MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Điểm mặt" những cuộc xung đột tại châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai

02-03-2022 - 11:35 AM | Tài chính quốc tế

"Điểm mặt" những cuộc xung đột tại châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai

Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, châu Âu vẫn xảy ra các cuộc xung đột gây chấn động toàn cầu.

Thế giới có thể nói là chưa bao giờ ngừng chiến tranh. Ai cũng biết cuộc chiến tranh lớn nhất là hai cuộc Thế chiến, trong đó Chiến tranh thế giới thứ 2 vẫn là cuộc chiến đắt đỏ và đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, cuộc chiến này kết thúc thì lại có những xung đột khác nảy sinh. Sau khi sự kiện đã cướp đi sinh mạng của hơn 70 triệu người trên toàn thế giới chấm dứt, châu Âu vẫn liên tiếp xảy ra những cuộc giao tranh nảy lửa.

Nội chiến Hy Lạp

Năm 1946, ngay sau khi Thế chiến II kết thúc, cuộc Nội chiến Hy Lạp được coi là lần đầu tiên phe Liên Xô và Đồng minh do Mỹ đứng đầu trực tiếp "giáp mặt" để lập lại trật tự thế giới mới. Không quá lời khi nói rằng Hy Lạp là nơi Chiến tranh Lạnh nổ ra.

Điểm mặt những cuộc xung đột tại châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai - Ảnh 1.

Cảnh tượng Hy Lạp tan hoang và đổ nát

Cuộc chiến có sự tham gia của khoảng 150.000 quân đội từ nước Mỹ, Anh và Hy Lạp, trong đó có khoảng 51.000 người đến từ Liên Xô, Albania, Mặt trận Giải phóng Macedonian và Quân đội Dân chủ Hy Lạp. Cuộc chiến dường như không cân sức này kéo dài 13 năm, đến năm 1959 mới kết thúc. Ước tính khoảng 150.000 người, bao gồm cả dân thường, đã thiệt mạng, và khoảng 1 triệu người Hy Lạp đã phải rời bỏ nhà cửa để đi tị nạn ở nước ngoài.

Xung đột xứ Basque

Xung đột xứ Basque, còn được gọi là Xung đột Tây Ban Nha – ETA, là một cuộc xung đột vũ trang và chính trị kéo dài từ năm 1959 đến năm 2011 giữa Tây Ban Nha và Phong trào giải phóng dân tộc Basque. Phong trào được xây dựng xung quanh tổ chức ly khai ETA, họ đã thực hiện một chiến dịch tấn công chống lại chính quyền Tây Ban Nha từ năm 1959.

Cuộc xung đột chủ yếu diễn ra trên đất Tây Ban Nha, và cũng có mặt ở Pháp, các thành viên ETA sử dụng nơi này làm địa điểm trú ẩn an toàn. Đó là cuộc xung đột bạo lực kéo dài nhất ở Tây Âu hiện đại và đôi khi còn được coi là "cuộc chiến dài nhất của châu Âu". Cuộc chiến này để lại hậu quả nặng nề đến mức hiện vẫn chưa xác định cụ thể được tổng số thương vong.

Chiến tranh Abkhazia

Cuộc chiến ở Abkhazia phần lớn diễn ra giữa lực lượng chính phủ Gruzia với lực lượng ly khai Abkhaz, lực lượng vũ trang chính phủ Nga và các chiến binh Bắc Caucasia. Sự kiện này diễn ra từ năm 1992 đến 1993.

Điểm mặt những cuộc xung đột tại châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai - Ảnh 2.

Cuộc chiến ảnh hưởng nặng nề đến Gruzia thời hậu Xô Viết, nước này bị thiệt hại đáng kể về tài chính, con người và tâm lý. Khoảng 5.000 người dân tộc Gruzia và 4.000 người Abkhaz được báo cáo đã thiệt mạng hoặc mất tích, và 250.000 người Gruzia phải đi tị nạn.

Sau đó, cuộc chiến lại một lần nữa lặp lại vào năm 1998 tại quận Gali của Abkhazia, sau khi người dân tộc Georgia phát động một cuộc nổi dậy chống lại chính phủ ly khai Abkhazia. Cuộc xung đột đôi khi được gọi là Cuộc chiến sáu ngày ở Abkhazia; tính từ ngày 20 đến ngày 26/5/1998, tuy nhiên trước đó cũng đã có những cuộc tấn công nhỏ lẻ.

Chiến tranh Kosovo

Xung đột Kosovo là một cuộc xung đột có vũ trang nhằm giành quyền kiểm soát vùng Kosovo trong những năm 1998/1999. Đỉnh điểm của cuộc chiến phải kể đến hoạt động quân sự của NATO chống lại Cộng hòa Liên bang Nam Tư bằng phương thức ném bom. Các cuộc không kích kéo dài từ ngày 24/3/1999 đến ngày 10/6/1999.

Điểm mặt những cuộc xung đột tại châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai - Ảnh 3.

Vụ đánh bom ở Nam Tư

Vụ đánh bom đã giết chết khoảng 489-528 thường dân. Bên cạnh đó còn phá hủy rất nhiều công trình như những cây cầu, các nhà máy công nghiệp, tòa nhà công cộng, doanh nghiệp tư nhân, cũng như doanh trại và các cơ sở quân sự.

Việc NATO sử dụng bom đã đánh dấu chiến dịch lớn thứ hai trong lịch sử của tổ chức này kể từ khi thành lập, sau chiến dịch ném bom năm 1995 ở Bosnia và Herzegovina. Đây là lần đầu tiên NATO sử dụng lực lượng quân sự mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Chiến tranh Chechnya

Cuộc chiến Chechnya là một cuộc xung đột giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Chechnya Ichkeria. Sự kiện này diễn ra từ tháng 12/1994 đến tháng 8/1996 với nguyên nhân bắt nguồn từ việc Chính phủ tự trị ở Chechnya tuyên bố độc lập, có ý định ly khai khỏi nước Nga.

Tuy nhiên, chính phủ Nga không chấp nhận việc một vùng lãnh thổ của họ bị chia cắt vì đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, nên đã đem quân đánh chính phủ Chechnya. Tới năm 1996, chính phủ của Boris Yeltsin tuyên bố một thỏa thuận ngừng bắn và ký kết hiệp ước hòa bình một năm sau đó.

Được biết, số binh sĩ Nga tử trận là 5.732, còn quân Chechnya bị thiệt mạng thì không có con số chính xác, ước lượng là từ 3.000 đến 17.391 người. Ước tính số thường dân bị chết từ 30.000 đến 80.000 người, nhiều thành phố và làng mạc trên khắp đất nước bị tàn phá và hủy hoại.

Tới ngày 26/8/1999, Nga lại một lần nữa đem quân đến trả đũa Chechnya. Các chiến dịch đã kết thúc nền độc lập của Cộng hòa Chechnya Ichkeria và khôi phục lại quyền kiểm soát của liên bang Nga trên toàn bộ lãnh thổ. Mặc dù được coi là một cuộc xung đột nội bộ của Nga, nhưng cuộc chiến đã thu hút một số lượng lớn binh lính nước ngoài, chủ yếu là các chiến binh Hồi giáo sang hỗ trợ cho quân Chechnya ly khai.

Số thương vong chính xác từ cuộc xung đột này chưa được biết rõ. Ước lượng không chính thức nằm trong khoảng từ 25.000 đến 50.000 người chết hoặc mất tích, tính cả thường dân Chechnya. Nga bị thiệt hại hơn 5.200 quân, đây là con số thương vong chính thức của Nga.

Chiến tranh Nam Ossetia

Chiến tranh tại Nam Ossetia vào năm 2008 là cuộc chiến tranh trên bộ, trên không và trên biển giữa hai phe, một bên là Gruzia và một bên là các khu vực ly khai là Nam Ossetia và Abkhazia, cùng với Liên bang Nga. Đây được xem là cuộc chiến tranh châu Âu đầu tiên trong thế kỷ 21.

Chiến tranh bắt đầu bằng những cuộc chạm súng lẻ tẻ vào sáng sớm ngày 7/8/2008, mở đầu bằng cuộc tấn công của quân đội Gruzia vào khu vực ly khai Nam Ossetia. Ngày hôm sau, quân đội Nga đã tấn công lại các đơn vị Gruzia tại Nam Ossetia, theo đà tiến sâu vào lãnh thổ Gruzia.

Số lượng người tị nạn từ Nam Ossetia sang Nga đã lên đến con số 34.000 người trên tổng dân số 70.000 dân của khu vực này. Trong khi đó, tính đến ngày 18/8 cùng năm, có khoảng 68.000 người gốc Gruzia phải bỏ nhà cửa vì cuộc giao tranh này.

Sau cuộc chiến, Nam Ossetia và Abkhazia đã tuyên bố độc lập nhưng chỉ được Nga, Venezuela, Nicaragua và Nauru công nhận. Còn lại 189 trên tổng số 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc vẫn không chính thức công nhận sự độc lập đó.

Xung đột Nga - Ukraine

Trong giai đoạn đầu năm 2022, mối quan hệ giữa hai nước láng giềng Nga và Ukraine ngày càng trở nên căng thẳng. Vào ngày 24/2, Nga chính thức triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền đông Ukraine.

Ngay sau đó, Mỹ, Anh và EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Nga để đáp trả những động thái của nước này đối với Ukraine. Sự kiện xảy ra trong bối cảnh toàn cầu vừa hứng chịu hậu quả của đại dịch Covid-19, đã để lại nhiều hậu quả nặng nề cho nền kinh tế và cuộc sống người dân.

https://cafef.vn/diem-mat-nhung-cuoc-xung-dot-tai-chau-au-ke-tu-sau-chien-tranh-the-gioi-thu-hai-20220302091244615.chn

Linh Chi

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên