MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm bất lợi lớn của bà Harris

05-11-2024 - 23:03 PM | Tài chính quốc tế

Trong khoảng 6 tháng của năm 2021, khi vắc xin giúp mở cửa nền kinh tế trở lại sau đại dịch COVID-19 và các khoản phúc lợi được gửi vào tài khoản ngân hàng của các hộ gia đình, chính quyền của Tổng thống Joe Biden nhận được mức ủng hộ lên đến 50%.

Điểm bất lợi lớn của bà Harris- Ảnh 1.

Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris. (Ảnh: Reuters)

Tỷ lệ này sau đó giảm xuống còn khoảng 40%, đi kèm với tác động đáng sợ của lạm phát cao, dù tốc độ tăng giá đã giảm, tiền lương và nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp.

Dù nền kinh tế có vẻ tốt ở hầu hết các chỉ số chính, nhưng lạm phát đạt đỉnh ở mức 9% cách đây hơn 2 năm là trở ngại khiến Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ khó có thể vượt qua, trong khi trở thành công cụ vận động hiệu quả cho đối thủ Donald Trump của đảng Cộng hòa, dù lạm phát đến nay đã giảm xuống còn 2,4%.

"Lạm phát vẫn là một vấn đề lớn”, Justin McCarthy, người phát ngôn của Gallup – hãng thăm dò thực hiện các cuộc thăm dò dư luận hằng tháng - cho biết.

Khoảng 15% người Mỹ coi lạm phát cao là vấn đề nghiêm trọng trong các cuộc thăm dò gần đây, cao gấp đôi tỷ lệ thường thấy trong các cuộc bầu cử trong quá khứ và là một phần trong mối bận tâm rộng hơn của người Mỹ về nền kinh tế mà 40% người trả lời nêu ra.

Đây là lĩnh vực mà ông Trump có lợi thế trong các cuộc thăm dò, dù bà Harris cam kết sẽ giải quyết những vấn đề như chi phí nhà ở cao và tăng giá quá mức.

Bài học quá khứ

Cuộc thăm dò gần đây do Reuters/Ipsos thực hiện cho thấy 68% người được hỏi ở 7 bang chiến trường cho biết chi phí sinh hoạt "đang đi sai hướng" và 61% nói như vậy về nền kinh tế nói chung. Một nửa cho rằng ông Trump có "kế hoạch, chính sách hoặc cách tiếp cận tốt hơn" để quản lý nền kinh tế, trong khi 37% nói như vậy về bà Harris. Về xử lý lạm phát, ông Trump được 47% ủng hộ, còn bà Harris nhận được 34%.

Chính quyền Biden và nhóm vận động của bà Harris đã sớm nhận ra vấn đề mà lạm phát gây ra.

Điểm bất lợi lớn của bà Harris- Ảnh 2.

Biểu đồ lạm phát (đường màu nâu), thất nghiệp (tím) và lương trung bình (xanh) của Mỹ từ tháng 1/2021- 1/2024. (Nguồn: Reuters)

Tổng thống Biden đặt tên cho một trong những đạo luật mang tính biểu tượng của ông là "Đạo luật giảm lạm phát", dù phần lớn trong số đó tập trung vào trợ cấp cho xe điện và năng lượng sạch. Khi giá thuê nhà và giá nhà tăng trở thành vấn đề cấp bách, chính quyền đưa ra các đề xuất bao gồm giới hạn mức tăng tiền thuê nhà, ưu đãi thuế cho xây dựng nhà ở giá rẻ và hỗ trợ trả trước cho người mua nhà lần đầu.

Cả 2 nhóm tranh cử đều đưa ra giải pháp, nhưng trách nhiệm trước hết và quan trọng nhất trong xử lý lạm phát thuộc về Cục Dự trữ Liên bang (Fed), thông qua việc quản lý lãi suất và điều kiện tín dụng.

Năm 1991, Tổng thống Richard Nixon của đảng Cộng hòa khi đó đã thử cách làm trực tiếp là dừng tăng lương và giá trong 90 ngày và thành lập một hội đồng chính phủ để phê duyệt sau đó.

Cách làm này giúp giảm lạm phát từ 4,3% xuống dưới 4% vào mùa hè năm 1972, khi ông Nixon vận động tái tranh cử. Tuy nhiên, lạm phát tăng vọt vào mùa thu năm đó, khi các biện pháp kiểm soát được nới lỏng. Sau lệnh cấm vận của các nước xuất khẩu dầu mỏ năm 1973, lạm phát vượt 12% vào cuối năm 1974.

Khi lạm phát tăng mạnh trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Jimmy Carter của đảng Dân chủ đã có bài phát biểu quan trọng vào năm 1978 để công bố kế hoạch hạn chế chi tiêu của chính phủ và kêu gọi doanh nghiệp giảm lương và giá.

Vào giữa thời điểm ông thua trong cuộc tái tranh cử trước ứng cử viên Cộng hòa Ronald Reagan, giá đang tăng ở mức hơn 14% mỗi năm.

Sau hai cuộc suy thoái, Fed kiểm soát chặt chẽ hơn, giúp lạm phát ổn định ở mức gần 2% mà ngân hàng trung ương Mỹ cuối cùng đã dùng làm mục tiêu chính thức và duy trì cho đến khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Các nhà kinh tế tranh cãi về lý do chính xác khiến lạm phát tăng vọt từ năm 2021 và liệu có thể ngăn chặn điều đó hay không.

Nhìn chung, họ đồng ý rằng tình trạng này là hệ quả của nhiều yếu tố. Khi đại dịch hạn chế chi tiêu của người dân, nó cũng gây ra tình trạng tồn đọng lớn trong sản xuất và giao hàng. Nhu cầu tăng đột ngột khi chính phủ liên bang dùng gói kích thích khoảng 5 nghìn tỷ USD.

Gói hỗ trợ cho đại dịch bắt đầu từ chính quyền Trump, sau đó Tổng thống Biden bổ sung thêm, khiến các nhà kinh tế cảm thấy có thể đã thúc đẩy nhu cầu vượt quá mức cần thiết.

Lạm phát tăng vọt vào năm 2021, trong khi Fed không tăng lãi suất cho đến tháng 3/2022.

Theo Reuters

Theo Tú Linh

Tiền Phong

Trở lên trên