MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Địa ốc Alibaba sụp đổ, không có dự án nào được công nhận chủ đầu tư

26-12-2019 - 11:20 AM | Bất động sản

Thị trường BĐS TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung trải qua một năm đầy biến động với những gam màu trái ngược nhau. Cùng VietNamNet nhìn lại những điểm nổi bật của thị trường BĐS TP.HCM trong năm qua.

“Cởi trói” cho 124 dự án bị ngừng triển khai 

Tiếp nối giai đoạn khó khăn của năm 2018, thị trường BĐS TP.HCM nửa đầu năm 2019 chứng kiến sự thiếu hụt nguồn cung sản phẩm nhà ở khi có đến 124 dự án triển khai dở dang thì phải tạm ngưng để phục vụ công tác thanh kiểm tra, điều tra.


Việc sụt giảm nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở mới dẫn đến nguy cơ tăng giá nhà, giảm cơ hội tạo lập nhà ở đối với số đông người có thu nhập trung bình và thấp, giảm nguồn thu ngân sách, doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh.

Trước tình trạng này, UBND TP.HCM đã giao Sở TN&MT hướng dẫn chủ đầu tư 124 dự án nói trên thực hiện các thủ tục để đẩy nhanh quá trình triển khai, tránh gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Thành phố.

Không có dự án nào được công nhận chủ đầu tư 

Những vướng mắc về thủ tục pháp lý khiến cho nguồn cung dự án BĐS mới tại TP.HCM trong năm 2019 sụt giảm đáng kể.

Theo số liệu của Sở Xây dựng, nếu như năm 2018 trên địa bàn thành phố có 8 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư; 59 dự án được chấp thuận đầu tư và 19 dự án được công nhận chủ đầu tư thì con số này trong 9 tháng của năm 2019 lần lượt là 1; 12 và không có dự án nào được công nhận chủ đầu tư.

Số lượng dự án nhà ở hoàn thành trong năm 2019 giảm mạnh so với năm ngoái. 

Số lượng dự án nhà ở hoàn thành trong năm 2019 cũng giảm mạnh so với năm trước. Năm 2018 có 61 dự án nhà ở hoàn thành, trong khi 9 tháng của năm 2019 chỉ có 17 dự án.

Siết tín dụng BĐS, trái phiếu doanh nghiệp lên ngôi

Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 quy định giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được đánh giá có tác động lớn đến thị trường BĐS.

Ngoài việc tiếp tục siết mạnh cho vay BĐS khi đưa ra lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước còn tăng tỷ lệ rủi ro khi kinh doanh BĐS từ 150% lên 200%.

Điều này dẫn đến doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS chuyển sang huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu. Tính đến tháng 12/2019, trong 61.000 tỷ đồng phát hành từ trái phiếu doanh nghiệp thì riêng ngành BĐS, xây dựng, hạ tầng chiếm đến 27%, tương ứng 16.000 tỷ đồng.

Bùng phát vi phạm trật tự xây dựng 

Có thể nói 2019 là một năm bùng phát về vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM. Tình trạng xây dựng sai phép, không phép diễn ra phổ biến và phức tạp, nhất là ở các quận huyện có tốc độ đô thị hoá cao.

Năm 2018 có 2.419 công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch được phát hiện, bình quân 6,6 vụ sai phạm/ngày. Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có 1.550 công trình sai phạm, tăng hơn 28% so với năm trước.

Một số công trình vi phạm trật tự xây dựng điển hình được phát hiện tại các dự án như: Dự án Hưng Phát Green Star (quận 7) do Công ty CP Đầu tư BĐS Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư; dự án Picity High Park (quận 12) của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Gia Cư; dự án Paris Hoàng Kim (quận 2) của Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh nhà Khởi Thành…

Địa ốc Alibaba sụp đổ, không có dự án nào được công nhận chủ đầu tư - Ảnh 1.
Nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng trong đó có Gia Trang quán – Tràm Chim Resort

Các công trình của cá nhân vi phạm trật tự xây dựng kéo dài đã và đang được xử lý như Gia Trang quán – Tràm Chim Resort (huyện Bình Chánh) hay nhà xưởng xây không phép của “quan” quận Thủ Đức tại hẻm 419/14 đường số 48, phường Hiệp Bình Chánh.

Nhằm tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, Thành uỷ TP.HCM đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25/7/2019. Sau hơn 4 tháng triển khai chỉ thị này, số vụ vi phạm trật tự xây dựng đã giảm còn 3,1 vụ/ngày so với 8,5 vụ/ngày như trước.

Doanh nghiệp chuyên bán dự án “ma” sụp đổ 

Nguồn cung sản phẩm nhà ở TP.HCM năm 2019 sụt giảm cũng là lúc dự án “ma” xuất hiện khắp nơi và một trong những sự kiện đáng chú ý là sự sụp đổ của Công ty CP Địa ốc Alibaba (Địa ốc Alibaba).

Có trụ sở tại TP.HCM, thế nhưng Địa ốc Alibaba chuyên kinh doanh đất nền phân lô tại Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận… Đáng nói, các dự án mà doanh nghiệp này rao bán là những khu đất được quy hoạch là đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm do cá nhân đứng tên sở hữu.

Mặc dù không được cơ quan chức năng chấp thuận đầu tư dự án nhưng Địa ốc Alibaba vẫn tự “bịa” tên dự án, ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với hàng ngàn khách hàng thông qua hình thức cam kết lợi nhuận.

Địa ốc Alibaba sụp đổ, không có dự án nào được công nhận chủ đầu tư - Ảnh 2.

Hàng ngàn khách hàng "sập bẫy" của Công ty CP Địa ốc Alibaba.


Ngày 18/9/2019, Bộ Công an đã phối hợp cùng Công an TP.HCM khám xét trụ sở Địa ốc Alibaba , sau đó khởi tố bị can, bắt giam ông Nguyễn Thái Luyện (CEO kiêm Chủ tịch HĐQT Địa ốc Alibaba) cùng em trai Nguyễn Thái Lĩnh (TGĐ Địa ốc Alibaba) để điều tra hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cơ quan điều tra xác định Địa ốc Alibaba đã môi giới cho hơn 6.700 khách hàng nhận chuyển nhượng đất tại các dự án “ma”, với số tiền giao dịch hơn 2.500 tỷ đồng.

Sau Địa ốc Alibaba, một doanh nghiệp chuyên vẽ dự án “ma” khác tại TP.HCM bị điều tra là Công ty TNHH Tư vấn đầu tư BĐS Hoàng Kim Land (Hoàng Kim Land). Giám đốc công ty này là bà Trần Thị Hồng Hạnh đã ký hợp đồng thoả thuận chuyển nhượng đất nền tại 7 dự án không có thật, không được cấp phép đầu tư ở vùng ven TP.HCM với hàng trăm khách hàng, hòng chiếm đoạt gần 300 tỷ đồng.

Cuối tháng 11/2019, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với bà Trần Thị Hồng Hạnh.

Mới đây, nhiều khách hàng ký hợp đồng thoả thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Công ty King Home Land tại các dự án "ma" ở quận 9, quận 12, TP.HCM và huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đồng loạt gửi đơn tố cáo đến cơ quan cảnh sát điều tra.

Các khách hàng cho biết đã thanh toán tiền cho Công ty King Home Land nhưng công ty này lại không giao đất, thậm chí công ty có dấu hiệu né tránh khi tháo gỡ bảng hiệu, ngừng hoạt động.

Ngân hàng siết nợ, bán đấu giá chung cư

Những ngày cuối năm 2019, nhiều cư dân chung cư Hưng Ngân Garden (quận 12, TP.HCM) hoang mang trước thông tin Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo bán đấu giá chung cư này. Đây là một trong số tài sản đảm bảo cho khoản nợ vay lên đến 502 tỷ đồng của Công ty CP Nhà Hưng Ngân tại BIDV.

Địa ốc Alibaba sụp đổ, không có dự án nào được công nhận chủ đầu tư - Ảnh 3.

Chung cư Hưng Ngân Garden được BIDV bán đấu giá để thu hồi nợ.


Đầu tháng 3/2019, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng có thông báo thu giữ, xử lý quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đối với chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú) để thu hồi nợ. Chung cư này là tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty CP Đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia thế chấp tại Nam A Bank từ năm 2011.

Việc các chung cư bị ngân hàng siết nợ, bán đấu giá do chủ đầu tư mang dự án đi thế chấp ngân hàng và mất khả năng thanh toán khiến không ít cư dân lo lắng, tiềm ẩn rủi ro cho phía ngân hàng.

Theo Phương Anh Linh

Vietnamnet

Trở lên trên