[Điểm nóng chứng khoán tuần 21-27/5] Dòng tiền tiếp tục suy yếu, VN-Index lần lượt đánh mất các mốc hỗ trợ quan trọng
Xu hướng điều chỉnh có khuynh hướng trở lại, trong khi dòng tiền bắt đáy tỏ ra thận trọng khiến VN-Index liên tục chìm trong sắc đỏ.
1. Chứng khoán Việt Nam chìm trong sắc đỏ
Sau khi tăng liên tục lên gần 990 điểm tới ngày 20/5, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có xu hướng trở lại điều chỉnh khi sắc đỏ trở thành gam màu chủ đạo.
Với 4/5 phiên giao dịch giảm điểm, tuần vừa qua tiếp tục đánh dấu một tuần giao dịch không mấy tích cực của thị trường chứng khoán. Chốt tuần, VN-Index đóng cửa ở mức 959,88 điểm, giảm hơn 10 điểm so với mở cửa đầu tuần. HNX-Index và UPCOM-Index cũng không nằm ngoài xu hướng này khi khép tuần giao dịch trong sắc đỏ.
Thị trường mở cửa phiên giao dịch đầu tuần vừa qua trong sắc xanh, sau nhiều phiên giảm liên tiếp trước đó. Tuy nhiên, diễn biến này không phải do xu hướng phục hồi được xác nhận mà đơn thuần chỉ là một phiên hồi phục kỹ thuật. Bốn phiên liên tiếp sau đó, sắc đỏ trở lại khiến VN-Index mất lần lượt đánh mất những mốc hỗ trợ quan trọng tại 970 và 960 điểm.
Áp lực chốt lời gia tăng ở nhiều nhóm cổ phiếu dẫn dắt dòng tiền trước đó, như dầu khí, tiêu dùng, bất động sản, trong khi lực cầu bắt đáy tỏ ra thận trọng khiến thị trường rơi vào cảnh có người bán nhưng ít người mua. Thanh khoản các phiên giao dịch trên HoSE hầu hết chỉ hơn 3.000 tỷ đồng, duy trì ở mức thấp do dòng tiền bắt đáy có sự phân hóa lớn, không chấp nhận mua đuổi để đẩy giá.
Những cổ phiếu dầu khí chủ chốt như GAS, PVD, PVS sau đà tăng mạnh trước đó nhờ sự phục hồi của giá dầu đã trở lại với sắc đỏ khi giá dầu thế giới đảo chiều. Riêng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, nhóm cổ phiếu này trở thành tâm điểm khi hầu hết những cổ phiếu "họ P" đều giảm từ 3-5%. Nhóm cổ phiếu lớn cũng không có nhiều dấu ấn khi vai trò dẫn dắt và trụ đỡ được thực hiện luân phiên.
Trong khi nhà đầu tư nội thận trọng với diễn biến của thị trường, giải ngân nhỏ giọt thì nhà đầu tư nước ngoài tăng tốc với trạng thái mua ròng ở một số mã cổ phiếu.
Khối ngoại trong tuần bán ròng hơn 250 tỷ đồng trên sàn HoSE nhưng tính về khối lượng lại mua ròng đến 7,2 triệu đơn vị.
Thực tế, diễn biến này chủ yếu do giao dịch thỏa thuận đột biến trong phiên cuối tuần tại cổ phiếu VJC với hơn 5,2 triệu đơn vị. Nếu loại trừ những phiên giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn thì nhóm nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng trên thị trường khớp lệnh với giá trị khoảng gần 300 tỷ đồng.
2. Chứng khoán thế giới lao dốc
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh, ghi dấu tháng tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2019 do căng thẳng thương mại tăng cao. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 24.815 điểm (giảm 3,01%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.453 điểm (giảm 2,41%), và chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.752 điểm (giảm 2,62%). Chỉ số S&P 500 đã quay trở lại dưới dưới mức trung bình động 200 ngày, được coi là ngưỡng quan trọng đối với một số nhà phân tích kỹ thuật. Độ biến động, được đo bằng Chỉ số biến động Cboe (VIX), tăng vọt vào ngày thứ Sáu.
Tất cả các nhóm ngành đều ghi nhận thua lỗ. Cổ phiếu năng lượng hoạt động kém nhất trong tuần thứ hai liên tiếp khi giá dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng Hai. Trong khi xung đột thương mại với Trung Quốc đang ngày càng sâu sắc khi giọng điệu của cả hai phía ngày càng gay gắt, thì bất ngờ vào tối thứ Năm, Tổng thống Trump tuyên bố thông qua twitter rằng Mỹ sẽ áp thuế 5% đối với hàng hóa Mexico trừ khi chính phủ Mexico ngăn chặn dòng người di cư trái phép qua biên giới. Sau đó ông còn nói thêm rằng thuế quan sẽ tăng dần lên 25% nếu cuộc khủng hoảng vẫn còn tiếp diễn.
Thị trường chứng khoán ở châu Âu sụt giảm khi các nhà đầu tư tìm kiếm kênh trú ẩn rủi ro trong bối cảnh lo ngại về căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.161 điểm (giảm 1,59%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 11.726 điểm (giảm 1,59%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.207 điểm (giảm 2,05%). Tại Ý, tình hình chính trị trở nên căng thẳng do bất đồng giữa chính phủ và Liên minh châu Âu (EU) đã khiến thị trường chứng khoán nước này giảm gần 3%. Trong đợt bầu cử Nghị viện Châu Âu vừa qua, các đảng trung tả và trung hữu thống trị EU trong nhiều thập kỷ, lần đầu tiên mất đa số trong Nghị viện. Các đảng dân túy cực hữu và các đảng ủng hộ tự do ở EU đều giành được chỗ đứng, điều này có thể sẽ khiến Nghị viện châu Âu gặp khó khăn hơn trong việc đạt được sự đồng thuận trong các vấn đề của khu vực.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản kết thúc tuần ở mức thấp hơn. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 20.601 điểm (giảm 2,44%). Đồng yên trở nên mạnh hơn so với đô la Mỹ, đóng cửa ở mức 108,91 yên/đô la Mỹ. Các cổ phiếu đã giảm xuống mức thấp trong nhiều tháng do lo lắng về một cuộc chiến thương mại toàn cầu kéo dài, có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế vốn đã yếu của Nhật Bản. Các cổ phiếu đã giảm đều đặn trong bốn tuần qua kể từ khi thị trường kết thúc kỳ nghỉ lễ. Nhiều nhà quan sát tin rằng sự yếu kém của thị trường chứng khoán, xuất khẩu kém và chi tiêu tiêu dùng đang chững lại có khả năng khiến chính phủ Nhật Bản phải kìm hãm việc tăng thuế tiêu thụ dự kiến sẽ được thực hiện vào tháng 10 tới đây. Tuy nhiên, con số tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội quý 1 tốt hơn dự kiến là một cứu cánh cho những người đề xuất tăng thuế.
Mặc dù kết thúc tuần giao dịch, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng điểm nhưng vẫn đánh dấu mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Kết thúc tuần, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.898 điểm (tăng 1,61%) và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 26.901 điểm (giảm 1,65%). Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán tổng cộng 53,7 tỷ Nhân dân tệ(tương đương 7,78 tỷ USD) trên thị trường chứng khoán Trung Quốc vào tháng 5, gấp gần ba lần so với tháng Tư và là lượng bán ròng lớn nhất kể từ tháng 12 năm 2016. Các nhà phân tích cho rằng sự leo thang mới nhất trong cuộc chiến thương mại báo hiệu không tốt cho triển vọng kinh tế của không chỉ Mỹ và Trung Quốc, mà còn đối với thế giới.