[Điểm nóng TTCK tuần 19/11 – 24/11] Chứng khoán Việt hồi phục, TTCK thế giới đồng loạt lao dốc
Thị trường kết thúc tuần giao dịch với nhịp hồi phục của VN-Index, tuy nhiên tâm lý nhà đầu tư vẫn đầy sự do dự…
1. TTCK Việt Nam phục hồi trong sự nghi ngờ
Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần giao dịch hồi phục. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 917,97 điểm (tăng 2,2%) và HNX-Index chốt phiên ở 104,27 điểm, (tăng 1,22%) so với tuần liền trước đó.
Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây
Mở đầu 3 phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới, chỉ số VN-Index thể hiện sự phục hồi. VIC là cổ phiếu có tác động kéo giá mạnh mẽ nhất tới chỉ số VN-Index. Ngoài ra, đà tăng tích cực cũng xuất hiện ở nhiều cổ phiếu lớn nhóm ngân hàng và dầu khí, giúp đà tăng của VN-Index liên tục được mở rộng xuyên suốt thời gian giao dịch.
Các phiên hồi phục xuất hiện tích cực và VN-Index đã nhanh chóng tiếp cận vùng mục tiêu 915 - 922 điểm. Trong đó, tín hiệu đáng chú ý là việc lực cầu giá bắt đáy đang nhập cuộc tại nhóm cổ phiếu trụ cột, đặc biệt là các cổ phiếu đã giảm sâu như VIC và VPB. Diễn biến này được đánh giá tích cực và có thể là một sự khởi đầu thuận lợi bởi các Bluechips luôn là động lực chính của thị trường giá lên. Trong những phiên giao dịch ngày thứ 3 và thứ 4, dòng tiền nóng tiếp tục luân chuyển tích cực tại nhóm Bluechips. Lực cầu thị trường không chỉ mở rộng tại một số cổ phiếu trụ cột như VIC, VHM, VNM.. mà còn tìm kiếm đến những cổ phiếu giảm sâu mới như HPG, AAA, VRE…
Phiên giao dịch cuối cùng của tuần, phiên ngày thứ 6, càng gần mốc kháng cự thì áp lực bán gia tăng đã khiến VN-Index đảo chiều giảm 6,45 điểm và lùi về chốt phiên tại 917,97 điểm. Thị trường giằng co ngay dưới ngưỡng tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch. Các nhóm cổ phiếu phân hóa mạnh, tuy nhiên mức tác động lên VN-Index tính trên mỗi cổ phiếu là không đáng kể.
Càng gần về cuối phiên áp lực cung xuất hiện trên diện rộng trong đó cổ phiếu ngân hàng và một số Bluechips như GAS, VNM, VHM… là nhóm đã gây tác động giảm lớn nhất lên VN-Index. Đặc điểm chung của nhóm này là đều suy yếu về thanh khoản. VIC và BVH là hai cổ phiếu trụ cột đã hỗ trợ thị trường hạn chế diễn biến tiêu cực.
Mặc dù, thị trường kết thúc tuần giao dịch với nhịp tăng điểm mới của VN-Index, tuy nhiên tâm lý nhà đầu tư vẫn đầy sự do dự. Áp lực bán kéo dài chỉ đang tạm ngắt dưới vùng 880 – 900 điểm; trong khi dòng tiền đứng ngoại vẫn chưa thực sự hứng thú với thị trường cơ sở.
Theo chuyên gia FPTS, các quyết định giải ngân mới dường như vẫn đang chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại vi từ thị trường tài chính thế giới. Đặc biệt trong tuần kế tiếp, hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra với tâm điểm là cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung là sự kiện mà nhiều nhà đầu tư quan tâm. Chính vì lẽ đó mà tiêu điểm theo dõi tuần giao dịch kế tiếp của nhà đầu tư là diễn biến VN-Index kiểm định lại đường SMA 20 phiên với vai trò hỗ trợ. Các quyết định giải ngân mới sẽ tạm dừng cho đến khi tín hiệu dòng tiền được cải thiện.
Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự đồng thuận giảm nhẹ về thanh khoản trong các phiên giao dịch trong tuần. Tuần qua cả 4 HĐTL đều biến động biên độ hẹp trong phiên. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai tuần qua đạt 107.505 hợp đồng.
2. TTCK thế giới đồng loạt lao dốc
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm tuần thứ hai liên tiếp chủ yếu do các nhà đầu tư bán tháo vào hôm thứ Hai và thứ Ba. Đóng cửa tuần, chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.632 điểm (giảm 3,8%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 24.285 điểm (giảm 4,44%), và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 6.938 điểm (giảm 4,26%).
Trong các nhóm ngành, cổ phiếu ngành công nghệ và internet chịu tổn thất nặng nhất. Nhóm cổ phiếu năng lượng cũng suy yếu do triển vọng kém của giá dầu. Các mối lo ngại về thương mại cũng quay trở lại khi Phó Tổng thống Mike Pence và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có những lời lẽ khá gay gắt tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế châu Á – Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, chứng khoán châu Âu giảm trong suốt tuần qua khi các vấn đề liên quan đến Brexit và ngân sách của Ý tiếp tục gây lo ngại cho các nhà đầu tư. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 6.952 điểm (giảm 0,87%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 11.192 điểm (giảm 1,31%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 4.946 điểm (giảm 1,57%). Ý tiếp tục bế tắc với EU khi từ chối tham gia vào kế hoạch vay và chi tiêu 2019 ngay cả sau khi Ủy ban châu Âu (EC) bắt đầu các thủ tục chính thức chống lại chính phủ Ý. Lãnh đạo liên minh của Ý tiếp tục thách thức các lời kêu gọi của EC để giảm bớt gánh nặng nợ của mình.
Đối với Nhật Bản, thị trường chứng khoán cũng giảm nhẹ. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở mức 21.646 điểm (giảm 0,16%). Đồng Yên trở lại mức 112,80 Yên/đô la Mỹ, tương đối với tỷ giá hồi đầu năm. Bộ Tài chính Nhật Bản tuần qua cho biết cán cân thương mại tháng trước của Nhật Bản thâm hụt tới 449 tỷ Yên (tương đương khoảng 4 tỷ USD) trong tháng Mười, gấp khoảng 9 lần so với dự báo của các nhà kinh tế.
Lần đầu tiên trong bốn tháng, thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ giảm, ở mức 11% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn mạnh mẽ, và nhập khẩu tăng lên do nhu cầu mạnh mẽ đối với thiết bị may mặc và truyền thông. Vấn đề thâm hụt thương mại ngày càng tăng và các vấn đề chiến tranh thương mại có thể có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong quý cuối cùng của năm 2018.
Tại Trung Quốc, thị trường đại lục và Hồng Kông đã giảm mạnh vào hôm thứ Sáu sau một báo cáo cho biết chính phủ Mỹ đang vận động các đồng minh của mình để tránh mua thiết bị từ Huawei Technologies, với lý do an ninh.
Chỉ số Shanghai Composite Index đóng cửa ở 2.579 điểm (giảm 3,73%), chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 25.927 điểm (giảm 0,98%). Hơn 100 công ty niêm yết trên sàn giao dịch tại Thượng Hải và Thâm Quyến đã tạm dừng giao dịch sau khi cổ phiếu của họ giảm tới 10% vào thứ Sáu – biên độ tối đa trong một ngày được cho phép.