MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 08/07 – 14/07] Chứng khoán Việt Nam nỗ lực hồi phục, Chứng khoán thế giới diễn biến trái chiều

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang tiếp tục nỗ lực hồi phục khi mùa công bố kết quả kinh doanh đang đến.

1. TTCK Việt Nam vẫn đang nỗ lực phục hồi

Những gì diễn ra trên bảng điện tuần qua tiếp tục cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang tiếp tục nỗ lực hồi phục. VN-Index kết thúc tuần với mức 975,4 điểm, chỉ tăng gần 3 điểm so với mở cửa phiên giao dịch đầu tuần. Trong khi đó trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng tăng điểm nhưng biên độ cũng giữ ở mức thấp.

[Điểm nóng TTCK tuần 08/07 – 14/07] Chứng khoán Việt Nam nỗ lực hồi phục, Chứng khoán thế giới diễn biến trái chiều - Ảnh 1.

Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây


Tâm điểm trong tuần giao dịch vừa qua không nằm ở chỉ số mà ở diễn biến cụ thể từng nhóm cổ phiếu.

VN-Index ghi nhận 3 phiên tăng, 2 phiên giảm với tổng biến động của chỉ số gần như không thay đổi nhiều. Diễn biến giao dịch chủ yếu nhờ nhóm cổ phiếu trụ luân phiên giữ nhịp thị trường, dòng tiền không có quá nhiều đột biến. Tuy nhiên, ở nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và penny, biến động có phần khốc liệt hơn.

Cổ phiếu VCR của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex là một ví dụ. Sau khi trở thành một trong những cổ phiếu tâm điểm trên HNX nhờ đà tăng tính bằng lần chỉ trong thời gian ngắn, cổ phiếu này bất ngờ sụt giảm mạnh. Cả tuần chìm trong sắc đỏ, VCR đến phiên giao dịch gần nhất chỉ còn trên 20.000 đồng, giảm hơn 1/3 so với mức đỉnh cuối tháng 6.

Trong khi đó, một số cổ phiếu hút dòng tiền trở lại như cổ phiếu hạ tầng khu công nghiệp hay một số cái tên cá biệt như HAX, GAB bất ngờ tăng trần nhiều phiên liên tiếp.

Trên thị trường chứng quyền, sau tuần giao dịch sôi động ngay khi đưa sản phẩm này vào giao dịch, tuần vừa qua chứng kiến thanh khoản giảm mạnh. Giá các chứng quyền những cổ phiếu nóng như FPT, MWG hay PNJ cũng không biến động mạnh như tuần đầu tiên giao dịch.

Sức nóng trên thị trường này đã giảm đi đáng kể khi xuất hiện nghi ngại cho rằng giá chứng quyền đã tăng phi lý so với ước tính trước đó của tổ chức phát hành. Các công ty chứng khoán cũng cho biết có khả năng phát hành thêm chứng quyền để tăng cung, nhằm đưa giá sản phẩm này về mức giá thực.

2. TTCK thế giới diễn biến trái chiều

Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều tăng điểm trong tuần. Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 3.013 điểm (tăng 1,14%) và chỉ số Dow Johnes Industrial Average đóng cửa ở 27.332 điểm (tăng 1,85%). Cả 2 chỉ số đều đạt mức cao kỷ lục mới. Chỉ số hỗn hợp Nasdaq Composite đóng cửa ở 8.244 điểm (tăng 1,63%).

Nhóm cổ phiếu công nghệ là một trong những hoạt động tốt nhất. Cổ phiếu ngành năng lượng cũng hoạt động tốt nhờ vào việc giảm lượng dự trữ dầu thô của Mỹ. Kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Fed thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong suốt tuần. Sau buổi điều trần của Chủ tịch Fed trước quốc hội Mỹ, các nhà đầu tư đã tỏ ra hài lòng khi ông Powell cho biết những bất ổn của xung quanh căng thẳng thương mại và những lo ngại về sức mạnh của nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đè nặng lên triển vọng kinh tế của Mỹ.

Thị trường chứng khoán ở châu Âu giảm điểm mặc dù có dấu hiệu mới cho thấy Fed và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đang xem xét các biện pháp kích thích kinh tế hơn nữa. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.505 điểm (giảm 0,64%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.323 điểm (giảm 1,74%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.572 điểm (giảm 0,14%).

Pháp trở thành mục tiêu mới nhất của chính sách thương mại của Mỹ sau khi Thượng viện Pháp thách thức các mối đe dọa thương mại của Mỹ và phê chuẩn mức thuế mới trong lĩnh vực kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ nước ngoài. Thuế 3% sẽ áp dụng cho doanh thu kiếm được ở Pháp của khoảng 30 công ty lớn, hầu hết là từ Mỹ. Tổng thống Trump đã phản ứng bằng cách ra lệnh xem xét các phương án áp dụng thuế quan hoặc hạn chế thương mại đối với hàng hóa của Pháp.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm điểm trong tuần trước. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 21.685 điểm (giảm 0,28%). Đồng yên ít thay đổi trong tuần và đứng ở mức 108,25 yên/đô la Mỹ. Theo báo cáo mới nhất, chi tiêu hộ gia đình tại Nhật Bản tăng 4% so với cùng kỳ năm trước dường như là một dấu hiệu tích cực cho các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản. Dữ liệu của chính phủ cho thấy mức tiêu thụ nội địa tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5 năm 2015 và mạnh hơn nhiều so với dự báo trung bình của các nhà phân tích. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát khác của chính phủ Nhật Bản cũng cho thấy rằng niềm tin của người tiêu dùng đang có dấu hiệu suy yếu.

Các chỉ số chứng khoán ở Trung Quốc giảm điểm trong tuần, khi vấn đề thương mại của Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu cải thiện, cũng như do các cuộc biểu tình tại Hồng Kông tuần trước.

Chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 28.471 điểm (giảm 0,15%) và chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.930 điểm (giảm 2,24%). Hôm thứ Sáu, Trung Quốc cho biết tăng trưởng xuất khẩu của nước này trong tháng 6 đã chậm lại 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm 7,3% so với dự kiến .


Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên