[Điểm nóng TTCK tuần 04/03 – 10/03] Chứng khoán Việt và TTCK thế giới đồng loạt chịu thử thách
Triển vọng trong tuần tới tiếp tục là thử thách vùng 1.000 điểm của VN-Index…
1.TTCK Việt Nam thiếu tích cực trước ngưỡng 1.000 điểm
Chốt tuần vừa qua, VN-Index đóng cửa ở mức 985,25 điểm, tăng gần 2 điểm so với mở cửa và HNX-Index chốt tuần ở 108,22 điểm, tăng gần 1 điểm so với đầu tuần.
Về mặt chỉ số, tuần giao dịch vừa qua có phần "yên bình" khi cả hai chỉ số đại diện cho HoSE và HNX đều tăng, tuy nhiên diễn biến cụ thể trong tuần lại theo chiều hướng hoàn toàn trái ngược. Trạng thái giằng co, thực tế, đã được đẩy lên rất cao khi VN-Index tiến gần tới ngưỡng quan trọng 1.000 điểm. Đã hai phiên liên tiếp, chỉ số đại diện cho HoSE vượt qua ngưỡng quan trọng này trong phiên nhưng đến cuối phiên đều quay đầu giảm điểm.
Trạng thái tích cực trong phiên đầu tuần nối dài sự phục hồi sau phiên giảm mạnh thứ 5 tuần trước. Thị trường chốt phiên giao dịch ngày thứ Hai (4/3) với mức tăng gần 1,5%, kéo VN-Index vượt qua ngưỡng 990 điểm. Sắc xanh lan tỏa ra toàn thị trường khi bên mua áp đảo bên bán, từ các mã trụ chính như VIC, VNM, HPG, PNJ cho tới những dòng midcap đang được săn đón như GTN, VCG, DXG... đều tăng mạnh. Tuy nhiên càng về cuối tuần, áp lực chốt lời tại vùng đỉnh càng gia tăng.
Phiên giao dịch ngày thứ Ba (5/3) thị trường đã ngay lập tức đóng cửa trong sắc đỏ. Mặc dù về mặt chỉ số chỉ giảm 0,15%, nhưng biên độ trong phiên được nới rộng ra rất nhiều khi VN-Index có thời điểm vượt qua ngưỡng 1.000 điểm nhưng bị đánh úp cuối phiên, giảm về dưới 994 điểm. Các mã trụ lớn chịu áp lực chốt lời, đặc biệt là VHM và VIC, trong khi dòng tiền trở nên thận trọng hơn.
Những phiên tiếp sau đó là sự luân phiên giữa những trụ chính giúp thị trường không bị giảm sâu, tuy nhiên động lực tăng đã dần bị triệt tiêu khi áp lực chốt lời quá lớn. Biên độ cuối phiên giảm xuống chỉ còn vài điểm nhưng biên độ trong phiên tiếp tục ở mức cao, biểu hiện của sự giằng co mạnh.
YEG, cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán, là một trong những điểm nhấn của tuần qua khi giảm sàn cả 5 phiên giao dịch trong tuần. Nguyên nhân chính là lo ngại của nhà đầu tư vào hoạt động của công ty này sau sự cố với đối tác Youtube. Trong báo cáo phân tích mới đây, HSC đã hạ mức giá mục tiêu cho YEG về gần một nửa so với định giá trước đó với kịch bản xấu nhất lợi nhuận của Yeah1 giảm tới 83%.
Những mã tăng mạnh trong tuần trước, như GTN, dù vẫn duy trì sắc xanh song biên độ giao dịch mỗi phiên đã giảm đi đáng kể. Chuỗi phiên tăng trần liên tiếp khiến mức sinh lời ngắn hạn của cổ phiếu này được đẩy lên cao, từ đó dẫn tới động thái chốt lời ở vùng đỉnh của nhà đầu tư nắm giữ.
Tuy nhiên, khi midcap có sự phân hóa thì những cổ phiếu thuộc nhóm "trà đá" bất ngờ được quan tâm. KLF ghi nhận hai phiên tăng trần liên tiếp với thanh khoản vài triệu cổ phiếu mỗi phiên, OGC âm thầm đi lên bất chấp thị trường, trong khi HAG, HSG, DRH tiếp tục có những phiên tăng mạnh.
Triển vọng trong tuần tới tiếp tục là thử thách vùng 1.000 điểm của VN-Index. Việc hai lần chinh phục không thành công đã tạo ra lực cản vô hình ở vùng đỉnh với một bộ phận nhà đầu tư đang ôm cổ phiếu giá cao. Tuy nhiên vùng giá 990 cũng tương đối vững chắc khi được giao dịch trong hai tuần liên tiếp. Trạng thái giằng co được dự báo sẽ được đẩy lên mức cao và trong trường hợp tiếp tục không vượt qua được vùng 1.000 điểm, khả năng lùi về ngưỡng hỗ trợ phía sau là điều có thể xảy ra.
2. Chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm
Thị trường chứng khoán Mỹ đã có tuần giảm điểm đầu tiên kể từ cuối tháng 12. Các chỉ số giao dịch khá yếu trong suốt cả tuần. Kết thúc tuần, chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.450 điểm (giảm 2,21%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.408 điểm (giảm 2,46%). Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.743 điểm (giảm 2,14%) và đã nằm dưới mức trung bình 200 ngày, một ngưỡng được theo dõi chặt chẽ bởi các nhà phân tích kỹ thuật. Chỉ số biến động Cboe (VIX), tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 1.
Các cổ phiếu ngành năng lượng và công nghiệp là những cổ phiếu diễn biến kém nhất khi giá dầu giảm và giới đầu tư lo ngại sâu sắc về sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu. Cổ phiếu ngành vận tải cũng rất yếu. Bảng lương phi nông nghiệp được Bộ Lao động Mỹ công bố vào thứ 6 cho thấy trong tháng 2, nền kinh tế Mỹ chỉ tạo ra thêm 20 ngàn việc làm mới, một con số khá thấp. Tuy nhiên thu nhập trung bình của người lao động tăng nhẹ và tỷ lệ thất nghiệp giảm là một dấu hiệu tích cực.
Các chỉ số chứng khoán châu Âu cũng giảm điểm trong tuần do triển vọng tăng trưởng kinh tế suy giảm. Vào ngày thứ 5, ECB đã gây ngạc nhiên cho thị trường khi có giọng điệu ôn hòa hơn dự đoán khi cắt giảm dự báo tăng trưởng của khu vực, và tuyên bố sẽ không tăng lãi suất tới ít nhất là vào cuối năm 2019.
Đối với các nhà đầu tư, động thái này dường như nhấn mạnh tác động tiêu cực rằng căng thẳng thương mại và các căng thẳng chính trị tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng ở khu vực đồng euro và trên toàn cầu. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.104 điểm (giảm 0.03%). Chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 11.457 điểm (giảm 1,24%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.231 điểm (giảm 0,65%).
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đóng cửa ở 21.025 điểm (giảm 2,7%) trong tuần. Chứng khoán giảm điểm đã khiến dòng tiền chảy một phần sang đồng Yên Nhật để trú ẩn, khiến đồng tiền này tăng nhẹ và đóng cửa ở mức 110,9 yên/đô la Mỹ.
Tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda tiếp tục khẳng định lập trường nới lỏng tiền tệ, và tuyên bố rằng ngân hàng trung ương đã sẵn sàng tăng kích thích khi cần thiết để đảm bảo phục hồi kinh tế Nhật Bản. Trong khi đó Bộ Kinh tế Nhật Bản báo cáo rằng sản xuất công nghiệp đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong một năm qua. Các lĩnh vực xe cơ giới và thiết bị điện tử giảm sút trong khi doanh số bán lẻ nằm dưới hầu hết các dự báo.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm điểm trong tuần qua, và đặc biệt giảm mạnh trong phiên thứ 6, sau khi dữ liệu về xuất khẩu của nước này được công bố với mức giảm tới 20%, đồng thời nhập khẩu cũng giảm tháng thứ 3 liên tiếp. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.969 điểm (giảm 0,84%) và Hang Seng Index đóng cửa ở 28.228 điểm (giảm 2,03%).
Các nhà điều hành kinh tế của Trung Quốc cũng hạ mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 6,5% xuống 6,0% từ mức 6,5%. Năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,6%, tốc độ chậm nhất kể từ năm 1990. Tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ giảm bớt trong năm nay khi nước này đối phó với tác động của xung đột thương mại với Mỹ và tỷ lệ nợ trong nước vẫn ở mức cao.