[Điểm nóng TTCK tuần 05/11 – 11/11] Chứng khoán Việt mang tâm lý thận trọng, TTCK thế giới biến động trái chiều
Thị trường đang tiếp nhận khá nhiều tin tức mới. Tuy nhiên, qua theo dõi diễn biến giá và phân lớp cổ phiếu dường như cho thấy sự nhạy cảm trong tâm lý đang bị tác động bởi yếu tố giá dầu…
1. TTCK Việt Nam mang tâm lý thận trọng
Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần giao dịch thiếu tích cực. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 914,29 điểm (giảm 1,15%) và HNX-Index chốt phiên ở 103,01 điểm, (giảm 1,46%) so với tuần liền trước đó.
Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây
Trong bối cảnh thị trường trong nước vẫn đang có sự liên hệ chặt chẽ với thị trường Mỹ, diễn biến của các chỉ số trong phiên đầu tuần có thể là hệ quả của việc nhà đầu tư chờ đợi thông tin liên quan đến bầu cử giữ nhiệm kỳ và cuộc họp của FED ngày 08/11. Thanh khoản thấp cùng độ rộng co hẹp là dấu hiệu đặc trưng cho thấy dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng nhập cuộc trở lại.
Trong nửa đầu phiên giao dịch mở đầu tuần mới, chính tâm lý thận trọng đã khiến các chỉ số dao động tiêu cực. Hầu hết các Bluechips đều giảm giá trong khi lực cầu cạn kiệt khiến áp lực bán hoàn toàn chi phối xu hướng. Sang đến phiên chiều, sự hồi phục của các cổ phiếu dầu khi và ngân hàng đã giúp kích thích lực cầu hoạt động tích cực hơn. Đà giảm thu hẹp dần về cuối phiên giúp tín hiệu xu hướng cải thiện đáng kể. Dường như đây là một trong những phiên giao dịch mà sắc xanh hiện hữu hiếm hoi của tuần.
Những phiên giao dịch sau đó, nhóm ngành dầu khí trước thông tin giá dầu sụt giảm đã chịu sự pha điều chỉnh dòng đáng kể. Tuy nhiên dòng tiền tích cực vẫn đang hoạt động tại các cổ phiếu đóng vai trò leader trong nhịp tạo đáy của VN-Index như: BVH, TPB, VHC, VRE… Đặc biệt là nhóm ngành thủy hải sản với các ngôi sao như VHC, FMC, ANV bất chấp đà giảm của VN-Index.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày thứ 6, VN-Index đánh mất 11,99 điểm và lùi về chốt phiên tại 914,29 điểm. Trong khi VHM cùng hai Bluechips khác là BVH và NVL vẫn nỗ lực phục hồi, thúc đẩy chỉ số theo chiều đi lên, phần lớn cổ phiếu thuộc VN30 lại biến động khá tiêu cực. Nhóm dầu khí đã đồng thuận giảm giá với sự dẫn dắt của cổ phiếu GAS ngay từ đầu phiên giao dịch. Dòng tiền chịu áp lực tâm lý sau đó đã chủ động rút khỏi các Bluechips khác như: HPG, MBB, VCB, TCB, CTG… khiến VN-Index biến động giảm khá dồn dập xuyên suốt phiên giao dịch.
Thị trường đang tiếp nhận khá nhiều tin tức mới. tuy nhiên, qua theo dõi diễn biến giá và phân lớp cổ phiếu dường như cho thấy sự nhạy cảm trong tâm lý đang bị tác động bởi yếu tố giá dầu. Diễn biến giá dầu thế giới vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan hơn kể từ khi đồ thị giá dầu WTI tạo đỉnh vào thời điểm đầu tháng 10/2018. Làn sóng rút ra chủ động tại các cổ phiếu thuộc nhóm này một lần nữa kích hoạt tâm lý bi quan trên diện rộng.
Theo các chuyên gia FPTS, trong bối cảnh các nhóm ngành trụ cột gồm ngân hàng, thực phẩm, dầu khí đang có dấu hiệu tiêu cực trở lại thì xu hướng chung được dự báo sẽ bi quan hơn trong tuần tới. Nhà đầu tư sẽ cần thận trọng hơn với các quyết định lướt sóng ngắn hạn.
Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự đồng thuận tăng "tích cực" về thanh khoản trong các phiên giao dịch trong tuần. Tâm lí short vẫn đang chiếm xu thế chủ đạo. Tuần qua cả 4 HĐTL đều biến động mạnh khá khó lường, tạo cơ hội cũng như rủi ro lớn cho nhà đầu tư giao dịch trong phiên. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai tuần qua đang khá lớn, tương ứng đạt 147.780 hợp đồng.
2. TTCK thế giới biến động trái chiều
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong 3 phiên đầu tuần sau đó điều chỉnh nhẹ vào 2 phiên cuối tuần. Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.781 điểm (tăng 2,13%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.989 điểm (tăng 2,85%), và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.406 điểm (tăng 0,68%).
Biến động chỉ số DJIA trong 1 tháng
Các cổ phiếu ngành chăm sóc sức khỏe có diễn biến tốt nhất trong tuần, cùng với cổ phiếu ngành bảo hiểm sau khi đảng Dân chủ giành đa số ghế trong Hạ viện. Trong khi đó các cổ phiếu ngành dịch vụ truyền thông có diễn biến tồi tệ nhất. Các cổ phiếu năng lượng cũng suy yếu, do giá dầu giảm mạnh.
Các chỉ số chứng khoán của Châu Âu chỉ biến động nhẹ trong tuần, do chịu áp lực bởi tâm lý lo ngại lãi suất của Mỹ tăng cao, và báo cáo thu nhập của doanh nghiệp gây thất vọng. Chỉ số FTSE 100 đóng cửa ở 7.105 điểm (tăng 0,16%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 11.529 điểm (tăng 0,1%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.106 điểm (tăng 0,08%).
Quan hệ của Ý và EU vẫn căng thẳng sau khi Ý tuyên bố sẵn sàng vi phạm giới hạn thâm hụt ngân sách 3% của EU vào năm 2020. Các dữ liệu kinh tế tiếp tục cho thấy dấu hiệu của tăng trưởng chậm lại trên toàn khu vực bởi lo ngại về chiến tranh thương mại, giá dầu cao và sự bất ổn tổng thể. Chỉ số PMI của Eurozone đã giảm trong tháng 10 xuống 53,1, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2016 và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu giảm lần đầu tiên kể từ năm 2014.
Đối với Nhật Bản, thị trường cũng biến động nhẹ trong tuần qua. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở mức 22.250 điểm (tăng 0,03%). Đóng cửa phiên giao dịch hôm thứ Sáu, đồng Yên đứng ở mức 113,79 Yên / đô la Mỹ.
Vào ngày thứ Tư, Văn phòng Nội các Nhật Bản đã báo cáo rằng các chỉ số kinh tế đã có dấu hiệu giảm lần đầu tiên kể từ tháng 5 năm 2015. Các dữ liệu của chính phủ, đo lường sản lượng công nghiệp, việc làm và doanh số bán lẻ, cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đang chững lại. Xuất khẩu chậm hơn được coi là nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái kinh tế.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm trở lại sau một vài tuần hồi phục. Kết thúc tuần, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.598 điểm (giảm 2,91%) và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 25.601 điểm (giảm 3,34%). Xuất khẩu tháng 10 của Trung Quốc vẫn tăng đáng kể 15,6% bất chấp việc áp đặt thuế quan của Mỹ.
Nhập khẩu cũng tăng hơn dự kiến của các nhà kinh tế, mặc dù nhập khẩu từ Mỹ đã giảm trong tháng thứ hai liên tiếp. Sự gia tăng xuất khẩu của tháng 10 được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ từ cả hai thị trường phát triển và mới nổi, cũng như từ các doanh nghiệp đổ xô đặt hàng xuất khẩu trước khi các chính sách thuế quan có hiệu lực.
Đồng Nhân dân tệ yếu hơn cũng đã bù đắp ảnh hưởng của thuế quan từ Mỹ, khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn cho người mua ở nước ngoài và xóa sạch tác động trừng phạt của Mỹ. Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã thu hẹp 31,8 tỷ USD trong tháng trước, giảm so với mức kỷ lục 34,1 tỷ USD của tháng 9 nhưng vẫn là một con số tương đối cao.