MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá vàng liên tục 'phá đỉnh': Bao giờ Ngân hàng Nhà nước can thiệp?

10-04-2024 - 07:01 AM | Tài chính - ngân hàng

Chỉ trong ngày 9/4, giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC đều tăng vọt gần 3 triệu đồng/lượng lên mức hơn 77 triệu đồng/lượng vàng nhẫn và gần 85 triệu đồng/lượng vàng miếng. Với mức giá liên tục lập đỉnh và điều chỉnh theo giờ, vàng khiến người dân không kịp trở tay. Đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước chưa có động thái can thiệp nào để hạ nhiệt thị trường vàng.

Tăng phi mã

Từ đầu năm đến nay, đây là đợt thứ 3 giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC phá vỡ kỷ lục. Thế nhưng, đáng chú ý là chưa đợt tăng giá nào lại nhanh và mạnh như đợt tăng lần này. Trong 2 ngày 8, 9/4, giá vàng nhẫn và vàng miếng tăng gần 4 triệu đồng/lượng. Riêng trong ngày 9/4, các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vàng liên tục điều chỉnh bảng giá từng phút, từng giờ.

Giá vàng liên tục 'phá đỉnh': Bao giờ Ngân hàng Nhà nước can thiệp?- Ảnh 1.

Người dân vẫn xếp hàng mua vàng Ảnh: Ngọc Mai

Vào lúc 13h, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết vàng nhẫn 74,83 - 76,03 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra, tăng 800.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Tuy nhiên, chỉ sau 30 phút, doanh nghiệp này tăng tiếp 400.000 đồng/lượng lên 76,43 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng nhẫn điều chỉnh từng phút. Đến 16h cùng ngày giá vàng nhẫn được doanh nghiệp này nâng lên 75,5 - 77,18 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra.

Sau khi điều chỉnh tăng nửa triệu đồng/lượng vào đầu giờ sáng, vàng miếng SJC tăng không ngừng vào buổi chiều. Vào lúc 14h45, vàng SJC lại tiếp tục được điều chỉnh tăng lên mốc 84 triệu đồng/lượng. Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết mức 82,3 - 84,3 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra. Cứ sau 30 - 45 phút, giá vàng lại tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/lượng. Đến 16h15, vàng SJC được điều chỉnh tăng lên mức 82,8 - 84,8 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Trong bối cảnh giá vàng tăng liên tục, người dân vẫn có xu hướng lao vào mua vàng trong “cơn sốt”, bất chấp lời cảnh báo của chuyên gia với kỳ vọng giá vàng miếng SJC sẽ tăng lên 100 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn lên 90 triệu đồng/lượng. Tại phố vàng Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội), Cầu Giấy (Cầu Giấy, Hà Nội), người dân xếp hàng chờ mua vàng. Nếu như cách đây nửa tháng, người dân tập trung mua vàng nhẫn bởi lo ngại Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm bỏ độc quyền vàng SJC thì nay cả vàng miếng và vàng nhẫn đều có lượng giao dịch tăng đột biến.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh vàng, bên cạnh việc giá vàng thế giới tăng, nhu cầu mua tăng mạnh khiến giá vàng trong nước tăng theo.

Chuyên gia vàng Nguyễn Thế Hùng, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, theo quan sát diễn biến giá vàng trên thị trường 2 hôm nay có thể thấy lực mua đang mạnh hơn, thậm chí người giữ tiền có cảm giác sốt ruột khi giá vàng thế giới chưa có dấu hiệu điều chỉnh trong khi giá vàng trong nước lại tăng từng giờ. Trong khi đó, lãi suất huy động hiện nay lại quá thấp.

Theo ông Hùng, về phía nguồn cung, vàng nhẫn đã khan hiếm nay còn hạn chế hơn khi những ngày trước xuất hiện thông tin đề xuất cho nhập vàng theo đường chính ngạch nhưng hiện nay cơ quan quản lý vẫn chưa cấp phép. Thêm vào đó, một số đầu mối nhập vàng cũng e dè hơn khi cơ quan chức năng đang dồn dập ra quân và việc nhập vàng giá cao cũng đem đến nhiều rủi ro.

Chậm can thiệp, giá vàng còn tăng nóng

Chỉ trong vòng 1 tháng, Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện số 22 và Nghị quyết số 44 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24 về quản lý hoạt động thị trường vàng để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước chưa thấy có động thái “chốt” sửa nghị định này.

Theo các chuyên gia, việc chậm trễ sửa Nghị định 24 liên quan đến độc quyền vàng miếng SJC cũng như việc nhập khẩu vàng khiến giá vàng trong nước diễn biến khó lường khi giá vàng thế giới tiếp tục tăng cao.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước bỏ độc quyền vàng, giá vàng miếng lập tức giảm thêm 10 triệu đồng/lượng. Việc xóa bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC để thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới là điều cần thiết. “Khi có nhiều nguồn cung, không loại vàng miếng nào được bảo hộ thì người dân có nhiều loại vàng để chọn lựa. Giá vàng theo đó sẽ ổn định vì không còn tình trạng khan hiếm do độc quyền", ông Hiếu nói.

Giá vàng liên tục 'phá đỉnh': Bao giờ Ngân hàng Nhà nước can thiệp?- Ảnh 2.

Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều tăng sốc - Ảnh: Như Ý

Theo ông Hiếu, hiện chỉ có Ngân hàng Nhà nước được nhập khẩu vàng, do đó nguồn cung vàng trên thị trường không dồi dào nên khi xuất hiện lực mua hoặc bán sẽ làm cho giá tăng, giảm đột biến. “Giá vàng trong nước đang nhận được cú hích từ căng thẳng địa chính trị trên thế giới, xu hướng mua vàng để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương và nhu cầu của người dân. Vì vậy, khi Ngân hàng Nhà nước chưa có biện pháp can thiệp thị trường thì giá vàng SJC và vàng nhẫn còn tăng và mức chênh lệch so với giá thế giới vẫn sẽ rất cao”, ông Hiếu cho biết và đề xuất, Ngân hàng Nhà nước nên cho một số nhà kinh doanh vàng nhập khẩu để thị trường trong nước liên thông với thế giới, đồng thời kiểm soát việc mua vàng của họ bằng hạn ngạch xuất nhập khẩu trong một năm.

“Chắc chắn, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc nhiều phương án khác nhau trong sửa đổi nội dung Nghị định 24. Hy vọng sẽ có sự thay đổi để thị trường vàng ổn định, vận hành lành mạnh theo quy luật của thị trường. Sự tồn tại của thị trường vàng minh bạch, được quản lý tốt sẽ khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh vàng, tạo điều kiện cho việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực vàng trong nền kinh tế”, ông Hiếu nói.

Giá vàng tăng ngoài dự đoán của nhiều tổ chức tài chính lớn

Giá vàng thế giới đã tăng dữ dội, vào cuối ngày 9/4 đã lên mức 2.382 USD/ounce, trong bối cảnh Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Kazakhstan và một số quốc gia Đông Âu thu mua kim loại quý này để tăng thêm dự trữ.

Có thể nói diễn biến xung đột tại Ukraine và Trung Đông đã khiến rất nhiều dự báo về giá vàng đều không sát thực tế. JPMorgan, một trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới dự đoán trong quý 2 năm 2024, giá vàng sẽ chỉ dao động trong khoảng 1,98 nghìn USD/ ounce, và chỉ đến cuối năm nay mới vượt mốc 2 nghìn USD và sẽ chỉ đạt đỉnh 2,3 nghìn USD/ounce vào năm 2025. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ là đầu quý 2/2024, giá vàng đã vượt ngưỡng 2.380 USD/ounce . Giá vàng tăng do nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia cao, đặc biệt là tại hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ. Tập đoàn đầu tư goldman sachs đã đưa ra thống kê: Từ năm 2016 đến 2019, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua 509 tấn kim loại quý nhưng chỉ riêng trong năm 2022-2023 họ đã mua 1.060 tấn, và đà mua vẫn tiếp tục tăng trong năm 2024.

Tháng 1 năm 2024, ngân hàng trung ương của 3 nước mua nhiều nhất là Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ (mua 12 tấn vàng), Trung Quốc (10 tấn) và Ấn Độ (9 tấn). Các quốc gia này đang tìm cách giảm tỷ trọng đồng USD và Euro trong giỏ dự trữ ngoại hối của họ. Do đó, nhiều chuyên gia dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024, có thể lên tới 2.600 USD/ounce. M. Duy



Giá vàng trong nước ngày 9/4 lập kỷ lục bởi giá vàng thế giới tăng mạnh lên mốc 2.361 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá, giá vàng thế giới tương đương 71 triệu đồng một lượng chưa kể thuế, phí. Theo đó, giá vàng SJC, vàng nhẫn cao hơn giá vàng thế giới 14 triệu đồng/lượng và 6 triệu đồng/lượng.



Theo Ngọc Mai

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên