MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 02/01– 06/01] Thị trường chứng khoán Việt Nam giữ vững mốc 880 điểm, chứng khoán thế giới hồi phục

Thị trường chứng khoán Việt Nam và thế giới đã cùng đi qua một tuần giao dịch đầu tiên của năm tràn đầy cung bậc cảm xúc…

1. Chứng khoán Việt Nam giữ vững cột mốc 880 điểm tuần qua

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã mở đầu một năm mới với nhiều thử thách sau tuần lễ giao dịch đầu tiên. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 880,9 điểm (-1,33%) và HNX-Index chốt phiên ở 100,85 điểm, (-3,35%) so với tuần liền trước.

Mở đầu phiên giao dịch đầu năm 2019, thị trường diễn biến khá tích cực. Sự phục hồi của nhóm cổ phiếu dầu khí và một số cổ phiếu vốn hóa lớn từ những phút đầu tiên giúp chỉ số VN-Index nhanh chóng có được đà tăng. Mặc dù vậy, mức tăng này không quá cao bởi sự suy yếu của nhóm ngân hàng và các cổ phiếu bluechips còn lại. Càng về cuối phiên, thị trường vấp phải lực bán tương đối mạnh khiến nhiều cổ phiếu giảm sàn, điển hình như: SAB, HDB, VCS, VHC, FTS…

Sự phân hóa nơi các cổ phiếu bluechips là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất tới thị trường trong phiên này. Dường như thông tin SAB nhận được quyết định của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Sabeco khiến nhà đầu tư lo lắng đã khiến cổ phiếu giảm về sàn gần cuối phiên.

[Điểm nóng TTCK tuần 02/01– 06/01] Thị trường chứng khoán Việt Nam giữ vững mốc 880 điểm, chứng khoán thế giới hồi phục - Ảnh 1.

Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây

Trạng thái tiêu cực nhất tuần qua, thực tế diễn ra bất ngờ trong phiên giao dịch ngày tiếp theo. Thị trường mở cửa chìm trong sắc đỏ khi chịu áp lực bán khá mạnh trên diện rộng. Các cổ phiếu vốn hóa lớn VNM, SAB, GAS, VIC, VHM cùng các cổ phiếu ngân hàng là tác nhân gây ảnh hưởng tiêu cực nhất đến điểm chỉ số khiến VN-Index đánh mất đi gần 17 điểm chỉ trong phiên sáng. Đến phiên chiều, hầu hết các nhóm ngành trên thị trường đều giảm điểm cho đến khi lực cầu bắt đáy gần cuối phiên xuất hiện đã giúp thị trường thu hẹp đà giảm và đẩy thanh khoản tăng lên đáng kể. Mặc dù hồi phục hồi khá tốt, VN-Index vẫn xuyên thủng vùng đáy của năm 2018 khi giảm 1,52% xuống đóng cửa ở mức 878,22 điểm.

Bước vào phiên giao dịch cuối tuần ngày 04/1, thị trường Việt Nam đón nhận những diễn biến tiêu cực từ thị trường quốc tế. Trước thông tin doanh thu sụt giảm của Apple cùng hiệu ứng tiêu cực lan tỏa ra toàn nhóm ngành công nghệ, các điểm chỉ số chứng khoán trên thị trường Mỹ đồng loạt lao dốc trong phiên ngày thứ Năm (03/1). Việc thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh thêm 650 điểm cùng sự lo ngại về triển vọng nền kinh tế toàn cầu năm 2019 đã tác động khiến thị trường Việt Nam mở cửa trong tâm lý thận trọng.

Thị trường mất hơn 5 điểm trong những phút đầu phiên cho đến khi chạm mức sâu nhất 861,85 điểm thì lực cầu bắt đáy đã xuất hiện và đảo ngược tình thế. Chỉ số ở cả hai sàn được hồi phục đáng kể dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí. Càng về cuối phiên chiều, thị trường diễn biến tích cực hơn, đà tăng lan tỏa khá tốt ở khắp các nhóm ngành cùng sự bứt phá những phút cuối phiên của VNM, VCB, SAB đã giúp VN-Index lấy lại mốc 880 điểm.Tuy nhiên, những tín hiệu xu hướng ghi nhận được vẫn chưa đủ mạnh để nhận diện khả năng hình thành nhịp tăng mới.

Theo các chuyên gia BSC nhận định, thị trường đã kiến tạo nên một phiên hồi phục tích cực và kiểm tra thành công mốc 880 điểm. Nhà đầu tư nên theo dõi các diễn biến kinh tế vĩ mô thế giới và giao dịch thận trọng trong tuần tới này.

Đối với thị trường CK phái sinh, tuần qua đã ghi nhận một tuần giao dịch khá sôi động mang tâm lý hứng khởi với các hoạt động trading chủ yếu đến từ các vị thế short và long mạnh mẽ tương ứng với biến động khôn lường của VN30 trên thị trường cơ sở. Điểm nhấn đặc biệt là basis tuần qua tiếp tục mở rộng và vênh cao trong những phiên giao dịch trong tuần. Khối lượng giao dịch phiên cũng có sự gia tăng đột biến. Nguyên nhân cũng là do sự sụt giảm mạnh của thị trường cơ sở nên các nhà đầu tư có chiều hướng giao dịch trên thị trường phái sinh nhiều hơn để sinh lời. So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự tăng cao vượt trội. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 147.062 hợp đồng.

2. Thị trường thế giới hồi phục ngoại trừ Nhật Bản

Thị trường chứng khoán Mỹ nối tiếp đà tăng của tuần trước, mặc dù thị trường vẫn cực kỳ biến động. Kết thúc tuần, chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.531 điểm (tăng 1,85%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 23.433 điểm (tăng 1,61%), và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 6.738 điểm (tăng 2,34%).

[Điểm nóng TTCK tuần 02/01– 06/01] Thị trường chứng khoán Việt Nam giữ vững mốc 880 điểm, chứng khoán thế giới hồi phục - Ảnh 2.

Các cổ phiếu năng lượng tăng điểm trở lại do được hỗ trợ bởi giá dầu. Các cổ phiếu công nghệ giảm điểm trong tuần qua, đặc biệt là Apple do phát biểu tiêu cực về doanh số iPhone của CEO Tim Cook vào thứ năm. Những hy vọng mới về đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã góp phần tích cực vào tâm lý thị trường trong tuần vừa qua.

Thị trường châu Âu tỏ ra phấn khích trước triển vọng đàm phán thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, vào thứ Năm, thị trường chứng khoán châu Âu đã bị cuốn vào đợt bán tháo toàn cầu do dự báo doanh số kém khả quan của Apple, củng cố nhận định rằng sự suy giảm kinh tế toàn cầu đang diễn ra. Kết thúc tuần, chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 6.837 điểm (tăng 1,54), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 10.767 điểm (tăng 1,98%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 4.737 điểm (tăng 1,26%).

Tại Nhật Bản, thị trường chứng khoán đã đóng cửa cho kỳ nghỉ năm mới từ thứ Hai đến thứ Năm, và giao dịch trở lại ngào ngày thứ Sáu. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 19.561 điểm (giảm 2,26%). Tuy nhiên diễn biến đáng chú ý lại là sự tăng vọt của đồng Yên do những lo ngại của nhà đầu tư về sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Vào thứ Năm, đồng yên tăng vọt nhanh hơn 4% so với đồng đô la Mỹ, sau đó đã ổn định trở lại quanh mức 107 Yên/đô la Mỹ.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng điểm nhẹ trong tuần qua, do những kỳ vọng về đàm phán thương mại với Mỹ. Kết thúc tuần, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.514 điểm (tăng 0,84%) và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 25.626 điểm (tăng 0,48%). Sau khi thị trường thứ Sáu đóng cửa, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) thêm một điểm phần trăm, đánh dấu lần cắt giảm RRR thứ năm kể từ đầu năm 2018 của Trung Quốc. Các nhà phân tích xem đây là động thái cố gắng hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại của nước này.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên