"Điểm mặt" loạt dự án chậm tiến độ tại bán đảo Bảo Ninh
Dự án Khu du lịch sinh thái Sài Gòn- Bảo Ninh chỉ mới hoàn thành phần thô khối khách sạn. Ảnh: Ngọc Tân.
Có vị trí đắc địa, tuy nhiên, một số dự án nghỉ dưỡng tại khu vực ven biển Bảo Ninh, TP. Đồng Hới lại rơi vào cảnh ngừng thi công, chậm tiến độ suốt nhiều năm, gây lãng phí quỹ đất và cơ hội đầu tư.
- 10-05-2022Chuyên gia BĐS: Nơi nào bị “thổi giá” quá cao sẽ xảy ra tình trạng vỡ "bong bóng" nhỏ
- 10-05-2022Đây là phân khúc bất động sản sẽ tăng giá giữa bối cảnh thị trường đang bị "siết" chặt
- 10-05-2022Chuyên gia dự báo gì thị trường bất động sản thời gian tới?
Nhiều dự án bất động
Nằm phía Đông sông Nhật Lệ, với diện tích khoảng 1.600ha vừa giáp sông, vừa cận biển, gần khu vực trung tâm TP. Đồng Hới, bán đảo Bảo Ninh được kỳ vọng trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, thị trường bất động sản lớn của miền Trung cùng với sự hiện hữu của các dự án chuyên nghiệp, quy mô.
Được kỳ vọng lớn, nhưng hiện nay bán đảo Bảo Ninh vẫn chưa thể bứt phá khi nhiều dự án trọng điểm tại đây vẫn trong tình trạng… làm mãi không xong.
Điển hình là dự án Khu du lịch sinh thái Sài Gòn – Bảo Ninh có tổng mức đầu tư 424 tỷ đồng, do CTCP Du lịch Sài Gòn – Quảng Bình làm chủ đầu tư. Dự án được UBND tỉnh Quảng Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 27/4/2009; điều chỉnh lần 1 ngày 15/11/2018; điều chỉnh lần 2 ngày 10/10/2019. Dự án được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 1480/QĐ-UBND ngày 24/06/2009; tiến độ hoàn thành được quy định sau khi được gia hạn điều chỉnh chủ trương đầu tư lần 2 đến hết tháng 9/2020. Tuy vậy, 3 năm qua, dự án rơi vào trạng thái "bất động" sau khi hoàn thành xong phần thô khối tòa nhà khách sạn.
Tính đến nay, ngoài phần thô khối tòa nhà khách sạn đã cơ bản hoàn thành thì các hạng mục công trình phụ khác vẫn ngổn ngang, dang dở. Toàn dự án không một bóng người, cỏ dại mọc um tùm rậm rạp. Xung quanh khối tòa nhà khách sạn, các tấm lưới đan ngăn đất đá, vật liệu rơi vãi đã rách tơi tả và rụng gần hết, chỉ còn trơ lại các khung kim loại dùng để cố định các tấm lưới vào tòa nhà.
Các tấm lưới đan ngăn vật liệu xây dựng rơi vãi xung quanh khối toà nhà khách sạn Khu du lịch sinh thái Sài Gòn – Bảo Ninh đã bị rách tơi tả. Ảnh: Ngọc Tân
Ước tính, khối lượng giải ngân toàn dự án Khu du lịch sinh thái Sài Gòn – Bảo Ninh đến nay mới chỉ đạt khoảng 150/424 tỷ đồng. UBND tỉnh Quảng Bình, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần đốc thúc yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, đưa dự án vào hoạt động theo cam kết nhưng diễn biến trên thực tế của dự án không có nhiều biến chuyển.
Tương tự, dự án Khách sạn 5 sao Pullman ở phía đối diện cũng không khả quan hơn. Dự án do CTCP Du lịch Hà Nội – Quảng Bình làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng.
Dự án Khách sạn 5 sao Pullman Quảng Bình ngừng thi công hơn 3 năm nay. Ảnh: Ngọc Tân
Dự án được UBND tỉnh Quảng Bình cấp quyết định chủ trương đầu tư ngày 27/7/2016; được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 3762/QĐ-UBND ngày 23/11/2016 với diện tích 5,85ha; thời hạn hoàn thành dự án ngày 31/12/2019. Ban đầu, tiến độ dự án khá đảm bảo, tuy nhiên, sau khi hoàn thành thi công xong phần thô của khối khách sạn và các hạng mục công trình biệt thự thì toàn bộ dự án "đứng hình" và rơi vào trạng thái "trơ gan cùng tuế nguyệt" suốt hơn 3 năm qua. Theo tính toán, dự án đến nay mới chỉ thực hiện các hạng mục với giá trị khoảng 300/1.100 tỷ đồng.
Một dự án nữa cũng trầy trật tiến độ tại khu vực bán đảo Bảo Ninh là dự án Khu Resort Golden City của CTCP Golden City. Dự án có tổng mức đầu tư 1.308,17 tỷ đồng, được UBND tỉnh Quảng Bình cấp chủ trương đầu tư lần đầu tại Quyết định số 1712/QĐ-UBND ngày 17/5/2017. Đến ngày 26/9/2017, dự án được UBND tỉnh Quảng Bình cho thuê đất tại Quyết định số 3379/QĐ-UBND. Ngày 26/8/2019, dự án tiếp tục được gia hạn sử dụng đất tại Quyết định số 3230/QĐ-UBND.
Đến ngày 30/3/2020, dự án lại được điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 951/QĐ-UBND; trong đó tăng tổng vốn đầu tư từ 357 tỷ đồng lên thành 1.308,17 tỷ đồng và cho phép gia hạn tiến độ thực hiện và phải hoàn thành trước ngày 31/12/2020.
Dự án Resort Golden City được thi công "đủng đỉnh". Ảnh: Ngọc Tân
Sau khi khởi công, dự án được chủ đầu tư quây tôn phía trước rồi "án binh bất động" suốt hơn 1 năm sau đó. Giữa tháng 4/2021, UBND tỉnh Quảng Bình và các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường liên tục có các văn bản đốc thúc nhà đầu tư triển khai dự án theo cam kết nếu không sẽ xem xét thu hồi. Đến lúc này, nhà đầu tư mới tiến hành thi công trở lại theo kiểu đối phó với tiến độ hết sức "đủng đỉnh". Tại hiện trường, cả dự án chỉ lác đác 3 chiếc máy xúc, ủi hiện diện giữa bộn bề ngổn ngang các ụ đất cát và các ống cống bê tông đúc sẵn. Tính đến nay, dự án mới chỉ tiến hành san gạt mặt bằng, đắp nền và đúc các ống cống.
Không tuân thủ cam kết sẽ bị thu hồi
Tình trạng chậm tiến độ của các dự án nói trên không chỉ khiến dư luận Quảng Bình băn khoăn mà còn đặt ra vấn đề lãng phí quỹ đất vàng, mất cơ hội tiếp cận của các nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết.
Ông Hoàng Đức Thiện, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cho biết, một số dự án bị chậm tiến độ, ngắt quãng nhiều năm là do chịu tác động từ sự cố môi trường biển năm 2017 và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện nay các hoạt động kinh tế xã hội đã trở lại bình thường, tình hình dịch bệnh cũng dần ổn định, lãnh đạo tỉnh đã có chỉ đạo sẽ tiếp tục đốc thúc tiến độ và có giải pháp cứng rắn với các nhà đầu tư.
"Tỉnh sẽ đốc thúc và buộc nhà đầu tư tiến hành ký các cam kết. Nếu nhà đầu tư tiếp tục chây ỳ, không thực hiện đúng cam kết tiến độ thì sẽ xử lý theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật liên quan", ông Thiện nói thêm.
Các dự án chậm tiến độ đã gây lãng phí quỹ đất và cơ hội đầu tư khu vực bán đảo Bảo Ninh, TP. Đồng Hới. Ảnh: Ngọc Tân
Nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, phát huy hiệu quả sử dụng đất, tránh lãng phí tài nguyên đất đai và cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư khác, tháng 5/2021, UBND tỉnh Quảng Bình đã thành lập Tổ rà soát các dự án chậm tiến độ do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm làm Tổ trưởng. Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Bình cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh tiếp tục rà soát các dự án đã thuê đất nhưng chậm tiến độ sử dụng đất nhiều lần; làm việc và yêu cầu nhà đầu tư cam kết tiến độ; tham mưu báo cáo UBND tỉnh thu hồi đất nếu nhà đầu tư không triển khai dự án, chây ì, đảm bảo theo đúng quy định của Luật Đất đai.
Cuối tháng 4 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp tục giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường rà soát lại và cập nhật tiến độ thực hiện đối với các dự án; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý nếu nhà đầu tư không triển khai thực hiện dự án theo tiến độ.
"Một số dự án nếu nhà đầu tư thực sự quyết tâm triển khai trở lại thì tỉnh sẽ tạo điều kiện. Còn ngược lại thì sẽ xem xét thu hồi", ông Lâm nói thêm.
Nhà đầu tư