MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dịch nghiêm trọng ở TP. HCM và các tỉnh, thành trọng điểm phía Nam ảnh hưởng đến ngân sách cả nước ra sao?

Dịch nghiêm trọng ở TP. HCM và các tỉnh, thành trọng điểm phía Nam ảnh hưởng đến ngân sách cả nước ra sao?

Với tình hình này, dự kiến thu ngân sách các tháng tiếp theo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn.

Mặc dù kết quả công tác thuế sách 6 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả khá khả quan. Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn nhận định, trước diễn biến phức tạp trở lại của dịch bệnh Covid-19 từ cuối tháng 4 trở lại đây.

Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 đã qua trên 75 ngày, nhưng vẫn diễn biến rất phức tạp. Trong đó, riêng 5 tỉnh, thành trọng điểm phía Nam trở thành điểm nóng của dịch bệnh (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An). Đây là các tỉnh có số thu chiếm trên 80% số thu của khu vực Đông và Tây Nam Bộ; chiếm trên 35% số thu của cả nước, nên đã và đang tác động không thuận đến kết quả thu chung của toàn quốc.

Theo Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn, những khó khăn thể hiện qua số thu tháng 5 và tháng 6 vừa qua đều có xu hướng giảm mạnh so với số thu bình quân 4 tháng đầu năm, cụ thể: số thu bình quân 4 tháng đầu năm đạt 122.340 tỷ đồng; số thu tháng 5 chỉ đạt 88.072 tỷ đồng; tháng 6 chỉ đạt 73.500 tỷ đồng, tương ứng giảm 34.200 tỷ và 48.800 tỷ so với số thu bình quân 4 tháng đầu năm. 

Với tình hình này, dự kiến thu ngân sách các tháng tiếp theo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn.

Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, trước yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính kiên định thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép", Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp trước hết phải đảm an toàn sức khỏe cho cán bộ, công chức nhằm phục vụ tốt công việc; thực hiện chế độ làm việc luân phiên để đảm bảo thông suốt trong thực hiện nhiệm vụ thu NSNN.

Đồng thời, bám sát 02 kịch bản tổng thể của Chính phủ, gồm: Kịch bản 1: Tăng trưởng GDP cả năm 6% và Kịch bản 2: Tăng trưởng GDP cả năm 6,5%.

Để đảm bảo thực hiện được 2 kịch bản của Chính phủ, Tổng cục Thuế đã chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện thu NSNN ở mức cao nhất, phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tích cực, khả thi, nhưng cũng phải chắc chắn trong thực hiện.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, Tổng cục Thuế tiếp tục chỉ đạo cơ quan thuế các cấp quán triệt thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" của Chính phủ và đảm bảo hệ thống thuế hoạt động thông suốt trên tinh thần hỗ trợ, phục vụ tốt nhất người dân và DN.

Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn nhận định, với xu hướng thu NSNN 6 tháng cuối năm và cả năm 2021 dự báo sẽ có nhiều khó khăn. Theo đó, việc dự báo thu năm 2022 và các năm tiếp theo sẽ càng khó khăn hơn. 

Vì vậy, để chủ động cho việc triển khai xây dựng dự toán NSNN năm 2022 (là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới) và kế hoạch tài chính - ngân sách 03 năm (2022-2024) trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam và thế giới sẽ còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Trước tình hình đó, Tổng cục Thuế đã phối hợp với các đơn vị có liên quan để tham mưu với Bộ Tài chính, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng và Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán thu năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách 03 năm 2022-2024.

Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn đề nghị lãnh đạo của các địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan trên địa bàn phân tích, đánh giá sát nguồn thu năm 2021, làm nền tảng để xây dựng dự toán thu NSNN năm 2022 sát thực, chắc chắn, phù hợp với khả năng phát sinh và đặc điểm nguồn thu trên địa bàn. Theo đó, cần tập trung vào một số yếu tố:

Một là, đối với những địa phương tình hình sản xuất, kinh doanh đã và đang chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19, cần phân tích, đánh giá đúng mức ảnh hưởng của dịch bệnh đến thu NSNN.

Hai là, đối với những địa phương ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cần có sự chia sẻ khó khăn với Bộ Tài chính trong đánh giá ước thực hiện thu NSNN năm 2021, làm cơ sở xây dựng dự toán thu NSNN năm 2022 sát thực, góp phần có thêm nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch và hỗ trợ, khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Thái Quỳnh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên