Dịch vụ cưới tỉnh giấc 'ngủ đông'
Sau một thời gian khá dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các bạn trẻ tại TPHCM ồ ạt tổ chức đám cưới. Các dịch vụ, nhà hàng tiệc cưới cũng vì thế bung mạnh sau thời gian dài “ngủ đông”.
Nhiều đôi trẻ lỡ hẹn
Phú Minh là chuyên gia tài chính trẻ, làm việc cho một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hơn một năm trước, trong lúc anh đang chuẩn bị đám cưới thì dịch bùng lên nên phải tạm hoãn. Sau đó, Phú Minh hai lần tiếp tục chuẩn bị tổ chức cưới nhưng cũng đều không thành công. Gần đây, đến lần thứ tư thì đám cưới của anh đã diễn ra êm đẹp.
Chị Lưu Thị Thanh Hương (23 tuổi) và anh Hà Thế Huy (26 tuổi) cũng có 2 lần phải hoãn cưới vì liên quan dịch COVID-19. Thanh Hương cho biết, gia đình hai bên đã lên kế hoạch tổ chức đám cưới cho họ vào giữa tháng 5/2021, nhưng chưa kịp tổ chức thì dịch bùng phát nên đành hoãn lại. Lần thứ hai chị lại lên kế hoạch tổ chức đám cưới vào cuối tháng 2/2022. Lần này, thiệp cưới cũng đã gửi đến tận tay bà con họ hàng, bạn bè đôi bên, nhưng đến sát ngày cưới, cả cô dâu và chú rể đều mắc COVID-19.
Thanh Hương chia sẻ, trong thời gian hoãn cưới, cả hai “buồn ơi là sầu”, vì hoàn cảnh xa quê, nên mỗi lần thu xếp tổ chức đám cưới cũng gặp khó khăn và không ít tốn kém.
Anh Lê Thành (quê Thanh Hóa) và chị Phạm Thị Tường Vy (quê Đà Nẵng) hiện đang sống tại quận Phú Nhuận cũng đã phải hoãn lại đám cưới giữa tháng 5/2021. “Đã đặt nhà hàng hết rồi nhưng đành ngậm ngùi hoãn lại nên vừa khó cho bên nhà hàng tiệc cưới mà cũng khó cho mình”, anh Thành nói. Giữa tháng 6 vừa qua, sau thời gian chờ đợi, lễ cưới của anh chị đã được tổ chức. Ngoài cô dâu và chú rể, xuất hiện trong lễ cưới còn có cô con gái nhỏ, kết quả tình yêu của anh chị. “Đứa con là món quà đặc biệt, tạo động lực cho chúng tôi vượt qua gian khó trong thời gian dịch bệnh khắc nghiệt”, anh Thành chia sẻ.
Ông Trần Bửu An, quản lý phòng tiệc cưới thuộc Nhà hàng Làng nướng Nam Bộ (quận 10) cho biết, giá xăng và hàng hóa tăng cao thời gian qua đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của nhà hàng. Tuy nhiên nhà hàng cố gắng kìm giá để kích cầu, thu hút khách, đồng thời cũng muốn hỗ trợ, chia sẻ với khách hàng. “Chúng tôi phục vụ các gói tiệc với mức giá bình dân nên đối tượng khách nào cũng có thể sử dụng, với mức giá phổ biến 3 triệu đồng/bàn tiệc”, vị quản lý cho hay. Cũng theo ông An, sau dịch, một số khách hàng khi đến đặt tiệc vẫn còn tâm lý “thắt lưng buộc bụng” và không dám chi tiêu nhiều hoặc đặt món thoải mái như trước kia.
Dịch vụ tiệc cưới hồi phục mạnh
Anh Trần Hồng Phú, chủ Studio Ahihi (quận Phú Nhuận) cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, lượng khách đến chụp ảnh cưới tăng mạnh, thậm chí tăng gấp đôi so với trước dịch. Nhân viên studio thường xuyên tư vấn cho khách đến 10 giờ tối mà chưa xong. Nhiều trường hợp do sợ khách đợi lâu nên studio mời khách quay lại buổi sau để tư vấn. Hiện nay, trung bình mỗi tháng có trên 100 cặp đôi đến đăng ký gói chụp hình cưới. “Khách đến quá đông nên có thời điểm chúng tôi phải từ chối khách. Hiện tại studio gần như kín lịch phục vụ, điều mà ngành dịch vụ tổ chức tiệc cưới chúng tôi hay gọi là hiện tượng “nổ show””, anh Phú nói.
Theo anh Phú, thông thường mỗi năm, mùa cưới tập trung vào tháng 2, tháng 3 với số lượng khách lớn, nhưng năm nay lượng khách này lại rải đều các tháng. Sau Tết đến nay khách đến dồn dập, vừa ăn Tết xong các đôi dâu rể đã liên hệ nhà hàng để đặt tiệc, trong số đó có rất nhiều khách hàng chuyển lịch cưới từ năm 2020, 2021 sang đầu năm nay.
Riverside Palace (quận 4) là một trong những trung tâm tiệc cưới có quy mô lớn, cùng lúc có thể tổ chức cả chục tiệc cưới. Những ngày cuối tuần, tại đây các hôn trường luôn chật kín. Ngoài Riverside Palace, theo khảo sát của phóng viên Tiền Phong, nhiều trung tâm nhà hàng tiệc cưới khác ở thành phố như Queen Plaza, Capella Gallery Hall, Glorious, Vườn Cau… cũng luôn đông khách, nhất là vào những ngày cuối tuần. Thậm chí, một số nơi, vì khách đi dự đám cưới quá đông nên không có đủ chỗ để xe hoặc gây ùn ứ xe cục bộ trước nhà hàng tiệc cưới. Vì nhiều trung tâm tiệc cưới lớn nhận kín khách nên nhiều bạn trẻ phải tổ chức vào buổi trưa thay vì buổi tối và ở các nhà hàng nhỏ lẻ.
Ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT Capella Holdings (đơn vị sở hữu chuỗi nhà hàng tiệc cưới, trung tâm hội nghị cao cấp tại TPHCM) cho biết, hiện nay dịch vụ tổ chức tiệc cưới của hệ thống bắt đầu hồi phục. Trong đó có cả tiệc cưới của những bạn trẻ đăng ký trước đây nhưng chưa có điều kiện tổ chức, giờ họ quay lại làm. Tuy nhiên, theo ông Trí, phải rơi vào quý 3, quý 4/2023 ngành tiệc cưới quay trở lại “phong độ” ổn định như trước dịch.
Theo ông Trí, xu hướng đặt tiệc cưới hiện tại đã có nhiều thay đổi so với trước dịch. “Trước đây có nhiều khách đặt tiệc với số lượng người tham dự rất lớn, còn hiện nay khách hàng quay trở lại với khối lượng và quy mô nhỏ hơn vì người dân vẫn có tâm lý ngại tham gia những sự kiện đông người”, ông Trí nói. Cũng theo ông Trí, trước đây, khách hàng đặt tiệc trước khá lâu, từ 6 tháng đến 1 năm, nhưng sau dịch, xu thế chung là rút ngắn lại. “Dù gì thì nguy cơ dịch bệnh quay lại vẫn có nên mọi người cũng phải tính đến kế hoạch ngắn hạn để dễ quản lý”, ông Trí cho hay. Cùng với đó, khách hàng sử dụng các dịch vụ, thực đơn bàn tiệc cũng khác, chú trọng đến sức khỏe và mức độ an toàn nhiều hơn. “Xu thế này đã buộc chúng tôi phải lưu ý đến việc đào tạo, huấn luyện lại đội ngũ, củng cố sản phẩm, cơ sở vật chất… nhằm thích ứng với hành vi tiêu dùng mới”, ông Trí nói.
Tiền phong