MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm đặc biệt trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo

Chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa hai bên và khẳng định tiềm năng phát triển quan hệ ngoại giao và kinh tế của hai nước.

Các chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ trong năm 2020

Đầu tháng 10, Ngoại trưởng Pompeo đã có chuyến thăm Nhật Bản, dự hội nghị cùng ngoại trưởng các quốc gia trong nhóm "Bộ tứ kim cương" (Nhóm QUAD) gồm Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ. Chuyến đi vừa khẳng định quan hệ đồng minh chiến lược quan trọng với Nhật Bản, cũng như nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với khu vực. Từ ngày 25-30/10, Ngoại trưởng Mỹ đã có chuyến công du 4 quốc gia khu vực châu Á theo lịch trình Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo.

Mục đích chính của chuyến đi là thúc đẩy đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở cửa. Tại New Delhi, ông Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã cùng các đồng cấp Ấn Độ tham gia cuộc đối thoại chiến lược 2+2 thường niên lần thứ ba. Ông Pompeo cũng có cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Chuyến thăm "bất ngờ" tại Việt Nam

Song, chiều ngày 29/10, Bộ Ngoại giao đã thông báo Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Richard Pompeo sẽ đến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 29-30/10/2020. Chuyến đi lần này của ông Pompeo nhằm đánh dấu kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ.

Đáng chú ý, trước đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chưa cập nhật lịch trình của ông Pompeo sang Việt Nam trong chuyến công du của mình.

Một điều đặc biệt hơn nữa đó là, từ cuối năm 2019, Ngoại trưởng Pompeo đã có bài phát biểu bày tỏ sự vui mừng rằng năm 2020 sẽ là kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. "Năm 2020 sẽ là bước ngoặt đánh dấu ¼ thế kỷ kể từ khi Hoa Kỳ và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là một bước tiến mang tính lịch sử", ông khẳng định.

Ngoại trưởng Pompeo chia sẻ: "Trong thời gian vừa qua, hai bên đã xây dựng tình hữu nghị dựa trên lợi ích chung, sự tôn trọng lẫn nhau và quyết tâm táo bạo để vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai".

Đến tháng 7/2020, Ngoại trưởng Michael Pompeo lại một lần nữa tuyên bố chúc mừng kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam.

Ngoài ra, ông cũng chúc mừng Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020: "Chúng tôi chúc mừng Việt Nam đã đảm nhận xuất sắc vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trong năm nay, và rất vui mừng thông báo Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận đưa tình nguyện viên của Đoàn Hòa bình đến Việt Nam".

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng cũng đánh giá cao công cuộc ứng phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi nền kinh tế giai đoạn hậu đại dịch của Việt Nam.

Ấn tượng hơn nữa, sau 25 năm Việt Nam – Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng trưởng gấp hàng trăm lần. Thậm chí ngay cả trong giai đoạn đại dịch, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Bên cạnh đó, vào ngày 28/10 tại Hà Nội cũng đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPBF). Diễn đàn là sáng kiến của phía Hoa Kỳ, nhằm tạo nền tảng đối thoại chính sách và kết nối thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tại diễn đàn IPBF, 7 thỏa thuận hợp tác/biên bản ghi nhớ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã được ký kết với trị giá lên tới hàng tỷ USD, bao gồm các lĩnh vực hợp tác về năng lượng, truyền tải điện và chế biến, nhập khẩu thịt lợn.

Việc "đột ngột" sang thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Pompeo ngay sau khi diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng với mục đích kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa hai bên và khẳng định tiềm năng phát triển quan hệ ngoại giao và kinh tế của hai nước.

Q.L

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên