MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm đặc biệt trong số liệu xuất nhập khẩu nông sản và bài học đối phó với sự kiện "thiên nga đen" như Covid-19

Trong 2 tháng đầu năm, gạo xuất khẩu đạt 890.000 tấn (tăng 27%), giá trị xuất khẩu đạt 410 triệu USD (tăng 32,6%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ NN&PTNT cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu trong hai tháng đã qua đã giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 5,34 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu ước khoảng 4,3 tỷ USD, giảm 6,7%. Mặc dù vậy, trong 2 tháng qua, nông sản vẫn xuất siêu 1,02 tỷ USD (tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước).

Trong đó, đáng chú ý nhất là trường hợp của gạo khi hầu hết các mặt hàng nông sản bị giảm như hạt điều giảm 17,4% (đạt 84 triệu USD); cao su giảm 16,1% (đạt 256 triệu USD), rau quả giảm 11,9% (đạt 513 triệu USD)… thì gạo đã tăng mạnh cả về lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, gạo xuất khẩu đạt 890.000 tấn (tăng 27%), giá trị xuất khẩu đạt 410 triệu USD (tăng 32,6%).

Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, gạo là một trường hợp rất hay khi nói về tái cơ cấu ngành hàng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Chỉ cách đây khoảng 5 năm, 50% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam được xuất sang thị trường Trung Quốc.

Song khi Trung Quốc thay đổi cơ chế nhập khẩu, các doanh nghiệp đã nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. "Quá trình này được thực hiện với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, và các hoạt động hỗ trợ về chính sách và xúc tiến thương mại của Nhà nước", ông nói.

Năm 2019, tổng sản lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc giảm xuống còn khoảng 8% tổng sản lượng gạo xuất khẩu. Cũng trong năm này, thị trường ghi nhận Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Bên cạnh đó, các thị trường nhập khẩu mạnh gạo của Việt Nam là Senegal (gấp 9,86 lần), Bờ Biển Ngà (tăng 78,6%), Đài Loan (tăng 31%), Hong Kong (tăng 28,3%) và Tanzania (tăng 26,6%).

Do đó, khi dịch Covid-19 xảy ra, ngành gạo là một trong những nhóm hàng nông sản hiếm hoi ít bị ảnh hưởng. 

Theo ông Bình, để phát triển thị trường bền vững, các doanh nghiệp cần tạo ra chuỗi giá trị, trong đó, các doanh nghiệp lớn phải có mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ sản xuất… "Để tiến cao hơn trong toàn bộ chuỗi giá trị cần phải sự chuyển đổi của tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị", ông nói.

Theo đó, sự chuyển đổi của ngành gạo không thể chỉ là nhờ các doanh nghiệp lớn, mà là nhờ sự chuyển đổi của hàng chục ngàn DNNVV, cơ sở kinh doanh trong chuỗi, của hàng triệu nông dân đang tham gia quá trình sản xuất gạo. Điều này cũng tương tự như đối với ngành du lịch, dệt may, da giày, thủy sản…hay bất kỳ một ngành nào khác.

"Ngành gạo đã làm được và tôi tin là các ngành khác cũng sẽ làm được", ông nhận định.

Điểm đặc biệt trong số liệu xuất nhập khẩu nông sản và bài học đối phó với sự kiện thiên nga đen như Covid-19 - Ảnh 1.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên