MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm chuẩn các ngành khối A - A1 - C sẽ giảm, khối B - D tăng cao

22-07-2023 - 12:05 PM | Sống

Điểm chuẩn các ngành khối A - A1 - C sẽ giảm, khối B - D tăng cao

Các chuyên gia tuyển sinh đều dự báo điểm chuẩn vào các ngành khối A, A1, C năm nay sẽ giảm từ 0,25 đến 1,5 điểm và các ngành khối B, D sẽ tăng khoảng 1 điểm.

Điểm chuẩn khối A, A1, C sẽ giảm

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự báo, một số ngành khối A, A1, C sẽ giảm từ 0,5 đến 1 điểm.

Ông cũng phân tích, phổ điểm năm nay làm rõ sự biến động trong điểm thi giữa năm 2023 và 2022. Cụ thể, số lượng bài môn Toán đạt điểm 8 trở lên nếu như năm ngoái chiếm tỷ lệ 21% thì năm nay có sự điều chỉnh, phân hóa tốt hơn, chỉ chiếm hơn 15%.

Với môn Vật lý, năm ngoái tỷ lệ thí sinh đạt điểm 8 trở lên là 22,74 %. Năm nay theo số liệu thống kê là 21,3%. Như vậy, về cơ bản, phổ điểm môn Vật lý có sự phân hóa và thấp hơn so với năm ngoái, điểm giỏi cũng thấp hơn so với năm ngoái một chút.

Điểm chuẩn các ngành khối A - A1 - C sẽ giảm, khối B - D tăng cao - Ảnh 1.

Điểm chuẩn các ngành khối A - A1 - C sẽ giảm, khối B - D tăng cao - Ảnh 2.

Phổ điểm khối A (trái) và A1 (phải) năm 2023 thấp hơn 2022.

Đặc biệt với môn Hóa học, tỷ lệ điểm giỏi của năm ngoái là 27,8%, năm nay chỉ 22,6%.

Với tổ hợp A00, cả nước có 22 thí sinh đạt từ 29 điểm trở lên (năm ngoái 47 em); 1.090 em đạt từ 27 điểm trở lên so với mức năm ngoái là 1.988 em, giảm gần 2 lần. Đỉnh của tổ hợp A00 năm nay rơi vào ngưỡng 21,5 điểm, thấp hơn 1 điểm so với năm trước - đỉnh 22,5.

Với môn Lịch sử, năm nay đề thi điều chỉnh phù hợp. Năm ngoái, tỷ lệ điểm giỏi, điểm 8 trở lên của môn Lịch sử là 18%, năm nay còn 13%. Điều này cho thấy, đề thi phù hợp với trình độ của thí sinh cũng như chương trình THPT. Năm 2021, tỷ lệ điểm 8 trở lên chỉ đạt 5,43 %.

Riêng môn Ngữ văn, nếu theo tỷ lệ thống kê điểm giỏi năm ngoái là 42% (tính từ điểm 7 trở lên) thì năm nay là 46%.

Với môn tiếng Anh, năm 2021 tỷ lệ điểm giỏi gần 20%, năm 2022 là 11,9% và năm nay chiếm 15,03%. Điều này cho thấy đề thi đã sự điều chỉnh rất phù hợp và về cơ bản giữ được sự ổn định.

Về môn Giáo dục công dân, theo thống kê, năm ngoái số điểm giỏi chiếm 61,85 %, còn năm nay chiếm 61%.

Như vậy, dù nhiều điểm 10 hơn năm ngoái nhưng thực tế thí sinh đạt điểm 8 trở lên môn Giáo dục công dân lại thấp hơn năm ngoái và cơ bản ổn định ở mức 61%.

Nhìn chung, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay có sự phân hóa rất tốt. Như môn Sinh học, môn Toán, môn Hóa học, môn Lịch sử phân hóa rõ rệt so với năm ngoái. Thí sinh thận trọng khi đăng ký nguyện vọng.

Điểm chuẩn các ngành khối A - A1 - C sẽ giảm, khối B - D tăng cao - Ảnh 3.

Phổ điểm khối C năm nay thấp hơn năm ngoái.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, đề thi năm nay được nhiều thí sinh đánh giá có độ phân hóa cao. Đây là tín hiệu tốt, cho thấy đề thi đang từng bước được chuẩn hóa.

Mức điểm chuẩn khối A và A1 năm nay giảm so với năm ngoái trong khoảng 0,25 - 1 điểm, tùy mã ngành.

Với Đại học Kinh tế Quốc dân, các ngành "hot" như Marketing, Kinh doanh quốc tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, năm 2022 điểm chuẩn trên 28, năm nay khó tăng cao hơn. Thí sinh có thể tham khảo điểm chuẩn năm 2022 để lấy làm căn cứ điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp.

Điểm chuẩn khối B, D sẽ tăng

Thầy Đỗ Ngọc Hà, giáo viên dạy Vật lý ở Hà Nội cho biết, dựa vào đồ thị so sánh phổ điểm khối D01, B00 năm 2023 so với năm 2022, có thể thấy, phổ điểm 2 khối này đều tăng.

Cụ thể, với khối D01, phổ điểm năm 2023 cao hơn so với năm 2022. Nếu ngành năm 2022 có mức điểm chuẩn trên 26 điểm, năm nay có thể giữ nguyên hoặc tăng nhẹ. Nếu ngành năm 2022 có mức điểm chuẩn dưới 26, năm nay có thể tăng 0,25 - 0,75 điểm.

Khối B00, phổ điểm năm 2023 cũng cao hơn so với năm 2022. Nếu ngành năm 2022 có mức điểm chuẩn trên 26, năm nay có thể giữ nguyên hoặc tăng nhẹ. Nếu ngành năm 2022 có mức điểm chuẩn dưới 26, năm nay có thể tăng 0,25 - 0,75 điểm.

Điểm chuẩn các ngành khối A - A1 - C sẽ giảm, khối B - D tăng cao - Ảnh 4.

Điểm chuẩn các ngành khối A - A1 - C sẽ giảm, khối B - D tăng cao - Ảnh 5.

Phổ điểm khối B (trái) và khối D (phải) năm nay đều cao hơn năm ngoái.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng nhận định điểm chuẩn các trường khối B, đặc biệt là ngành Y Dược sẽ tăng trong khoảng 0,5 đến 1,5 điểm.

So sánh mức điểm từ 25 điểm trở lên ở khối B giữa năm 2023 và 2022:

Mức điểm Năm 2023 Năm 2022
29,5 9 0
29 23 13
28,5 94 68
28 283 192
27,5 673 521
27 1.434 1.181
26,5 2.720 2.415
25 13.353 11.082

So sánh mức điểm từ 25 điểm trở lên ở khối B, có thể thấy số thí sinh đạt mức điểm cao năm nay nhiều hơn  năm ngoái. Đây là căn cứ để dự báo điểm chuẩn các trường khối ngành Y Dược, các trường tuyển sinh khối B năm nay sẽ tăng so với năm ngoái từ 0,25 điểm đến 1 điểm.

Điểm chuẩn khó lường, thí sinh cần làm gì?

Ông Bùi Đức Triệu, Đại học Kinh tế quốc dân lưu ý thí sinh nên dựa trên số điểm đã đạt được để chọn theo "ba cấp".

Cấp thứ nhất, các ngành có dự kiến điểm chuẩn cao hơn số điểm mình đạt được (phòng khi điểm chuẩn các ngành đó giảm).

Cấp thứ hai, nhóm các ngành có mức điểm chuẩn ngang bằng với số điểm mình đạt được. Cấp cuối cùng là những ngành có mức điểm chuẩn thấp hơn khả năng của mình.

"Không đến mức 100 nhưng mỗi nhóm, thí sinh nên đăng ký 2-3 nguyện vọng. Sau đó, thí sinh nên sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Với cách đăng ký như vậy, khả năng trúng tuyển vào trường của thí sinh gần như tuyệt đối", ông Triệu nói.

Điểm chuẩn các ngành khối A - A1 - C sẽ giảm, khối B - D tăng cao - Ảnh 6.

Điểm chuẩn các ngành khối A - A1 - C sẽ giảm, B - D tăng cao.

Theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, kinh nghiệm các năm trước cho thấy, thí sinh không có chiến thuật tốt trong sắp xếp nguyện vọng có thể bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển vào các ngôi trường yêu thích, thậm chí không thể trúng tuyển đại học vì những sai lầm không đáng có.

Ông nhận định, năm nay nhờ hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT, thí sinh sẽ không bị nhầm lẫn trong việc lựa chọn các phương thức khác nhau cũng như các tổ hợp. Các em chỉ cần chọn ngành, trường mà mình mong muốn. Điều này giúp thí sinh giảm sai sót trong quá trình xét tuyển.

Các em cần chọn đầy đủ các dữ liệu (như học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực…) rồi đánh đúng, tích đủ. Khi đó, hệ thống sẽ đảm bảo xét tuyển cho thí sinh bất kỳ phương thức nào vì đã có đủ dữ liệu.

Những thí sinh đã trúng tuyển có điều kiện theo phương thức xét tuyển sớm nếu thực sự yêu thích ngành đó, trường đó thì hãy đặt lên nguyện vọng 1. Nếu không, thí sinh hoàn toàn có thể đặt nguyện vọng này xuống phía dưới và đặt những lựa chọn yêu thích hơn lên trên.

Tuy nhiên, cần nhớ lựa chọn tích các nguyện vọng đã trúng tuyển có điều kiện vào danh sách đăng ký nguyện vọng của mình và sắp xếp theo thứ tự từ yêu thích nhất xuống dần.

Phổ điểm năm nay không biến động quá nhiều so với năm 2022. Các trường có nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, điểm thi tốt nghiệp THPT là một trong những phương thức đó.

Tùy theo đề án tuyển sinh của mỗi trường, lượng chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ chiếm trọng số khác nhau.

Như vậy, nếu chúng ta căn cứ quá nhiều vào phổ điểm, nhưng số lượng chỉ tiêu bằng điểm thi tốt nghiệp THPT khác nhau giữa các trường, ngành thì chưa chắc phổ điểm đã ảnh hưởng lớn tới điểm chuẩn.

"Điểm chuẩn năm nay sẽ có sự thay đổi, nhưng quan trọng là thí sinh cần nắm vững thông tin về các trường, ngành mình dự định xét tuyển; điểm chuẩn của những năm gần đây để làm cơ sở xem xét", ông khuyên thí sinh.

Theo Hà Cường/VTC

VTC

Trở lên trên