Điểm danh những doanh nghiệp đã, đang và sẽ tăng vốn “khủng” năm 2017
Hàng loạt doanh nghiệp có kế hoạch tăng vốn "khủng" trong năm 2017, thậm chí nhiều kế hoạch cũng rất lạ.
Năm 2017 mới trải qua 1/3 chặng đường nhưng đã chứng kiến khá nhiều kế hoạch tăng vốn táo bạo của nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, đầu năm đến nay rất nhiều thông tin về những doanh nghiệp đã, đang và sẽ có kế hoạch tăng vốn “khủng”.
Thế Giới Di Động phát hành cổ phiếu thưởng tăng vốn gấp đôi
Mới đây nhất, Thế Giới Di Động (MWG) đã thống nhất thông qua phương án phát hành cổ phiếu thưởng từ lợi nhuận giữ lại theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016. Cụ thể, Thế Giới Di Động dự kiến phát hành gần 154 triệu cổ phiếu thưởng. Tỷ lệ phát hành 1:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới). Dự kiến sau phát hành, Thế Giới Di Động sẽ tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, đạt hơn 3.077 tỷ đồng.
Việc phát hành cổ phiếu thưởng tăng vốn gấp đôi đã được thông qua tại ĐHCĐ thường niên năm 2017 của công ty tổ chức cuối tháng 3 vừa qua.
Diễn biến giá cổ phiếu MWG trong 6 tháng gần đây.
Bên cạnh kế hoạch tăng vốn khủng, cổ đông của Thế Giới Di Động cũng phần nào yên tâm hơn khi ban lãnh đạo công ty điều chỉnh giảm thưởng của các “sếp” bằng cách giảm tỷ lệ phát hành cổ phiếu ESOP nếu giá trung bình của cổ phiếu MWG trong năm 2017 so với năm 2016 không tăng cao hơn 10% so với mức tăng/giảm của VN-Index năm 2017 so với năm 2016.
Lần gần đây nhất Thế Giới Di Động tăng vốn điều lệ là đầu năm 2017 khi công ty phát hành hơn 7 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động. Hiện vốn hóa thị trường của Thế Giới Di Động khoảng 25.200 tỷ đồng.
Nhựa Bình Minh phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 80%
Nhựa Bình Minh (BMP) cũng vừa thông qua kế hoạch phát hành 36,4 triệu cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ phát hành 80%. Dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ công ty tăng lên gần 820 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu BMP hiện giao dịch quanh mốc 190.000 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường của công ty đạt hơn 8.500 tỷ đồng. Cổ phiếu BMP từng đạt đỉnh ở mức giá 209.000 đồng/cổ phiếu sau đó giảm mạnh nhiều phiên gần đây.
"Hiện tượng" Apax Holdings tăng vốn điều lệ lên 120%
Một doanh nghiệp “non trẻ” mới đăng ký giao dịch trên UpCOM từ cuối tháng 10/2016 vừa qua với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.000 đồng/cổ phiếu, Apax Holdings (IBC) đã gây bất ngờ khi cùng lúc tăng vốn khủng, và giá cổ phiếu cũng tăng chóng mặt theo.
Diễn biến giá cổ phiếu IBC từ khi lên sàn.
Lên sàn với 6,3 triệu cổ phiếu ban đầu, giao dịch cầm chừng trong cả tháng tiếp đó, nhưng kể từ tháng 12/2016, cổ phiếu này bắt đầu dậy sóng, tăng gấp 4 lần lên vùng giá 40.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí có lúc đã lên đến giá 51.900 đồng/cổ phiếu rồi bắt đầu giảm mạnh 15 phiên liên tiếp về dưới 42.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay. Thời điểm cổ phiếu IBC bắt đầu tăng giá cũng là thời điểm công ty phát hành riêng lẻ thành công 25 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược tăng vốn điều lệ lên gấp 5 lần.
Mới đây, Apax Holdings đã thông qua phương án phát hành 30 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:0,96 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu; đồng thời phát hành 7,5 triệu cổ phiếu đấu giá công khai ra công chúng với giá khởi điểm 20.000 đồng/cổ phiếu.
Nếu các phương án tăng vốn này thực hiện thành công, Apax Holdings sẽ tăng vốn điều lệ lên 688 tỷ đồng, tương ứng mức tăng vốn 120%.
Hàng loạt doanh nghiệp lớn cùng chung ý tưởng tăng vốn lớn
Cảng Hải An (HAH) đã có thông báo ngày 16/5 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông phát hành 11,31 triệu trả cổ tức năm 2016 cho cổ đông tỷ lệ 50%.
Còn CTCP Thuốc khử trùng Việt Nam (VFG) cũng vừa thông qua phương án phát hành 5,48 triệu cổ phiếu chia thưởng cho cổ đông từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 30%. Dự kiến sau phát hành tăng vốn điều lệ lên gần 238 tỷ đồng. Hiện trên thị trường, cổ phiếu VFG đang giao dịch quanh vùng giá 74.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu thưởng công ty dự kiến phát hành có giá trị hơn 400 tỷ đồng.
Tập đoàn LDG đã thông qua phương án và lộ trình tăng vốn điều lệ từ 885 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng, tương ứng mức tăng gần 81% để tương xứng với quy mô và lộ trình phát triển của công ty.
Khoáng sản Dương Hiếu (DHM) cũng lên kế hoạch phát hành 12,5 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 49,7%. Giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, gần gấp đôi thị giá hiện tại của cổ phiếu này.
Cũng trình ĐHCĐ thông qua phương án phát hành riêng lẻ 20 triệu tăng vốn điều lệ thêm 27%, nhưng ThanglongInvest (TIG) lại lý giải thêm, là việc có phát hành được hay không còn phụ thuộc nhà đầu tư.
Nguyên nhân hiện cổ phiếu TIG của công ty đang giao dịch dưới giá 4.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn rất nhiều so với giá phát hành, do vậy, ban lãnh đạo công ty cũng xác định khả năng việc phát hành thành công còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Hàng loạt ngân hàng có ý định tăng vốn "khủng" trong năm 2017
Trong ngành ngân hàng, năm 2017 cũng có hàng loạt ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ. HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) trình cổ đông phê duyệt tăng vốn điều lệ lên 11.259 tỷ đồng tương ứng tăng gần 20% trong năm 2017, thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% cho cổ đông hiện hữu với số lượng tối đa là gần 98,6 triệu cổ phiếu.
Tương tự, tại VPBank (VPB), lãnh đạo ngân hàng này cũng trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 14.000 tỷ đồng. Kế hoạch cụ thể, VPBank sẽ thực hiện 2 đợt phát hành tăng vốn điều lệ, trong đó đợt 1 phát hành gần 329,4 triệu cổ phiếu và đợt thứ 2 sẽ phát hành riêng lẻ tối đa 133,2 triệu cổ phiếu (10% cổ phần phổ thông).
Bên cạnh đó Techcombank (TCB) cũng đặt mục tiêu tăng vốn thêm 5.000 tỷ đồng, lên xấp xỉ 14.000 tỷ đồng trong năm nay thông qua chào bán 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Ngân hàng Quân Đội (MBB –MB) lộ kế hoạch muốn tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng, trong đó đợt 1 tăng 856 tỷ đồng từ việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 5%, và đợt 2 dự kiến phát hành 17,1 triệu cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên công ty.
Chứng khoán SJC tăng vốn từ 53 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng
Những kế hoạch tăng vốn trên cũng không được xem là “khủng” như chứng khoán SJC. Ngày 7/4 vừa qua Chứng khoán SJC đã tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên năm 2017 với kế hoạch tăng vốn khác lạ. Ngay cả kế hoạch kinh doanh năm 2017 của công ty cũng được gắn liền với việc tăng vốn. Cụ thể, nếu không tăng vốn từ 53 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng, công ty dự kiến doanh thu thuần đạt 10 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1,02 tỷ đồng và cổ tức 0%. Nếu tăng vốn thành công lên 300 tỷ đồng, công ty dự kiến doanh thu đạt 22 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 12,08 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, về kế hoạch tăng vốn, ĐHCĐ của SJCS đã thông qua việc tăng vốn điều lệ “khủng” từ 53 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng, chia làm 2 đợt, đợt 1 từ 53 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng và đợt 2 từ 300 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng.
VNG đã hoàn tất tăng vốn từ 130 tỷ đồng lên 752 tỷ đồng
Du lịch Thành Công (VNG) vừa hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ 130 tỷ đồng lên 752 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 5,8 lần ban đầu từ việc chào bán ưu đãi cho cổ đông. Tuy nhiên, với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu, hầu như không có nhiều ưu đãi cho cổ đông khi thị giá cổ phiếu VNG của công ty thời điểm đó cũng không cao hơn nhiều so với mệnh giá.
Diễn biến giá cổ phiếu VNG trong 6 tháng gần đây.
Hàng loạt doanh nghiệp đang và sẽ tiết lộ thêm kế hoạch tăng vốn lớn trong năm 2017 này mở ra kỳ vọng một năm làm ăn tốt đối với nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tăng vốn nóng cũng có rất nhiều bất cập nếu doanh nghiệp không xử lý tốt phần vốn tăng thêm.
Mới đây, SCIC đã chủ trương rút lại 1.000 tỷ đồng vốn góp vào Gang Thép Thái Nguyên bằng cách giảm vốn điều lệ tại doanh nghiệp này. Đáng chú ý, hơn 1 năm trước Tisco phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu cho SCIC thu về 1.000 tỷ đồng để đầu tư cho giai đoạn 2 Dự án Nhà máy của công ty. Tuy nhiên, đến nay Tisco vẫn mang số tiền 1.000 tỷ đồng đó đi gửi có kỳ hạn tại ngân hàng.
Trí Thức Trẻ