MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 14/01– 20/01] Chứng khoán Việt Nam tăng giảm đan xen, thế giới ghi nhận tuần lễ tích cực

Sự phân hóa là tương đối mạnh khi nhiều nhóm cổ phiếu đang tách tốp và hình thành xu hướng riêng. Nhà đầu tư nên tập trung vào các mã cổ phiếu riêng lẻ và không cần quá quan ngại đến các chỉ số chung…

1. Chứng khoán Việt Nam tăng giảm đan xen tuần qua

Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua chứng kiến sự đan xen tăng giảm nhịp nhàng. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 902,30 điểm (-0,05%) và HNX-Index chốt phiên ở 101,56 điểm, (-0,3%) so với tuần liền trước.

Thị trường mở cửa phiên giao dịch đầu tuần trong tâm lý khá thận trọng. Thông tin Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam đã hỗ trợ tốt cho nhóm dệt may và thủy sản trong phiên đầu tuần mới. Tuy nhiên, thị trường bắt đầu xuất hiện diễn biến giằng co và rung lắc do ảnh hưởng bởi diễn biến tiêu cực của một số cổ phiếu bluechips VNM, GAS, VIC, SAB cùng sự suy yếu của các cổ phiếu nhóm ngân hàng.

Với thanh khoản ngày càng cạn kiệt, VN-Index nhanh chóng bị mất mốc 900 điểm khi khép lại phiên giao dịch thời điểm đầu tiên. Chỉ đến khi lực cầu quay lại nơi các cổ phiếu vốn hóa lớn VHM, VNM, VCB, CTG, thị trường mới thu hẹp đà giảm đáng kể trên ngưỡng kháng cự 900 điểm.

[Điểm nóng TTCK tuần 14/01– 20/01] Chứng khoán Việt Nam tăng giảm đan xen, thế giới ghi nhận tuần lễ tích cực - Ảnh 1.

Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây

Những phiên giao dịch tiếp theo, trước đà giảm của chỉ số toàn cầu, thị trường mở cửa vẫn theo chiều hướng thận trọng. Tuy nhiên, nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng sự bứt phá của cổ phiếu họ Vingroup VHM, VRE, VIC, các chỉ số nhanh chóng được kéo lên trên mốc tham chiếu với thanh khoản dần cải thiện.

Mặc dù sức cầu thị trường chưa thực sự mạnh, song việc các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn duy trì đà tăng tích cực, từ đó dòng tiền lan tỏa ra các nhóm ngành ngân hàng, dầu khí, bất động sản – xây dựng, chứng khoán,… đã giúp đà tăng của VN-Index được bảo toàn. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngành dệt may tiếp tục là điểm sáng trên thị trường khi TCM, TNG, STK, MSH đều tăng rất mạnh nhờ hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam.

Sau phiên giảm điểm mạnh bất ngờ ngày hôm thứ 5, phiên giao dịch ngày thứ 6 thị trường đã chứng kiến những nỗ lực tăng điểm của chỉ số VN-Index nhưng gần như không có kết quả. Dường như thị trường đang điều chỉnh sau nhịp phục hồi trước đó. Các cổ phiếu lớn tăng giảm xen kẽ và có thể nhận thấy áp lực bán khá lớn ở nhiều mã vốn hóa lớn.

Theo các chuyên gia chứng khoán VDSC, đây có thể là phản ứng của thị trường trước khi bước vào kỳ cơ cấu lại rổ VN30. Sự phân hóa là tương đối mạnh khi nhiều nhóm cổ phiếu đang tách tốp và hình thành xu hướng riêng. Nhà đầu tư nên tập trung vào các mã cổ phiếu riêng lẻ và không cần quá quan ngại đến các chỉ số chung.

Đối với thị trường CK phái sinh, tuần qua đã ghi nhận một tuần giao dịch trầm lặng hơn mang tâm lý do dự. Điểm nhấn đặc biệt là basis tuần qua tiếp tục thu hẹp trong những phiên giao dịch gần hết tuần lễ. So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua không có nhiều xáo trộn. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 103.000 hợp đồng.

2. Thị trường thế giới ghi nhận tuần tăng điểm tích cực

Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần thứ tư liên tiếp tăng điểm tích cực dựa trên những tuần khởi đầu mạnh mẽ của năm 2019. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 24.706 điểm (tăng 2,96%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.157 điểm (tăng 2,67%) và S&P 500 đóng cửa ở 2.670 điểm (tăng 2,85%).

[Điểm nóng TTCK tuần 14/01– 20/01] Chứng khoán Việt Nam tăng giảm đan xen, thế giới ghi nhận tuần lễ tích cực - Ảnh 2.

Nhóm cổ phiếu tài chính tăng mạnh nhất thị trường, được hỗ trợ bởi báo cáo thu nhập tốt hơn mong đợi từ một số ngân hàng lớn. Khối lượng giao dịch có phần giảm xuống, đặc biệt là vào đầu tuần. Tranh chấp thương mại của Mỹ với Trung Quốc vẫn là tâm điểm thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, khi các cuộc đàm phán giữa lãnh đạo 2 bên thu được những kết quả đáng mừng thì Mỹ lại tiếp tục theo đuổi một cuộc điều tra tội phạm chống lại gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies.

Chứng khoán châu Âu tăng điểm cùng với thị trường toàn cầu khi xuất hiện các dấu hiệu cho thấy Mỹ và Trung Quốc có thể giải quyết căng thẳng thương mại và tăng khả năng Brexit sẽ bị trì hoãn sau khi đề xuất của Thủ tướng Anh Theresa May bị đánh bại áp đảo tại Quốc hội. Kết thúc tuần, chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 6.968 điểm (tăng 0,72%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 11.205 điểm (tăng 2,92%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 4.875 điểm (tăng 1,97%). Tuần qua dữ liệu cho thấy nền kinh tế Đức đã giảm tốc mạnh do chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại và sự yếu kém của các thị trường xuất khẩu chính. GDP tăng 1,5% trong năm 2018, yếu nhất trong 5 năm trở lại đây.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng tiếp tục tăng điểm trong tuần qua. Chỉ số Nikkei đóng cửa ở mức 20.666 điểm (tăng 1,51%). Đồng yên đứng ở mức 109,5 yên/đô la Mỹ. Tuần qua dữ liệu kinh tế cho thấy lạm phát so với cùng kỳ đã giảm xuống 0,3%, phản ánh sự sụt giảm giá cả trong thực phẩm, nhà ở và giao thông vận tải.

Tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm 2017. Ngân hàng trung ương Nhật Bản dự kiến ​​sẽ cắt giảm dự báo lạm phát cho tài khóa 2019, bắt đầu vào tháng 4, xuống còn khoảng 1% dựa trên sự sụt giảm giá dầu gần đây và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng điểm do sự lạc quan về khả năng hàn gắn rạn nứt thương mại với Mỹ sau khi chính quyền Trump đang cân nhắc đẩy lùi thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc để tiến hành đàm phán. Trong tuần, Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.596 điểm (tăng 1,68%) và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 27.090 điểm (tăng 1,73%).

Một bài báo của Bloomberg hôm thứ Sáu đã cho biết Trung Quốc đã đề xuất một cuộc mua bán hàng hóa của Mỹ kéo dài sáu năm với tổng cộng hơn 1 nghìn tỷ đô la để loại bỏ thặng dư thương mại quốc gia với Mỹ vào năm 2024.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên