Dịch Covid-19 liệu có ảnh hưởng việc xuất khẩu trái vải sang Nhật Bản?
Mùa vải thiều đang đến, Bộ Công Thương cũng đang xúc tiến và tìm các phương án để xuất khẩu sang Nhật Bản dù chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch Covid-19
Mặt hàng nông sản, rau quả là mặt hàng rất nhạy cảm, chịu tác động trực tiếp từ dịch Covid- 19. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 3 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản nói chung giảm 4,3%, trong đó, rau quả chỉ đạt 890 triệu USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu rau quả giảm mạnh hơn, và mức giảm cao hơn so với mặt bằng nông sản nói chung.
Nguyên nhân chủ yếu là do rau quả có thời gian bảo quản ngắn, thông quan nhanh, trong khi đó, thị trường xuất khẩu rau quả chủ yếu là Trung Quốc (chiếm khoảng 60%). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong những tháng đầu năm giảm trên 22%. Mặc dù các doanh nghiệp, thương nhân đã có sự điều chỉnh thị trường, nhưng tăng trưởng ở các thị trường khác chỉ khoảng 4 - 10% không bù đắp được mức giảm sâu ở thị trường Trung Quốc.
Mùa vải thiều chuẩn bị vào vụ và Bộ Công Thương đang cố tìm phương án để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Mùa vải thiều, chôm chôm, xoài, nhãn… đang chuẩn bị vào chính vụ. Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn cho xuát khẩu các mặt hàng này - nhất là những hi vọng quả vải Việt Nam sẽ lần đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản vào năm 2020?
Phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương về vấn đề này:
PV: Được biết, phía Nhật Bản vừa có thông tin về việc họ không thể cử chuyên gia sang do ảnh hưởng của Covid-19. Vậy phía Bộ Công Thương có động thái gì để quả vải của Việt Nam có thể được XK sang thị trường Nhật Bản, thưa ông?
Ông Trần Quốc Toản: Với quả vải thiều, trong thời gian vừa qua Bộ Công Thương cũng đã triển khai rất tích cực đối với thị trường Nhật Bản bởi chúng ta đã đàm phán để có thể đưa quả vải thiều sang thị trường này.
Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid- 19, phía Nhật Bản không thể cử chuyên gia sang để đánh giá thẩm định. Hiện, chúng tôi cũng đã có các công hàm gửi cho các cơ quan của chính quyền Nhật Bản đề nghị có những biện pháp, giải pháp linh hoạt để có thể thúc đẩy, đưa quả vải thiều của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới.
Đồng thời, chúng tôi sẽ trao đổi thêm với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - cơ quan đầu mối để cùng phối hợp với phía Nhật Bản để có thể đưa ra nhóm giải pháp phù hợp nhất.
Có thể là thuê tổ chức đánh giá độc lập của Việt Nam để đánh giá sau đó cung cấp thông tin cho phía Nhật Bản… để có thể thúc đẩy xuất khẩu được quả vải tươi sang Nhật Bản trong năm 2020 này.
PV: Mặt hàng quả vải nói riêng, rau quả, trái cây nói chung là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lên đến trên 3,5 tỷ USD (trong năm 2019). Vậy, với tác động của dịch Covid- 19 như vậy, Bộ Công Thương có khuyến cáo cũng như giải pháp như thế nào để thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này trong thời gian tới?
Ông Trần Quốc Toản: Để thích ứng trong bối cảnh dịch Covid-19 cũng như để đảm bảo xuất khẩu bền vững lâu dài thì về phía các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu cần thường xuyên cập nhật các thông tin thị trường, cũng như diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới. Việc cung cấp thông tin này Bộ Công Thương thường xuyên cập nhật trên trang cổng thông tin của Bộ.
Các cơ quan truyền thông cũng đã thường xuyên truyền tải các thông tin này đến các cộng đồng doanh nghiệp, địa phương, người nông dân để từ đó người nông dân có những định hướng về sản xuất.
Đối với thị trường Trung Quốc, việc tháo gỡ giữa hai bên để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hai bên trong thời gian qua đã được đẩy mạnh, các cửa khẩu đã dần được mở rộng thêm và thời gian thông quan đã tăng thêm. Dự kiến trong thời gian tới, xuất khẩu rau quả nói riêng và nông sản nói chung sang Trung Quốc sẽ được cải thiện...
Chúng tôi cũng khuyến các các doanh nghiệp tập trung sản xuất theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Người nông dân nên sản xuất theo đúng quy định, yêu cầu mà các doanh nghiệp, nhà phân phối đặt ra.
Bởi lẽ, muốn định hướng phát triển lâu dài thì đầu tiên các sản phẩm phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Chất lượng sản phẩm phải đảm bảo đồng đều, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, bao bì… cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của nước nhập khẩu cũng như các hướng dẫn của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp phân phối xuất khẩu.
PV: Thế còn đối với các thị trường nói chung thì sao, thưa ông?
Ông Trần Quốc Toản: Đối với công tác phát triển thị trường nói chung, Bộ cũng đã chỉ đạo các thương vụ Việt Nam tại Austraylia và một số nước để tìm hiểu thêm các thị trường, đưa thêm thông tin các sản phẩm của Việt Nam, ngoài các sản phẩm quả vải thiều tươi thì còn đưa thêm các thông tin về các sản phẩm đã chế biến sâu. Đây là định hướng để có thể thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.
Đối với thị trường trong nước, chúng tôi sẽ triển khai các biện pháp như: tổ chức các buổi họp kết nối cung cầu giữa các địa phương – nơi có vùng sản phẩm nguyên liệu với nơi có khả năng phân phối tiêu thụ lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng….
Ngoài ra, cũng sẽ kết nối các địa phương với các kênh phân phối lớn, hệ thống siêu thị, đặc biệt, chúng tôi cũng đã tổ chức kết nối với các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam như: Aeon Mart, Lotte Mart để đưa sản phẩm nông sản Việt vào hệ thống siêu thị của họ tại thị trường nước ngoài. Qua đó, sản phẩm nông sản Việt sẽ dần có vị thế và chỗ đứng tại thị trường thế giới.
PV: Xin cảm ơn ông!.
VOV