MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dịch bệnh phức tạp, bất động sản suy yếu, kinh tế Trung Quốc về đâu trong nửa cuối năm?

20-07-2022 - 06:30 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ 'chu kỳ kinh tế Covid', với độ dài của mỗi chu kỳ sẽ phụ thuộc lớn vào tình hình dịch bệnh Covid-19, vốn tương đối bất định.

Tăng trưởng nền kinh tế số hai thế giới trong sáu tháng cuối năm sẽ được định đoạt bởi thành quả kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và sự phục hồi của thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, những diễn biến ở thời điểm hiện tại dự báo một tương lai không hề sáng sủa. Số lượng ca nhiễm tại Trung Quốc tăng lên ngưỡng cao nhất kể từ tháng 5, buộc nhiều địa phương phải tái áp dụng biện pháp phong tỏa. Bên cạnh đó, làn sóng “tẩy chay” chi trả các khoản vay thế chấp đối với một loạt dự án chưa hoàn thành tại nhiều thành phố lớn tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo lĩnh vực bất động sản chìm sâu vào cơn khủng hoảng, bắt đầu từ nửa cuối năm 2021.

Sau một quý gần như không tăng trưởng, không ít chuyên gia kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc xuống ngưỡng gần 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% của chính phủ quốc gia này. Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu cũng gặp phải nhiều cơn gió chướng. Lạm phát tại nhiều quốc gia lập đỉnh nhiều năm, xung đột tại châu Âu chưa có dấu hiệu thuyên giảm, và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại. Điều này buộc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có thể cắt giảm “mạnh” dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 trong báo cáo triển vọng sắp tới.

Dưới đây là những vấn đề mang tính chất quyết định tới “sức khỏe” nền kinh tế số hai thế giới trong sáu tháng còn lại của năm:

Phong tỏa

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng trưởng 0,4% trong quý II, mức tăng trưởng quý thấp nhất từng được ghi nhận. Nguyên nhân khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là phong tỏa, biện pháp đã và đang được áp dụng tại một loạt các địa phương nhằm đối phó với biến chủng siêu lây nhiễm Omicron. “Không có gì tồi tệ hơn việc nhiều thành phố lớn bị phong tỏa trên diện rộng, và các hoạt động kinh tế bị đình trệ”, Gary Ng, Chuyên gia kinh tế tại Natixis SA, chia sẻ.

Dịch bệnh phức tạp, bất động sản suy yếu, kinh tế Trung Quốc về đâu trong nửa cuối năm? - Ảnh 1.

Hoạt động kinh tế tại Trung Quốc suy giảm khi số lượng ca nhiễm tăng lên. Ảnh: Bloomberg.

“Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng từ ‘chu kỳ kinh tế Covid’”, theo nhóm chuyên gia tới từ Nomura Holdings Inc. Đầu tiên, số ca nhiễm tăng cao khiến một loạt các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải đóng cửa, dừng hoạt động. Một khi số ca nhiễm giảm xuống, chính phủ tung ra các gói hỗ trợ nhằm kéo nền kinh tế đi lên, nhưng việc mở cửa nền kinh tế trở lại làm gia tăng rủi ro một đợt bùng phát dịch mới. Với việc biến chủng BA.5 đã được phát hiện tại một số địa phương, mức độ và thời gian phong tỏa là điều khó có thể dự báo trước.

“Độ dài của mỗi chu kỳ sẽ phụ thuộc lớn vào tình hình dịch bệnh Covid-19, vốn tương đối bất định”, nhóm chuyên gia bổ sung. “Chúng tôi cho rằng các thị trường đang lạc quan thái quá vào triển vọng tăng trưởng” trong nửa cuối năm nay.

Về mặt tích cực, chính quyền các địa phương nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất và vận tải trong giai đoạn phong tỏa. Chủ tịch Tập Cận Bình hối thúc các địa phương bám sát chiến lược zero Covid, tuy nhiên ông cũng khuyến khích “giảm thiểu sự bất tiện đối với cuộc sống của người dân”.

“Tôi dự báo chính phủ Trung Quốc sẽ đối phó với tình trạng số lượng ca nhiễm tăng cao thông qua các lệnh phong tỏa trên quy mô hẹp, thay vì trên diện rộng như từng áp dụng trong tháng 4 và 5, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới quá trình hồi phục nền kinh tế”, Andy Rothman, Chiến lược gia đầu tư tại Matthews Asia.

Dịch bệnh phức tạp, bất động sản suy yếu, kinh tế Trung Quốc về đâu trong nửa cuối năm? - Ảnh 2.

Một khu dân cư bị phong tỏa tại Thượng Hải trong ngày 12/7. Ảnh: Bloomberg.


Thị trường bất động sản

Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, trụ cột đóng góp khoảng 20% GDP của Trung Quốc, diễn biến trầm trọng hơn trong quý II vừa qua. Một phần nguyên nhân bắt  nguồn từ các lệnh phong tỏa phòng dịch, khiến nhu thập của người dân sụt giảm, kéo giảm nhu cầu mua nhà ở.

Xuất hiện rủi ro thị trường bất động sản sẽ thoái trào trong dài hạn, khiến nó trở thành một vấn đề cố kết dù các lệnh phong tỏa được nới lỏng. Cơn gió chướng mới nhất chính là làn sóng “tẩy chay” thanh toán các khoản vay thế chấp tại nhiều thành phố đối với các dự án chưa hoàn thành.

“Chính phủ cần sớm khôi phục lại lòng tin của người dân và xóa tan đi những lùm xùm liên quan tới lĩnh vực bất động sản”, nhóm chuyên gia tới từ Goldman Sachs Group Inc. chia sẻ trong một báo cáo công bố tuần trước, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay của quốc gia này xuống 3,3%.

Các chuyên gia phân tích chờ đợi những tín hiệu rõ nét cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, trong đó có thể bao gồm việc hạ lãi suất thế chấp hoặc gia tăng khả năng tiếp cận tín dụng của các nhà phát triển bất động sản.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có thể sẽ cắt giảm lãi suất cho vay thêm 0,1% đồng thời giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thêm 0,5%, theo TS Lombard.

Dịch bệnh phức tạp, bất động sản suy yếu, kinh tế Trung Quốc về đâu trong nửa cuối năm? - Ảnh 3.

Đầu tư lĩnh vực bất động sản và số lượng dự án khởi công mới tại Trung Quốc sụt giảm mạnh trong quý II/2022. Ảnh Bloomberg.


Hỗ trợ

Trung Quốc có thể sẽ thông qua chương trình phát hành trái phiếu chính phủ chưa từng có trong tiền tệ, giúp huy động khoảng 7.200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.100 tỷ USD) vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong năm nay, theo một nguồn thạo tin. Điều đó giúp cải thiện tỷ lệ người dân có việc làm và chi tiêu hộ gia đình.

Vấn đề là các lệnh phong tỏa phòng dịch Covid-19 và đà suy giảm của thị trường bất động sản đồng nghĩa với việc nguồn thu thuế truyền thống và bất động sản của các địa phương sụt giảm mạnh. Trong nửa đầu năm 2022, ngân sách các địa phương sụt giảm khoảng 2.700 tỷ nhân dân tệ, theo Wang Tao, Chuyên gia kinh tế tới từ UBS Group AG.

Bà kêu gọi chính phủ Trung Quốc cân nhắc phát hành lô trái phiếu đặc biệt trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ nhằm hỗ trợ ngân sách địa phương. Nếu như không tung ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời, Trung Quốc sẽ khó lòng đạt được mức tăng trưởng 3% trong năm nay, bà nói.

“Tôi cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ tung ra nhiều hơn các giải pháp hỗ trợ”, Adam Wolfe, Chuyên gia kinh tế tại Absolute Strategy Research, London. Các phương án khả dĩ mà ông nhận định có thể được áp dụng bao gồm ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cho các ngân hàng thương mại vay vốn với lãi suất thấp nhằm hỗ trợ các mục tiêu của chính phủ hoặc PBOC có thể trực tiếp mua lại trái phiếu chính phủ.

Thời tiết cũng là một trở ngại lớn đối với kinh tế Trung Quốc. Nắng nóng và lụt lội liên tục xảy ra trong khoảng thời gian gần đây, khiến cho hoạt động xây dựng bị đình trệ.

Tiêu dùng và đầu tư tư nhân

Dịch bệnh phức tạp, bất động sản suy yếu, kinh tế Trung Quốc về đâu trong nửa cuối năm? - Ảnh 4.

Kỳ vọng việc làm tương lai của người dân Trung Quốc giảm xuống ngưỡng thấp nhất kể từ năm 2009. Ảnh: Bloomberg.

Tiêu dùng là một trong những trụ cột phát triển quan trọng của Trung Quốc trong phần lớn thập kỷ qua và nhiệm vụ kích cầu tiêu dùng hộ gia đình ở thời điểm hiện tại là vô cùng cấp thiết. Đầu tư được thực hiện bởi các doanh nghiệp tư nhân thường lớn hơn so với nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, do đó, niềm tin của nhóm doanh nghiệp này cũng đóng một vai trò quan trọng.

“Vấn đề cần lưu tâm là liệu tiêu dùng và đầu tư tư nhân có kịp hồi phục để hỗ trợ tăng trưởng”, theo Louis Kuijs, Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings.

Tuy nhiên, niềm tin hộ gia đình và doanh nghiệp tại Trung Quốc hiện tiệm cận ngưỡng thấp kỷ lục. Một khảo sát thực hiện bởi PBOC trong quý II vừa qua cho thấy tỷ lệ người dân muốn gia tăng tiết kiệm tăng lên ngưỡng 58%, cao hơn 12% so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát. Bên cạnh đó, kỳ vọng việc làm tương lai của người dân Trung Quốc cũng giảm xuống ngưỡng thấp nhất kể từ năm 2009.

“Chi tiêu, tiêu dùng của người dân có thể hồi phục trong nửa cuối năm nay nhờ vào quá trình nới lỏng các quy định phòng dịch, tốc độ hồi phục nền kinh tế sẽ không diễn ra quá nhanh”, nhóm chuyên gia tới từ Standard Chartered nhận định.

Chỉ số đo lường niềm tin doanh nghiệp tư nhân của Trường Kinh tế Cheung Kong hiện giảm xuống ngưỡng thấp gần kỷ lục. Rủi ro suy thoái tại một số nền kinh tế lớn có thể làm chậm lại đà tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc, làm xấu hơn triển vọng phát triển của nhóm doanh nghiệp này.

Với việc mục tiêu tăng trưởng 5,5% của chính phủ Trung Quốc khó lòng có thể hoàn thành, các chuyên gia kinh tế nhận định các cơ quan chức năng nên tập trung giảm thiểu tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.

“Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao thị trường lao động của Trung Quốc trong nửa cuối năm nay vì chúng tôi kỳ vọng các nhà lập pháp Trung Quốc sẽ chuyển hướng ưu tiên từ hoàn thành mục tiêu GDP sang hỗ trợ thị trường lao động trong một vài tháng tới, Peiqian Liu, Kinh tế trưởng thị trường Trung Quốc tại NatWest Group Plc, chia sẻ.

Theo Trọng Đại

Người đồng hành

Trở lên trên