Điểm danh những NHTW mua nhiều vàng nhất trong 1 năm qua: Vì sao các nước đổ xô đi mua vàng?
Theo WGC, PBoC là NHTW mua nhiều vàng nhất trong năm ngoái với khối lượng hơn 225 tấn - khiến 2023 trở thành năm được báo cáo có mức tăng dự trữ vàng cao nhất của quốc gia này kể từ năm 1977.
- 10-04-2024Có thể kìm cương giá vàng?
- 10-04-2024Giá vàng tăng là dấu hiệu của thời đại?
- 10-04-2024Giá vàng liên tục 'phá đỉnh': Bao giờ Ngân hàng Nhà nước can thiệp?
Theo dữ liệu mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương toàn cầu đã tăng 19 tấn trong tháng 2.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục "thống trị" thị trường vàng khi mua 12,1 tấn trong tháng 2. Tính cả tháng 2, dự trữ vàng của PBoC đã tăng 16 tháng liên tiếp, đưa tỷ lệ vàng trong tổng dự trữ lên khoảng 4%.
Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, Trung Quốc là nước mua nhiều vàng nhất trong năm ngoái với khối lượng hơn 225 tấn - khiến 2023 trở thành năm có mức tăng dự trữ vàng cao nhất kể từ năm 1977.
Ngân hàng Trung Ương Ba Lan cũng đã mua thêm gần 130 tấn vàng trong 12 tháng qua, đưa dự trữ vàng lên gần 359 tấn, chiếm 12,6% dự trữ ngoại hối.
Các quốc gia tiếp theo mua vào lượng lớn vàng trong 12 tháng qua là Libya (30 tấn), Singapore (27 tấn), Ấn Độ (25,9 tấn), Cộng hòa Czech (22,1 tấn), Iraq (12,3 tấn), Qatar (10,7 tấn).
Theo WGC, các ngân hàng trung ương luôn là nhóm mua ròng vàng hàng năm kể từ năm 2010 – tích lũy hơn 7.800 tấn trong thời gian trên, với hơn 1/4 trong số này được mua trong vòng hai năm qua. WGC dẫn số liệu của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, tổng dự trữ vàng của các quốc gia trên thế giới vào cuối tháng 1 đạt hơn 35.976 tấn, chiếm 15,1% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu.
Lý giải việc các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng, WGC cho rằng các nước đã thấy được tầm quan trọng của vàng trong việc ứng phó với khủng hoảng, khả năng lưu trữ giá trị và đa dạng hóa danh mục tài sản.
Ngoài ra, năm 2024, thế giới dường như vẫn phải đối mặt với nhiều bất ổn kinh tế chính trị. Trong bối cảnh đó, gia tăng sở hữu vàng vẫn là chiến lược phù hợp.
WGC nhận định vàng là thành phần quan trọng trong khối dự trữ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, nhờ tính an toàn, thanh khoản cao và có thể sinh lời. Đây là ba mục tiêu đầu tư cơ bản của các ngân hàng trung ương. Vì vậy, các cơ quan này cũng là nhóm nắm giữ vàng lớn của thế giới, chiếm 20% số vàng được khai thác trên toàn cầu đến nay.
Theo Nigel Green, giám đốc điều hành của deVere Group, giá vàng tăng vọt lên mức cao nhất lịch sử đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trên toàn thế giới.
"Nói chung, sự gia tăng này là do căng thẳng địa chính trị và kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ," Green cho biết trong bài bình luận gửi tới khách hàng qua email. Ông nói thêm rằng, xung đột Nga - Ukraine và tại Trung Đông đã góp phần gây ra sự bất ổn trên thị trường toàn cầu, và các nhà đầu tư thường đổ xô vào vàng trong thời kỳ bất ổn địa chính trị - coi đây là "tài sản trú ẩn an toàn", có giá trị ngay cả trong thời kỳ biến động.
"Trong khi đó, việc cắt giảm lãi suất của Fed sẽ làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng và điều đó càng thu hút các nhà đầu tư tham gia vào thị trường", Nigel Green nói.
Ross Norman, giám đốc điều hành tại Công ty cung cấp thông tin thị trường kim loại quý Metals Daily Ltd., cho rằng: "Việc phi đô la hóa được cho là đang diễn ra khi phương Tây gia tăng các lệnh trừng phạt và Mỹ vũ khí hóa đồng đô la cũng như mạng lưới thanh toán toàn cầu của nước này". Đổi lại, nhóm BRICS gồm các nền kinh tế mới nổi – Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – và các nước đang phát triển khác có thể "lo lắng và chuyển dự trữ sang vàng để giảm thiểu rủi ro", ông nói thêm.
Nicholas Colas, đồng sáng lập của DataTrek Research, cho biết trong một báo cáo hôm thứ Năm tuần trước rằng, quan điểm tích cực của công ty ông về vàng xuất phát từ niềm tin các ngân hàng trung ương nước ngoài sẽ là "người mua thường xuyên trong nhiều năm".
Ông nói rằng một lời giải thích hợp lý cho sự tăng vọt gần đây của giá vàng vừa qua có liên quan đến việc các ngân hàng trung ương đẩy mạnh việc mua vàng cho kho dự trữ của mình.
Nicholas Colas giải thích, kể từ khi các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga sau chiến dịch quân sự tại Ukraine năm 2022, "giá trị của việc nắm giữ dự trữ vàng thay vì trái phiếu kho bạc đã trở nên rõ ràng hơn đối với nhiều chính phủ". "Cả hai tài sản đều được định giá bằng đồng USD, có tính thanh khoản cao và được coi là phương tiện lưu trữ giá trị lâu dài."
Tuy nhiên, vàng vật chất "không thể bị tịch thu hoặc bị trừng phạt một khi nó được cất giữ trong kho dự trữ quốc gia", Colas nói.