MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Địa phương có mật độ dân số cao nhất Việt Nam

Địa phương có mật độ dân số cao nhất Việt Nam

Theo Niên giám thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, mật độ dân số của Việt Nam năm 2021 là 297 người/km2.

Dân số trung bình năm 2021 của cả nước ước tính 98,5 triệu người, tăng 923,5 nghìn người, tương đương tăng 0,95% so với năm 2020. Trong đó, dân số thành thị 36,6 triệu người, chiếm 37,1%; dân số nông thôn 61,9 triệu người, chiếm 62,9%; nam 49,1 triệu người, chiếm 49,8%; nữ 49,4 triệu người, chiếm 50,2%.

Tỷ số giới tính của dân số năm 2021 là 99,4 nam/100 nữ. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 20213 đạt 50,6 triệu người. Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2021 là 49,1 triệu người.

Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi cả nước năm 2021 ước tính là 3,20%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,33%; khu vực nông thôn là 2,50%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2021 là 3,10%, trong đó tỷ lệ thiếu việc của lao động nam là 3,23%; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động nữ là 2,94%.

Năm 2021, Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có mật độ dân số cao nhất Việt Nam, tương ứng là 1.091 người/km2 và 778 người/km2. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có mật độ dân số thấp nhất, tương ứng là 136 người/km2 và 111 người/km2.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có mật độ dân số cao nhất 4.375 người/km2 (diện tích hơn 2.095 km2; dân số 9,17 triệu người). Mật độ dân số của thành phố Hồ Chí Minh hiện cao gấp 14,73 lần cả nước (297 người/km2).

Mật độ dân số của thành phố Hồ Chí Minh cao do tốc độ gia tăng dân số nhanh. Theo Cục thống kê thành phố Hồ Chí Minh, thành phố tập trung nhiều các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế nên kéo theo nhu cầu lớn về lực lượng lao động. Chính vì vậy, dân số tại thành phố Hồ Chí Minh tăng nhanh.

Trước đây, phần lớn dân số tập trung ở các quận trung tâm, nội thành. Tuy nhiên, Cục Thống kê thành phố cho biết, dân số đang có xu hướng giảm ở quận trung tâm và nội thành, tăng nhiều ở các quận vùng ven, quận mới, tăng cao ở các huyện. Đây được xem là xu thế tất yếu của các thành phố lớn khi quỹ đất ở khu vực thành thị không còn nhiều, vì vậy các dự án sản xuất kinh doanh, nhà ở đều chuyển về vùng ven, nông thôn.

Xét về khía cạnh đóng góp kinh tế cho cả nước, thành phố Hồ Chí Minh luôn là địa phương có đóng góp lớn nhất vào quy mô GDP cả nước trong nhiều năm qua. Giai đoạn 2017 – 2022, thành phố Hồ Chí Minh đóng góp gần 17,9%/năm vào quy mô GDP của cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 9,4% dân số, 0,6% diện tích của cả nước nhưng luôn có đóng góp vào ngân sách Nhà nước nhiều nhất.

Trong quá trình phát triển, thành phố tập trung tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng ngành dịch vụ và công nghiệp với tỷ trọng ngày càng cao. Lĩnh vực dịch vụ của thành phố chiếm tỉ trọng 62% trong GRDP của thành phố. Đây cũng là hoạt động mà các doanh nghiệp trong nước chiếm thị phần lớn nhất.

Còn trong hoạt động về thu hút đầu tư nước ngoài, thành phố có sự chọn lọc rất mạnh mẽ, chấp nhận vốn thu hút đầu tư nước ngoài có giảm so với trước đây để chủ yếu thu hút các doanh nghiệp có tiềm năng về khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, giảm thâm dụng lao động trong nước và giảm thâm dụng tài nguyên, ưu tiên cho phát triển KHCN và công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, có sự kết nối với các doanh nghiệp trong nước.

Theo Nghị quyết 31-NQ/TW (Nghị quyết 31) của Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2030, TP. HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.

Cùng với đó, thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.

Tầm nhìn đến năm 2045, TP. HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á. Đặc biệt, thành phố sẽ là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP. HCM và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.

Minh Tiến

Tổ quốc

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên