 1.800 tỷ đồng trong số này được giành để phân phối cho các cổ đông. Trừ phần cổ tức khoảng 450 tỷ đồng cho 25% cổ phần của ông Trí, công ty mẹ Acecook vẫn bỏ túi hơn 1.000 tỷ đồng.