Điểm hẹn 10 nghìn tỷ tăng vốn cho Vietcombank và VietinBank chỉ còn tính từng ngày
Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa, điểm hẹn 10 nghìn tỷ đồng tăng vốn cho 2 “ông lớn” sẽ đi qua. Dù vậy, vẫn chưa có dấu hiệu chuyển động cụ thể…
- 10-02-2020Vietcombank giảm 1 - 1,5% lãi suất cho vay các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch do virus Corona
- 07-02-2020Phó giám đốc Vietcombank chi nhánh Thăng Long sang làm Tổng giám đốc Vietcombank Lào
- 06-02-2020Vietcombank lên kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020
Theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 ngày 8/11/2016, đến năm 2020, cơ bản các ngân hàng thương mại phải có mức vốn tự có (trụ cột 1) theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II.
Việc triển khai Basel II được coi là giải pháp tái cơ cấu căn bản có tính đột phá, tạo nền tảng cho sự an toàn, phát triển lành mạnh, nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.
Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, mới chỉ có 18 ngân hàng tại Việt Nam được chấp thuận áp dụng trụ cột 1 theo chuẩn Basel II.
Riêng đối với nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, mới chỉ có Vietcombank và BIDV hoàn thành trụ cột 1 nhờ việc bán cổ phần cho đối tác ngoại, còn Agribank và VietinBank vẫn đang trong tình trạng khó đáp ứng.
Trong khi đó, Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đặt yêu cầu: Đến năm 2020, các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực an toàn vốn của Basel II.
Mặt khác, dù một vài thành viên trong nhóm đạt chuẩn về an toàn vốn, nhưng lại ở ngưỡng khá "mong manh".
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại một cuộc họp hồi tháng 12/2019 cho biết, hiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của nhóm này đã rất sát ngưỡng so với quy định của Thông tư số 41 cũng như ngưỡng tỷ lệ an toàn theo tiêu chuẩn Basel II.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, trong trường hợp không được tăng vốn thì bản thân các ngân hàng thương mại này sẽ phải hạn chế cấp tín dụng, thậm chí có thể sẽ phải dừng cấp tín dụng. Từ đó sẽ rất ảnh hưởng tới nhu cầu vốn đầu tư phát triển, nhất là bối cảnh Việt Nam hiện nay nhu cầu vốn đầu tư phụ thuộc rất lớn vào tín dụng ngân hàng.
Trước thực tế này, thời gian qua, các ngân hàng đã có nhiều nỗ lực xây dựng các phương án cụ thể như bán vốn cho đối tác ngoại, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tái cơ cấu lại danh mục tài sản có rủi ro theo hướng giảm tỷ trọng các tài sản có hệ số rủi ro cao; phát hành trái phiếu thứ cấp tăng vốn cấp 2 nhằm cải thiện tỷ lệ an toàn vốn...
Dù vậy, trở ngại trong tăng vốn để vừa đáp ứng chuẩn mực mới, vừa tạo không gian tăng trưởng vẫn chưa thực sự được tháo gỡ.
Theo đó, để có thể đáp ứng được mục tiêu đề ra, ngoài nỗ lực bản thân, các ngân hàng này cần phải được Nhà nước hỗ trợ bằng cơ chế cho phép giữ lại cổ tức hoặc đầu tư thêm vốn từ ngân sách.
Và sau rất nhiều lần kiến nghị từ Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng trong nhóm, nút thắt tăng vốn điều lệ cuối cùng cũng đã có thông tin cụ thể về mức độ tăng dự kiến cùng mốc thời gian dự định từ cấp thẩm quyền cao hơn.
Cụ thể, tại buổi làm việc đầu năm mới Canh Tý tại một ngân hàng thương mại vừa qua, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khi đó cho biết, ngay trong quý I/2020, Chính phủ sẽ tăng vốn điều lệ khoảng 10.000 tỷ đồng cho Vietcombank và VietinBank. Còn riêng đối với Agribank, toàn bộ lợi nhuận nộp ngân sách trong năm 2020 sẽ được dùng để tăng vốn điều lệ.
Dù vậy, thời hạn của quý I đang chỉ còn được đếm theo từng ngày. Thông tin về "gói 10.000 tỷ đồng" cho tới hiện tại vẫn chưa xuất hiện cụ thể, ngoài phát biểu trên.
BizLive