MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước

Địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước

Theo Bộ Xây dựng, năm 2022, tỷ lệ đô thị hoá Việt Nam ước đạt 41,7%, tăng 1,2% so với năm 2021.

Theo Thông tư 06/2018/TT-BXD, tỷ lệ đô thị hóa là số phần trăm dân sống trong khu vực nội thành, nội thị và thị trấn (thuộc địa giới hành chính phường, thị trấn) so với tổng dân số của một phạm vi vùng lãnh thổ (toàn quốc, các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương, các đô thị).

Hiện nay, địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước là Đà Nẵng đạt khoảng 87,45%. Theo đó, Đà Nẵng hiện là địa phương có tỷ lệ dân cư sống trong khu vực thành thị cao nhất nước.

Theo Niên giám Thống kê, dân số của Đà Nẵng năm 2021 là khoảng 1.195.500 người, trong đó dân số nam là 591.400 người (chiếm 49,47%) và dân số nữ là hơn 604.100 người (chiếm 50,53%). Sau 11 năm, quy mô dân số tăng thêm hơn 250.000 người, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 2,4%;

Dân số thành phố Đà Nẵng trong 11 năm qua tăng từ 937.217 người năm 2010 lên 1.195.500 người năm 2021. Trong đó, dân số thành thị tăng khoảng 2,3%/năm, nông thôn tăng khoảng 2%/năm.

Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng cho biết, với tốc độ phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng tăng bình quân 7,89% GRDP giai đoạn 2010 – 2019 làm cho tốc độ tăng dân số cơ học của thành phố Đà Nẵng tăng bình quân từ 1,0%-1,2%/năm. Đặc biệt, những năm gần đây tốc độ một số ngành kinh tế phát triển nhanh như du lịch, công nghệ thông tin... nên tốc độ tăng dân số, lao động cũng tăng nhanh.

Mật độ dân số của Đà Nẵng khoảng 931 người/km2. Dân số đô thị thường tập trung trong trung tâm thành phố, trong khi mật độ dân số càng xa trung tâm càng thấp. Sự chênh lệch lớn về phân bố dân cư dao động từ mật độ thấp nhất khoảng 180 người/ km2 ở Hòa Vang đến cao nhất là khoảng 8,746 người/ km2 ở Hải Châu và 19,712 người/ km2 ở Thanh Khê.

Bên ngoài trung tâm thành phố, mật độ dân số thấp hơn nhiều ở các khu đô thị mới Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, khoảng 2000 đến 3000 người/km2.

Bộ Xây dựng cho biết, năm 2023, đặt mục tiêu đưa tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực nội thành, nội thị ước đạt 42,6%; tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực toàn đô thị ước đạt 53,9%.

Về tình hình phát triển kinh tế của Đà Nẵng, năm 2022, Đà Nẵng bứt phá phục hồi, phát triển kinh tế. Cụ thể, quy mô nền kinh tế toàn thành phố theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 125,219 nghìn tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước đạt trên 120% dự toán.

Là trụ cột chính trong nền kinh tế thành phố Đà Nẵng, ngành Du lịch đã phục hồi mạnh mẽ và ấn tượng. Số lượt khách lưu trú năm 2022 tăng gấp 3,1 lần so với năm 2021; doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt 8,872 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3,5 lần so với năm 2021; doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 21,3 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần năm 2021.

Kinh tế quý 1/2023 của Đà Nẵng tăng trưởng khá nhờ đà phục hồi mạnh mẽ của hoạt động du lịch kéo theo các lĩnh vực dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, khách sạn nhà hàng cùng tăng trưởng.

Cụ thể, GRDP quý 1 tăng 7,12% so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đầu các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đứng thứ 2 trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Quy mô nền kinh tế của Đà Nẵng trong quý 1/2023 đạt hơn 30,7 nghìn tỷ đồng, trong đó lĩnh vực dịch vụ đạt giá trị tăng thêm hơn 3,1 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt doanh thu 5,2 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 73%; các dịch vụ tiêu dùng khác đạt doanh thu hơn 8 nghìn tỷ đồng, tăng 81,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tóm lại, tốc độ tăng trưởng ở khu vực dịch vụ của Đà Nẵng trong quý 1/2023 tăng 11,5% so với cùng kỳ, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế thành phố.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý 1/2023 ước đạt 661,4 triệu USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 427,3 triệu USD, giảm 10,4%; nhập khẩu ước đạt 234,1 triệu USD, giảm 26,3%. Thặng dư thương mại quý 1/2023 ước khoảng 193,2 triệu USD.

Minh Tiến

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên