Điểm danh những địa phương đóng góp và nhận trợ cấp ngân sách trung ương nhiều nhất cả nước
Năm 2021, ngân sách trung ương chi bổ sung cho Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Hà Giang, Bắc Giang lần lượt là 14.879 tỷ đồng, 9.970 tỷ đồng, 7.644 tỷ đồng, 7.205 tỷ đồng và 6.536 tỷ đồng.
- 24-03-2022Đại diện TMX: Tình trạng cung không đủ cầu trên thị trường vận tải biển dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng
- 24-03-2022Đề xuất phân công một Bộ làm đầu mối quản lý, giám sát, định hướng và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước
- 24-03-2022Cách nào để tăng trưởng kinh tế 6-6,5%?
Miền núi phía Bắc là khu vực nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương lớn nhất. Trong đó, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Hà Giang và Bắc Giang nằm trong top 5 địa phương nhận trợ cấp lớn nhất từ ngân sách nhà nước.
Cụ thể, năm 2021, ngân sách trung ương chi bổ sung cho Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Hà Giang, Bắc Giang lần lượt là 14.879 tỷ đồng, 9.970 tỷ đồng, 7.644 tỷ đồng, 7.205 tỷ đồng và 6.536 tỷ đồng. Trong nhiều năm nay, Thanh Hóa và Nghệ An luôn là các địa phương nhận được trợ cấp từ ngân sách nhà nước nhiều nhất.
Các tỉnh, thành nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương nhiều nhất năm 2021. Nguồn: Số liệu NSNN năm 2021 của Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, rất nhiều tỉnh, thành đã đóng góp lớn vào ngân sách trung ương. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có thu ngân sách cũng như đóng góp vào ngân sách quốc gia nhiều nhất, sau đó đến Hà Nội.
Top tỉnh, thành có tổng thu ngân sách trên địa bàn nhiều nhất năm 2021. Nguồn: Số liệu NSNN năm 2021 của Bộ Tài chính.
Năm 2021, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương là những tỉnh, thành có tổng thu ngân sách trên địa bàn cao nhất cả nước. Trong đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn của TP. Hồ Chí Minh đạt 364.893 tỷ đồng, Hà Nội đạt 325.521 tỷ đồng, Hải Phòng đạt 75.789 tỷ đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 65.905 tỷ đồng và Bình Dương đạt 58.576 tỷ đồng.
Xét về đóng góp vào ngân sách trung ương, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội trong nhiều năm qua vẫn là địa phương đóng góp nhiều nhất.
Top tỉnh, thành có đóng góp vào ngân sách trung ương nhiều nhất năm 2021. Nguồn: Số liệu NSNN năm 2021 của Bộ Tài chính.
Trên thực tế, trong năm 2021, tỷ lệ giữ lại ngân sách địa phương đối với nguồn thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương của TP. Hồ Chí Minh là thấp nhất, tiếp sau là Bình Dương, Hà Nội. Hiện nay, cả nước có 16 tỉnh thành có điều tiết ngân sách về trung ương, còn các tỉnh còn lại được giữ lại 100% ngân sách thu được.
Tỷ lệ điều tiết nguồn thu về ngân sách trung ương của các tỉnh, thành năm 2021. Nguồn: Số liệu NSNN năm 2021 của Bộ Tài chính.
TP. Hồ Chí Minh chuyển 82% trong tổng các khoản thu phân chia về cho ngân sách trung ương, tức chỉ được giữ lại 18%. Còn Hà Nội, thành phố chuyển 65% trong tổng các khoản thu phân chia về cho ngân sách trung ương. Cùng với đó, tỷ lệ ngân sách chuyển cho ngân sách trung ương của Bình Dương và Đồng Nai lần lượt là 64% và 53%.
Tuy nhiên, sang năm 2022, tỷ lệ ngân sách để lại cho TP. Hồ Chí Minh được điều chỉnh từ 18% lên 21% (tăng thêm 3%), còn Hà Nội được điều chỉnh giảm từ 35% xuống còn 32%.