Địa phương sở hữu cảng biển lọt top 30 cảng container bận rộn nhất thế giới có tiềm năng gì?
Theo cập nhật mới nhất bảng xếp hạng 49 cảng container bận rộn nhất thế giới của Hội đồng Vận tải Thế giới (World Shipping Council), Việt Nam có sự góp mặt của 2 cảng. Trong đó, có 1 cảng lọt top 30 cảng container bận rộn nhất thế giới.
- 31-08-2022Một tỉnh nghèo có GRDP bình quân tăng gấp 122 lần sau 30 năm
- 29-08-2022Được dự báo tăng trưởng dẫn đầu ASEAN-6 năm 2023, vậy thứ hạng quy mô GDP Việt Nam thay đổi ra sao?
- 24-08-2022Địa phương có quy mô GRDP lớn nhất đóng góp bao nhiêu vào GDP cả nước trong 10 năm qua?
Cụ thể, trong bảng xếp hạng 49 cảng container bận rộn nhất thế giới dựa theo lượng vận chuyển container tính bằng teus với thời gian đo từ năm 2016 đến năm 2020 của Hội đồng Vận tải Thế giới, Việt Nam có cảng Sài Gòn và Hải Phòng nằm trong danh sách này.
Trong đó, cảng Sài Gòn đứng ở vị trí thứ 26 và cảng Hải Phòng đứng ở vị trí thứ 33. Lưu lượng hàng hóa qua cảng Sài Gòn đạt 5,99 triệu teus vào năm 2016 và tăng lên 7,2 triệu teus vào năm 2020.
Bên cạnh đó, cảng Sài Gòn nằm trong top 6 cảng container bận rộn nhất Đông Nam Á, xếp sau các cảng Singapore, Port Klang và Tanjung Pelepas (Malaysia), Laem Chabang (Thái Lan) và Tanjung Priok (Indonesia).
Top 6 cảng container bận rộn nhất Đông Nam Á. Nguồn: World Shipping Council.
Cảng Sài Gòn là cảng quốc tế của TP. HCM, có tổng diện tích khoảng 570.000m2, đồng thời là hệ thống cảng biển phục vụ cho khu vực thành phố, các vùng lân cận và đồng bằng sông Cửu Long. Cảng Sài Gòn là chuỗi hệ thống gồm các khu cảng biển tại TP. HCM như: Tân Cảng Cát Lái, Cái Mép, Hiệp Phước,…
Cảng Sài Gòn hoạt động để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của nhiều mặt hàng như nông nghiệp, thủy sản chế biến, sản phẩm hóa chất, vật liệu xây dựng và khai thác khoáng sản… Không chỉ vậy, đây cũng là cảng chính tại khu vực TP. HCM tiếp nhận tàu du lịch quốc tế.
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song sản lượng lượng hóa qua cảng Sài Gòn vẫn có tăng trưởng tốt. Cụ thể, lượng hàng hóa qua cảng đạt 11,82 triệu tấn, tăng 27% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng hàng hóa qua cảng Sài Gòn đạt 4,72 triệu tấn.
Trên thực tế, TP. HCM là nơi có nhiều tiềm năng trong phát triển cảng biển, logistics. Thành phố định hướng phát triển cảng biển, đưa ngành logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn, giúp thành phố nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối với thị trường quốc tế.
Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), khu vực cảng Sài Gòn hiện đang đứng đầu cả nước về sản lượng container thông qua, chiếm 58,81% thị phần. Trong đó, riêng Tân Cảng Cát Lái (quận 2) chiếm đến 48% thị phần cả nước và chiếm 80,89% thị phần khu vực cảng TP. HCM.
Lợi thế này có được là nhờ cảng Cát Lái nằm gần trung tâm TP. HCM, gần các khu công nghiệp, kho hàng của các doanh nghiệp Đồng Nai, Bình Dương. Bên cạnh đó, thành phố còn có đầy đủ các dịch vụ hậu cần gồm: kho bãi, giao nhận, vận chuyển và đặc biệt tại đây quy tụ rất nhiều hãng tàu quốc tế.
Ngành logistics được đánh giá là có vài trò rất lớn đối với nền kinh tế. Theo Sở Công Thương TP. HCM, hiện nay cả nước có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, với khoảng 5.000 doanh nghiệp chuyên nghiệp.
Trong số đó, ngành logistics hiện đóng góp khoảng 8,9% trong tổng GRDP của TP. HCM, tương đương khoảng 117.000 tỷ đồng và có tới 54% doanh nghiệp logistics có trụ sở tại TP. HCM.
Hiện nay, TP. HCM đang rất chú trọng trong phát triển logistics nhờ tận dụng lợi thế cảng biển và phát triển logistics thành dịch vụ mũi nhọn.
Trong những năm qua, kinh tế biển TP.HCM đã có bước đột phá với việc đón tàu tải trọng container lớn nhất (54.255 tấn) cập cảng sau khi hoàn thành khai thông luồng tàu biển Soài Rạp. Đây là dấu mốc quan trọng, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho ngành kinh tế cảng biển của thành phố.
Tổ quốc