Địa ốc TP HCM chững lại, cơ hội 'vàng' cho Bình Dương, Đồng Nai, Long An
TP HCM giảm giao dịch đất nền, nhà phố, biệt thự trong quý III và khó có sự đột biến vào cuối năm. Thị trường giáp ranh TP HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu là lựa chọn mới cho nhu cầu nhà ở.
Thị trường TP HCM ảm đạm ở nhiều phân khúc
Hết quý III, báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản TP HCM của một số đơn vị tư vấn như JLL Việt Nam, DKRA Việt Nam bắt đầu được công bố, hé lộ bức tranh không mấy khả quan ở một vài phân khúc. Ngoài điểm sáng duy nhất về nguồn cung tăng vọt ở thị trường căn hộ ( hơn 17.000 căn được mở bán, gồm 60% từ một dự án quận 9) thì các phân khúc như đất nền, nhà phố, biệt thự đều khá trầm lắng.
Theo JLL Việt Nam, lượng mở bán nhà phố, biệt thự thấp trong quý chỉ đạt 229 căn, thấp kỷ lục trong 5 năm gần nhất, do nguồn cung mới hạn chế. Với đất nền, DKRA Việt Nam khẳng định nguồn cung đã giảm dần trong 2 năm gần đây. Toàn thị trường quý III chỉ có 3 dự án được ra mắt, giảm 38% cùng kỳ năm trước với tỷ lệ tiêu thụ đạt 75%, tương đương 2 quý đầu năm.
Nguồn cung và lượng tiêu thụ đất nền. Nguồn: DKRA Việt Nam |
Giới chuyên gia cho rằng quý IV, các phân khúc đất nền, căn hộ, nhà liền thổ khó có được sự đột biến. Đất nền sẽ tiếp tục duy trì sự khan hiếm, nguồn cung căn hộ sẽ giảm mạnh, còn nhà phố, biệt thự có lượng mở bán chỉ bằng một nửa năm trước.
Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận phân phối và tiếp thị DKRA Việt Nam, nhận định, ngược lại tình trạng của TP HCM, đất nền Long An và Đồng Nai khá sôi động. Thị trường Long An có nguồn cung mới khoảng 1.200 nền còn Đồng Nai khoảng 600 nền, tập trung quanh khu vực sân bay Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch. Tỷ lệ tiêu thụ ổn định, lần lượt đạt 70% và 89%.
Nhận định này cũng góp phần củng cố thêm cho khuyến nghị của Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) thời gian gần đây, trong một văn bản đề xuất các mô hình phát triển nhà ở đáp ứng tình trạng gia tăng dân số tại TP HCM. Theo đó, khả năng đáp ứng nhu cầu nhà ở tại TP HCM vẫn thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước thì việc chuyển dịch mô hình phát triển nhà ở ra các tỉnh giáp ranh, tạo thành các khu dân cư quy mô lớn là phù hợp.
Theo HoREA, các địa phương được HoREA chỉ ra như Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức (Long An); Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một (Bình Dương); Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom (Đồng Nai); Phú Mỹ, Tân Thành, Bà Rịa, Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là các đô thị vệ tinh của TP HCM, được kỳ vọng góp phần cơ cấu lại sản xuất và dân cư trong toàn vùng.
Cơ hội cho các tỉnh vùng ven
Quy hoạch xây dựng vùng TP HCM trong tương lai bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP HCM và 7 tỉnh lân cận là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang. Trong đó, TP HCM là hạt nhân chủ đạo.
|
Thị trường địa ốc TP HCM ảm đạm là cơ hội cho các tỉnh vùng ven. Ảnh: Tuấn Nguyễn |
Long An là địa phương trung gian giữa TP HCM và Đồng bằng sông Cửu Long, được cho là khu vực hưởng lợi lớn từ hạ tầng. Bên cạnh tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương, Long An còn có tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối các huyện của Long An với TP HCM và Đồng Nai. Đồng thời, dự án cũng tạo ra một trục phát triển mới gắn kết Long An với hệ thống cảng quốc tế Hiệp Phước, Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải và sân bay Long Thành.
Với Đồng Nai, nhiều dự án kết nối với TP HCM như cầu Long Thành 2 nối Long Thành với quận 9 và cầu Cát Lái nối huyện Nhơn Trạch với quận 2. Các dự án hạ tầng nổi bật khác kết nối giao thương như sân bay Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt, đường Vành đai 3. Đồng thời, tỉnh đang tiếp tục xúc tiến chủ trương xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, kéo dài tuyến metro số 1 từ quận Thủ Đức đến TP Biên Hòa.
Bình Dương sẽ có tuyến cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc TP HCM - Lộc Ninh, metro Thành phố mới Bình Dương - Uyên Hưng - Tân Thành, metro Dĩ An – Tân Uyên, kéo dài metro Bến Thành - Suối Tiên đến thị xã Dĩ An…
Đi liền với đó, thông tin về thay đổi địa giới hành chính, tiềm năng kinh tế nội tại cũng tạo động lực cho thị trường địa ốc các tỉnh này trở nên sôi động. Thông tin thị xã Thuận An, Dĩ An (Bình Dương) được chấp thuận lên thành phố giúp giá đất các khu vực trong 1 – 2 năm trở lại đây tăng giá, nhiều nơi lên giá gấp đôi, gấp 3 lần.
Long An vừa được Thủ tướng công nhận thành phố Tân An là đô thị loại II trực thuộc tỉnh, phấn đấu thành đô thị loại I vào năm 2030. Ngoài ra, đồ án quy hoạch xây dựng vùng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định vùng huyện Đức Hòa (gồm Hậu Nghĩa và Đức Hòa) phát triển lên thành phố trực thuộc tỉnh.
Đức Hòa tập trung tới 20 khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh. Trong xu hướng bùng nổ của ngành bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam, Long An được xem là lựa chọn mới bên cạnh 2 thủ phủ công nghiệp truyền thống là Bình Dương và Đồng Nai, theo nhận định từ JLL Việt Nam. Đơn vị này còn cho biết ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển mạnh mẽ này sẽ mang một lượng lớn nguồn nhân lực đổ về Long An, hứa hẹn kênh đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội đáp ứng nhu cầu nhà ở còn thiếu hụt.
Mặc dù thị trường vùng ven còn khá tiềm năng nhưng một số chuyên gia nhận thấy có sự e ngại nhất định sau vụ việc Alibaba rao bán nhiều dự án ma, lãnh đạo công ty bị khởi tố về hành vi lừa đảo. Vì vậy, sau cơn “dư chấn” này, việc sở hữu bất động sản "sạch", đầy đủ pháp lý sẽ là ưu tiên lựa chọn. Đồng thời, các dự án được ngân hàng bảo lãnh cho vay là bảo chứng tốt cho tính pháp lý dự án và khả năng sinh lời trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho bất động sản đang bị siết chặt.
Người đồng hành