MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đi tìm lý do cho sự nổi sóng của cổ phiếu ngân hàng ngày đầu năm

Kỳ vọng cải thiện lợi nhuận của Vietinbank và BIDV khi tỷ lệ huy động/cho vay được nâng lên tối đa 90% hay lại câu chuyện cũ: nới room cho nước ngoài?

Phiên giao dịch đầu tiên của năm 2017, thị trường bất ngờ chứng kiến sự tăng giá mạnh mẽ tại các cổ phiếu ngân hàng lớn, đặc biệt là CTG của Vietinbank và BID của Ngân hàng BIDV. 2 cổ phiếu này tăng trần và không có dư bán.

Diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu vua khiến các nhà đầu tư chưa kịp bắt sóng bị bất ngờ và câu hỏi “vì sao” lại được đặt ra.

Lợi nhuận được cải thiện từ quyết định cho phép Tỷ lệ huy động/cho vay lên tối đa 90%?

Thông tin mới nhất được tung ra trước kỳ nghỉ lễ là Quyết định số 2509 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Theo đó, quyết định này quy định tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) tại các ngân hàng thương mại cổ phần có sở hữu nhà nước hơn 50% (áp dụng cho BIDV, Vietinbank và Vietcombank) tối đa là 90%. Trước đó, Thông tư 06/2016 có hiệu lực ngày 01/07/2016 chỉ cho phép mức trần 90% đối với các ngân hàng Nhà nước sở hữu 100% và tất các ngân hàng TMCP đều phải tuân thủ mức trần 80%.

Theo đánh giá của CTCK Bản Việt trong một báo cáo mới đây, trước Thông tư 06, tỷ lệ LDR của Vietinbank và BIDV đều hơn 90% và cả hai ngân hàng này đều đẩy mạnh huy động vốn trong năm 2016 để tuân thủ quy định mới. Cho đến hiện tại, cả CTG và BID đều chưa thể hạ tỷ lệ LDR xuống dưới 80% trong khi LDR tại VCB tăng lên đạt 78%.

Bản Việt đánh giá, việc nâng trần LDR cho 3 ngân hàng lớn cho thấy ý định của Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm tới để hỗ trợ tăng trưởng GDP và giảm áp lực lên lãi suất, cũng như phản ánh việc giảm tỷ lệ LDR của các ngân hàng này xuống dưới 80% ở thời điểm hiện tại là khá khó khăn. Tỷ lệ LDR cao hơn làm giảm áp lực phải đẩy mạnh huy động tại các ngân hàng này và sẽ giúp cải thiện lợi nhuận. Với tỷ lệ LDR ước tính của CTG, BID và VCB lần lượt là 90%, 82% và 78%, CTG sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc thay đổi trần LDR.

Có lẽ đây là một yếu tố đã khiến cho cổ phiếu CTG và BID tăng trần trong phiên hôm nay.

Bên cạnh đó, một số thông tin tích cực về VCB như Vietcombank là ngân hàng thương mại đầu tiên sạch nợ tại VAMC và tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank ước tính đến cuối 2016 chỉ khoảng 1,5% - được cho là một con số thực chất. Sự tiên phong của Vietcombank trong việc xử lý nợ xấu phần nào tạo nên hy vọng cho hoạt động này trong hệ thống ngân hàng.

Hay lại nới room?

Ngoài ra, trong cộng đồng nhà đầu tư cũng xuất hiện tin đồn về việc nới room ngoại tại các ngân hàng thêm 5%. Tất nhiên, chưa có một nguồn thông tin chính thức nào khẳng định điều này và đây cũng luôn là lý do được đưa ra mỗi khi nhóm cổ phiếu ngân hàng nổi sóng.

Tin đồn này cũng dựa trên cơ sở từ áp lực thời hạn áp dụng Basel II tại 10 ngân hàng thí điểm đang đến gần – ngày 1/9/2017 theo Dự thảo Thông tư gần nhất. Theo đó, nhu cầu tăng vốn để đảm bảo hệ số CAR rất cấp bách. Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCK VCBS cho rằng, việc tuân thủ lộ trình áp dụng Hiệp ước vốn Basel II theo dự thảo của NHNN là thử thách cho các ngân hàng thí điểm (đặc biệt nhóm 3 NHTM nhà nước) nếu không có các biện pháp hỗ trợ từ cơ quan quản lý. Áp lực từ việc tuân thủ Basel II có thể làm tăng chi phí vốn và hạn chế tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng này trong năm 2017.

Thành công hay thất bại của việc áp dụng tiêu chuẩn mới, theo VCBS, cũng phụ thuộc chủ yếu vào 3 ngân hàng Vietinbank, BIDV và Vietcombank. Trong những kịch bản đề ra, VCBS đánh giá rằng khả năng tăng vốn cấp 1 là không dễ dàng do nguồn lực trong nước hạn chế; huy động vốn nước ngoài gặp khó khăn do trần sở hữu nước ngoài (đối với VietinBank) và kỳ vọng lớn từ giá bán của cơ quan quản lý (Vietcombank).

Chính vì thế, thị trường lại đồn đoán rằng việc nới room ngoại tại các ngân hàng sẽ được tạo điều kiện tiến hành. Và nếu thế, CTG và BID – 2 ngân hàng có hệ số CAR đã ở sát ngưỡng quy định (9%) và càng chịu áp lực giảm CAR khi phải trả cổ tức theo đề xuất của Bộ Tài chính có lẽ sẽ là những đối tượng được lợi đầu tiên. CTG đã chạm trần sở hữu để huy động vốn nước ngoài, trong khi BID không còn dư địa để tăng vốn cấp 2.

Tuy nhiên, trong một quan điểm ngược lại, nhiều người cho rằng đây chỉ là một hiệu ứng khi thị trường hưng phấn vào phiên giao dịch đầu năm khi chưa xác định được nhóm ngành dẫn dắt và không nên đua trần những cổ phiếu này.

Hải Thanh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên