Dịch COVID-19: Tăng cường kiểm soát phương tiện giao thông công cộng
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp. Ảnh: TTXVN
Đây là đề xuất của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 khi xuất hiện nhiều ca mắc COVID-19 là lái xe và người tham gia các phương tiện giao thông công cộng.
Trong những nội dung trao đổi tại cuộc họp chiều 25/6 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 , có 2 vấn đề đáng lưu ý là việc kiểm soát lái xe và người tham gia phương tiện giao thông công cộng và thí điểm khởi động du lịch tại Phú Quốc cho du khách nhập cảnh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp.
Trước tình trạng xuất hiện nhiều ca mắc COVID-19 là nhóm lái xe và những người đã tham gia các phương tiên giao thông công cộng, ban chỉ đạo đề xuất cần tăng cường các giải pháp quản lý, để có thể truy vết ngay khi cần.
Hiện có 854.000 xe hoạt động (chiếm 54% số xe kinh doanh), với hàng triệu lái xe và phụ xe. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất xét nghiệm và ưu tiên tiêm phòng cho nhóm đối tượng này.
Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, có phần mềm cho các nhà xe ứng dụng để quản lý hành khách. Ai không có điện thoại thông minh thì có thể sử dụng mã QR trên thẻ bảo hiểm y tế hoặc căn cước để khai báo.
Để kiểm soát việc giãn cách trên xe, Bộ Công an đề nghị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin với camera hành trình theo dõi.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, các tỉnh rà soát tất cả điểm dừng chân, trạm xăng dầu, bắt buộc phải trang bị và sử dụng công cụ để quét mã người ra/vào.
Về đề xuất thí điểm khởi động du lịch tại Phú Quốc cho hành khách nhập cảnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu cần xem xét kỹ càng, trước tiên là triển khai cách ly 7 ngày với trường hợp nhập cảnh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 .
Đề án cần xem xét việc xét nghiệm cho du khách trong thời gian ở Phú Quốc. Đặc biệt toàn bộ người dân tại đảo được tiêm phòng COVID-19, đồng thời xác định cơ chế giao lưu giữa người dân và du khách cũng như cân nhắc việc đón khách nội địa.
VTV