MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 12/11 – 18/11] Chứng khoán Việt giằng co, TTCK thế giới trải qua bão táp ngoại trừ Trung Quốc

Tiếp tục chịu ảnh hưởng tâm lý từ biến động thị trường thế giới, dường như thị trường chứng khoán Việt Nam cũng biến động rất mạnh trong phiên giao dịch trong tuần…

1. TTCK Việt Nam biến động giằng co

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần giao dịch giằng co khá khó chịu. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 898,19 điểm (giảm 1,75%) và HNX-Index chốt phiên ở 103,01 điểm, (tăng 0,01%) so với tuần liền trước đó. Tiếp tục chịu ảnh hưởng tâm lý từ biến động thị trường thế giới, dường như thị trường chứng khoán Việt Nam cũng biến động rất mạnh trong phiên giao dịch trong tuần.

[Điểm nóng TTCK tuần 12/11 – 18/11] Chứng khoán Việt giằng co, TTCK thế giới trải qua bão táp ngoại trừ Trung Quốc - Ảnh 1.

Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây


Mở đầu phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới, chỉ số VN-Index đảo chiều tăng nhẹ 3,83 điểm điểm lên đứng tại 918,12 điểm. Trong số các blue-chips đóng vai trò lực đẩy của thị trường đầu tuần, chỉ duy nhất có SAB và BVH là vẫn đang duy trì tín hiệu xu hướng tích cực ngắn hạn.

Trái ngược với phiên giao dịch ngày thứ 2, kết thúc phiên 13/11, chỉ số VN-Index đảo chiều giảm với 12,74 điểm điểm và lùi về mốc 905,38 điểm. Độ rộng thị trường mở rộng về chiều khá tiêu cực với 275 mã giảm và 155 mã tăng giá. Tâm lý bi quan dường vẫn đang bao trùm sàn HOSE, dòng tiền bán chủ động tiếp tục được mở rộng tại nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí. Trong đó, một số trụ cột đã chớm hình thành trạng thái dò đáy ngắn hạn như: GAS, CTG, MBB, HDB…

Ở chiều ngược lại, nỗ lực phục hồi từ SAB và BVH mặc dù vẫn được duy trì, tuy nhiên do sự hạn chế về sức mạnh thị trường nên hai cổ phiếu này ghi nhận tác động nâng đỡ không đáng kể tới VN-Index.

Phiên giao dịch cuối cùng của tuần, phiên ngày thứ 6, nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí tiếp tục là nhân tố chủ đạo hỗ trợ thị trường phục hồi. Dòng tiền tích cực không chỉ lan tỏa rộng trong hai nhóm ngành này mà còn đẩy mạnh tại một số cổ phiếu như: BID, VCB, PVS, PVD. Tuy nhiên càng về cuối phiên thì tâm lý bán ra tại vùng giá cao vẫn liên tiếp chi phối mạnh khiến đà tăng của nhóm này suy yếu khi về cuối phiên chiều. Điểm nhấn là VPB vẫn giữ được mức tăng trần trong phiên giao dịch cuối tuần sau khi thông tin cổ đông lớn đăng kí mua cổ phiếu được công bố đã khiến VPB có một phiên phục hồi ngắn hạn.

Cổ phiếu VNM và nhóm cổ phiếu thuộc Vingroup là những gánh nặng gây cản trở phần nào động lực phục hồi. Trong đó, VHM là cổ phiếu chịu tác động rút vốn mạnh và tác động giảm lớn nhất tới VN-Index trong phiên ngày thứ Sáu.

Dường như sau khi VN-Index trải qua một tuần giảm điểm và lùi về kiểm định vùng 890 – 900 điểm, diễn biến đảo chiều của chỉ số trong phiên cuối tuần đang dẫn chiếu đến khả năng vùng hỗ trợ này được củng cố.

Theo các chuyên gia FPTS nhận định, sức hút dòng tiền tại nhóm ngân hàng và dầu khí mở rộng trong 2 phiên qua khả năng vừa đủ để làm đối trọng với áp lực do dòng tiền rút ra tại một số trụ cột thuộc Vingroup. Diễn biến này có thể giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền đang đứng ngoài thị trường.

Có nhiều khả năng thị trường sẽ đón nhận nhịp phục hồi trong diễn biến tuần kế tiếp. Mục tiêu gần được xác định tại khu vực 915 – 917 điểm. Khả năng phục hồi đi xa hơn sẽ được đánh giá lại và phụ thuộc nhiều vào quy luật vận động cùng sức bền của dòng tiền trên thị trường.

Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự đồng thuận tăng "tích cực" về thanh khoản trong các phiên giao dịch trong tuần. Tuần qua cả 4 HĐTL đều biến động khá mạnh trong phiên với biên độ dao động khá lớn, tạo cơ hội cũng như rủi ro lớn cho nhà đầu tư giao dịch trong phiên. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai tuần qua đạt 129.579 hợp đồng.

2. TTCK thế giới trải qua bão táp ngoại trừ Trung Quốc

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong tuần, đặc biệt là phiên giao dịch hôm thứ Hai. Các chỉ số tiếp tục giảm cho tới ngày thứ Tư trước khi hồi phục trở lại. Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.736 điểm (giảm 1,62%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.413 điểm (giảm 2,2%), và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.247 điểm (giảm 2,15%).

Các cổ phiếu ngành công nghệ và Internet tiếp tục suy yếu. Trong khi đó cổ phiếu các ngành nguyên vật liệu, bất động sản, và công nghiệp tăng trưởng tốt hơn. Mối quan tâm về vấn đề thương mại dường như là yếu tố chính dẫn dắt tâm lý nhà đầu tư trong tuần. Lo ngại về chiến tranh thương mại được giảm bớt sau khi các thông tin về các nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trước cuộc họp G-20 sắp tới.

[Điểm nóng TTCK tuần 12/11 – 18/11] Chứng khoán Việt giằng co, TTCK thế giới trải qua bão táp ngoại trừ Trung Quốc - Ảnh 2.

Đồng thời chứng khoán châu Âu tiếp tục suy yếu do ảnh hưởng từ tiến trình Brexit và vấn đề ngân sách của Ý với Liên minh châu Âu. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.013 điểm (giảm 1,29%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 11.341 điểm (giảm 1,63%) và CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.025 điểm (giảm 1,59%). Trong đó các cổ phiếu ngân hàng giảm giá mạnh nhất. Đồng bảng Anh và đồng euro cùng chịu áp lực giảm giá so với đồng USD trong tuần qua.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng giảm điểm trong tuần qua. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở mức 21.680 điểm (giảm 2,56%) và chỉ TOPIX Index đóng cửa ở 1.629 điểm (giảm 0,25%). Đồng yên đứng ở mức 113,02 Yên/ đô la Mỹ, gần như không thay đổi trong tuần.

Văn phòng nội các Nhật Bản đã báo cáo rằng nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 1,2% trong quý vừa qua. Tuy nhiên các số liệu khác lại không được như kỳ vọng của thị trường. Cụ thể, xuất khẩu giảm 1,8%, lớn nhất trong hơn ba năm. Nhập khẩu giảm 1,4% và chi phí vốn giảm 0,2%, mức giảm đầu tiên trong hai năm.

Ở chiều ngược lại, thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng điểm trong tuần, khi các mối lo ngại về thương mại đã giảm xuống. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.679 điểm (tăng 3,12%), trong khi chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 26.183 điểm (tăng 2,27%).

Các chỉ số kinh tế công bố vào giữa tuần đã trấn an các nhà đầu tư rằng nền kinh tế Trung Quốc đang ở mức ổn định bất chấp sự rạn nứt thương mại và sản xuất công nghiệp tăng thấp hơn dự kiến, doanh số bán lẻ tăng trưởng chậm nhất kể từ tháng 5. Trong những tháng gần đây, các quan chức Trung Quốc đã đẩy mạnh các chính sách để ngăn chặn tăng trưởng kinh tế chậm lại do chính sách thuế quan của Mỹ.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên