MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Địa phương giải ngân vốn đầu tư công cao nhất 5 tháng đầu năm

Địa phương giải ngân vốn đầu tư công cao nhất 5 tháng đầu năm

Theo Bộ Tài chính, giải ngân đầu tư công 5 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 22,22%.

Theo Bộ Tài chính, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công nguồn NSNN năm 2023 là 809.245,8 tỷ đồng (vốn trong nước là 776.291,34 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 29.000 tỷ đồng). Trong đó: Kế hoạch vốn đã giao là 796.358,6 tỷ đồng (vốn trong nước là 764.429,1 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 31.929,4 tỷ đồng); kế hoạch vốn chưa giao là 12.887,2 tỷ đồng.

Cụ thể, tổng số vốn đã phân bổ là 692.138,4 tỷ đồng, đạt 97,89% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (707.044,2 tỷ đồng). Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 48.290,1 tỷ đồng. (Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) các địa phương giao tăng là 48.290,1 tỷ đồng, thì tổng số vốn đã phân bổ là 643.848,3 tỷ đồng, đạt 91,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao).

Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 63.195,9 tỷ đồng, chiếm 8,94% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó: vốn trong nước là 61.535,3 tỷ đồng (vốn NSTW là 29.217,7 tỷ đồng, vốn cân đối NSĐP là 33.978,1 tỷ đồng), vốn ngoài nước là 1.660,5 tỷ đồng.

Bộ, cơ quan trung ương: số vốn chưa phân bổ là 10.797,2 tỷ đồng, chiếm 5,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước là 10.737,9 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 59,3 tỷ đồng).

Các địa phương có số vốn chưa phân bổ là 52.398,7 tỷ đồng, chiếm 10,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước là 50.797,4 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 1.601,2 tỷ đồng).

Bộ Tài chính cho biết, nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 22,22%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022 (22,37%). Trong đó, vốn trong nước đạt 22,64% (cùng kỳ năm 2022 đạt 23,53%), vốn nước ngoài đạt 12,02% (cùng kỳ năm 2022 đạt 6,26%).

Có 39/52 Bộ, cơ quan trung ương và 16/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 32 Bộ, cơ quan trung ương và 05 địa phương chỉ giải ngân được dưới 10% kế hoạch vốn.

Có 8 Bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Tiền Giang (45,89%), Đồng Tháp (44,28%), Long An (40,06%), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (40,04%).

Theo đó, Tiền Giang là địa phương giải ngân vốn đầu tư công cao nhất 5 tháng đầu năm 2023. Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang cho biết, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trong 5 tháng đầu năm 2023 khoảng 1.851 tỷ đồng, đạt 35,1% kế hoạch, tăng 47% so cùng kỳ.

Cụ thể, nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh thực hiện 1.502 tỷ đồng, đạt 34,4% kế hoạch, tăng 54,5% so cùng kỳ, chiếm 81,2% tổng số. Trong đó, vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 569 tỷ đồng, tăng 1,9 lần; vốn xổ số kiến thiết thực hiện 543 tỷ đồng, tăng 18,4% so cùng kỳ.

Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp huyện thực hiện 259 tỷ đồng, đạt 48,2% kế hoạch, tăng 13,8% so cùng kỳ, chiếm 14% tổng số. Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp xã thực hiện 89 tỷ đồng, đạt 13,3% kế hoạch, tăng 49,6% so cùng kỳ, chiếm 4,8%.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang, khó khăn hiện nay trong triển khai các công trình đầu tư công là công tác GPMB. Các dự án Trung ương đầu tư trên địa bàn điển hình như: Cầu Rạch Miễu 2, Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1... gặp khó khăn do chi phí GPMB tăng, tăng tổng mức đầu tư thực hiện công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án.

Minh Tiến

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên