[Điểm nóng TTCK tuần 14/10 – 20/10] Chứng khoán Việt Nam trầm lắng, thế giới phục hồi
Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần lễ giao dịch trầm lắng khi hầu hết những nỗ lực đều thất bại vào cuối những phiên giao dịch…
1.TTCK Việt Nam giao dịch trầm lắng
Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường giao dịch trầm lắng. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa dừng ở mức 989.2 điểm và HNX-Index chốt phiên ở 105,48 điểm.
Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây
VN-Index đã có một tuần giảm điểm nhẹ, mở cửa đầu tuần với sắc xanh nhưng đà tăng đã không giữ vững được và bị giảm nhẹ trong những phiên giao dịch cuối tuần.
Theo các chuyên gia VDSC, sau vài phiên không vượt qua được vùng kháng cự mạnh 995-1.000 điểm thì dường như bên bán đang mất kiên nhẫn. Lực bán luôn có hiện tượng gia tăng về cuối phiên. Vùng hỗ trợ của VN-Index trong ngắn hạn là vùng 980-985 điểm.
Các chỉ báo kỹ thuật như MACD và RSI dần chuyển sang tiêu cực. Đường MACD đang nằm dưới đường tín hiệu, đường RSI có khả năng sẽ sớm giảm xuống dưới ngưỡng 50 nếu lực mua không lấy lại được vị thế trong tuần liền kế tới đây.
Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự giảm về thanh khoản trong các phiên giao dịch trong tuần hơn so với tuần trước. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt mức trung bình, tương ứng đạt 56.853 hợp đồng.
2. TTCK Thế giới hồi phục vào cuối tuần
Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ khi các nhà đầu tư hoan nghênh một số điểm tích cực trong báo cáo thu nhập quý 3 của các doanh nghiệp. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 26.770 điểm (giảm 0,17%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 8.089 điểm (tăng 0,4%) và chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.986 điểm (tăng 0,54%).
Các công ty lớn như JPMorgan Chase, Goldman Sachs, Netflix đã báo cáo mức tăng trưởng mạnh hơn dự kiến khiến giá cổ phiếu tăng rất tích cực trong tuần. Tuy nhiên các chỉ số kinh tế vĩ mô có vẻ như vẫn còn yếu. Sản xuất công nghiệp và doanh số nhà ở bắt đầu giảm nhiều hơn dự báo. Nhưng gây bất ngờ nhất là sự sụt giảm 0,3% của doanh số bán lẻ trong tháng 9, lần giảm đầu tiên kể từ tháng Hai.
Thị trường chứng khoán ở châu Âu tuần qua bị xáo trộn mặc dù có thông tin tích cực về việc Anh và EU đạt được thỏa thuận về các điều khoản mới để Anh rời khỏi EU. Chỉ số FTSE 100 của Vương quốc Anh đóng cửa ở 7.150 điểm (giảm 1,34%), chỉ số DAX của Đức đóng cửa ở 12.633 điểm (tăng 0,98 %) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.636 điểm (giảm 0,51%). Đồng bảng Anh đã nhảy lên mức cao nhất trong năm tháng qua. Chính phủ Đức hạ dự báo tăng trưởng năm 2020 xuống 1% và không thay đổi dự báo tăng trưởng cho năm 2019 là 0,5%. Bộ kinh tế Đức cho rằng sự không chắc chắn của Brexit và xung đột thương mại quốc tế đã làm tổn thương các nhà xuất khẩu của Đức.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 22.492 điểm (tăng 3,18%) trong tuần nhờ kỳ vọng vào các đợt kích thích kinh tế của Ngân hàng trung ương. Đồng yên suy yếu nhẹ và đóng cửa ở mức trên 108 Yên mỗi đô la Mỹ vào thứ Sáu. Dữ liệu của Cục Thống kê Nhật Bản được công bố vào thứ Sáu, cho thấy chỉ số CPI cốt lõi đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2017, gây thêm áp lực cho Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) trong chính sách tiền tệ.
Một cuộc khảo sát của Reuters với 41 nhà kinh tế cho thấy 85% tin rằng động thái tiếp theo của BoJ sẽ là kích thích bổ sung. Ông Haruhiko Kuroda, thống đốc ngân hàng trung ương, đã khẳng định rằng BoJ đang tiến gần hơn đến việc tiếp tục mở rộng kích thích kinh tế để chống lại những ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và tác động của việc tăng thuế tiêu dùng từ tháng 10.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm điểm trong tuần sau khi tăng trưởng kinh tế quý ba của nước này thấp hơn dự báo. Trong tuần, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.938 điểm (giảm 1,2%) trong khi đó chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 26.719 điểm (tăng 1,56%). Mặc dù tăng trưởng chậm lại, nhưng vẫn có khả năng Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 6,0% đến 6,5%. Tuy nhiên, đáng lưu ý rằng GDP quý gần nhất đánh dấu tốc độ tăng trưởng chậm nhất của Trung Quốc kể từ năm 1992. Nó cũng khiến thị trường nghi ngờ rằng các bước kích thích kinh tế của Bắc Kinh trong những tháng gần đây chỉ có tác dụng hạn chế. Các nhà phân tích cho rằng sự phụ thuộc của chính phủ Trung Quốc vào tăng trưởng do tín dụng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khiến cho phạm vi của Trung Quốc đối với việc nới lỏng chính sách tiền tệ bị hạn chế.