"Điểm mặt" 4 doanh nghiệp vi phạm liên quan đến sản xuất nước mắm
Ngày 13-1, ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho biết qua chủ động nắm thị trường, Thanh tra bộ nắm bắt được 4 đơn vị có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh, chế biến nước mắm không đúng quy định.
Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết qua thanh tra đã phát hiện, tiêu hủy hơn 48 tấn hóa chất Soda (Na2CO3) là hóa chất công nghiệp (không có danh mục chỉ định dùng cho thực phẩm và sản xuất thực phẩm để chế biến nước mắm bán thành phẩm (nước hoa cà) tại một số doanh nghiệp để phục vụ cho sản xuất nước mắm.
Bêu tên các doanh nghiệp vi phạm
Cụ thể gồm: Công ty TNHH 1 TV Điều Hương (Ấp Hòa Phú 1, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang); Công ty TNHH chế biến thực phẩm Hòa Hiệp (số 47 Trần Phú, phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long); Công ty TNHH thực phẩm Tấn Phát (Tổ 1, ấp Tân Đông, xã Tân Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long); Công ty CP chế biến thủy hải sản Liên Thành (ấp 4, Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM).
Theo ông Tiến, 4 doanh nghiệp này vi phạm hai hành vi chính, đó là sản xuất, chế biến không có lưới che chắn để côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; sản xuất nguyên liệu nước mắm dùng phụ gia không được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm. "Trên cơ sở đó, Thanh tra Bộ NN-PTNT đã ra quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành với hơn 30 thành viên, trong đó gồm Bộ Công an, Thanh tra Sở NN-PTNT các địa phương Vĩnh Long, An Giang, TP HCM. Và khi Đoàn thanh tra đồng loạt ra quân kiểm tra, các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp nêu trên đều đã được ghi nhận"- ông Tiến cho hay.
Trên cơ sở kết quả của đoàn thanh tra, Thanh tra Bộ NN-PTNT đã trao đổi, bàn bạc với các đơn vị có liên quan của Bộ Công an, sau đó chuyển hồ sơ cho Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định. "Căn cứ vào kết quả, cơ quan công an đã yêu cầu Thanh tra Bộ NN-PTNT tiếp tục phối hợp để xác minh thêm, lấy thêm mẫu nước mắm trên thị trường. Trên cơ sở mẫu mà Thanh tra Bộ NN-PTN lấy về, sau đó chuyển đến Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm.
Căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm, Thanh tra Bộ NN-PTNT và các cơ quan chức năng của Bộ Công an đã bàn và xem xét, đi đến kết luận: toàn bộ các kết quả kiểm nghiệm cho thấy các chất cấm và kim loại nặng đều dưới ngưỡng. Căn cứ kết quả này, cơ quan công an yêu cầu Thanh tra Bộ NN-PTNT xử lý nghiêm khắc về hành chính"- ông Tiến thông tin.
Theo Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, căn cứ Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, Thanh tra Bộ NN-PTNN đã ban hành 4 quyết định xử phạt hành chính đối với 4 công ty nêu trên với tổng số tiền phạt là 782 triệu đồng, đồng thời yêu cầu và buộc 4 công ty vi phạm phải chuyển đổi mục đích sử dụng đối với nguyên liệu đã chế biến còn nằm lại tại xưởng sản xuất. "Cả 4 đơn vị này đều đã nghiêm túc cam kết thực hiện theo yêu cầu là chuyển đổi mục đích sử dụng đối với nguyên liệu đã chế biến còn nằm lại tại xưởng thành thức ăn chăn nuôi cũng như đã nộp đầy đủ tiền phạt vào ngân sách nhà nước. Ngoài ra, yêu cầu 3 doanh nghiệp trả lại nơi mua 48 tấn Soda công nghiệp"- ông Tiến nói.
Công ty Liên Thành chỉ vi phạm về xử lý nước thải!
Chiều 13-1, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Ngô Thị Hoàng Mai, Phó Giám đốc Thường trực Công ty CP Chế biến thủy hải sản Liên Thành, cho biết cả ngày nay ban giám đốc công ty đã phải làm việc với thanh tra Bộ NN-PTNT, trả lời thắc mắc của các đối tác, bạn hàng về thông tin Công ty Liên Thành liên quan đến nước mắm sản xuất từ soda.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đối với Công ty Liên Thành
Theo bà Mai, trong đợt thanh tra vừa qua, Công ty Liên Thành đã bị vi phạm về hệ thống xử lý nước thải nhưng đó là hệ thống xử lý nước thải bị ngập nước do triều cường chứ không liên quan gì đến nội dung xử phạt 3 công ty còn lại. Cụ thể, theo quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đối với Công ty Liên Thành, công ty này bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền 6 triệu đồng vì lỗi "Tại khu sản xuất nước mắm của Phân xưởng 4 có khu xử lý nước thải bị ứ đọng (cống rãnh bị ngập nước thải), không được che chắn".
"Công ty chúng tôi không hề vi phạm gì về vệ sinh an toàn thực phẩm, càng không vi phạm sử dụng chất phụ gia công nghiệp soda – là chất được dùng để tẩy rửa bồn cầu. Việc thông tin sai lệch, gộp chung Công ty Liên Thành vào danh sách vi phạm, trong đó có vi phạm sử dụng phụ gia không được phép đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu Liên Thành" – bà Mai nói.
Người lao động