[Điểm nóng TTCK tuần 21/01– 27/01] Chứng khoán Việt Nam tăng giảm đan xen, thế giới ghi nhận tuần lễ giữ nhịp thị trường
Thị trường vẫn duy trì nhịp đi ngang với các nhịp tăng giảm xen kẽ trong biên độ nhỏ. Mức độ dồn nén đang ở mức khá cao và các biến động lớn có thể sẽ sớm xuất hiện. Nhà đầu tư nên tiếp tục tập trung vào các mã cổ phiếu riêng lẻ và không cần quá quan tâm đến các chỉ số chung…
1. Chứng khoán Việt Nam tăng giảm đan xen tuần qua
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua chứng kiến sự đan xen tăng giảm nhịp nhàng. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 908,80 điểm (+0,75%) và HNX-Index chốt phiên ở 102,74 điểm, (+1,17%) so với tuần liền trước.
Với bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới tiếp tục duy trì đà tăng điểm tích cực trong bối cảnh kỳ vọng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ kết thúc cùng việc đón nhận nhiều KQKD khả quan của quý IV/2018. Điều này đã tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư khi thị trường mở cửa các phiên giao dịch đầu tuần trong sắc xanh. Sự hồi phục của nhóm ngành ngân hàng đã giúp VN – Index duy trì sắc xanh trong suốt phiên giao dịch. Diễn biến càng trở nên tích cực hơn khi thanh khoản dần cải thiện và đà tăng lan tỏa ra khắp các nhóm ngành ngân hàng, dầu khí, chứng khoán, bất động sản – xây dựng,…đã giúp thị trường nhanh chóng vượt mốc 910 điểm.
Dường như trong những phiên chiều các ngày đầu tuần, các cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng điểm mạnh đã giúp nới rộng sắc xanh của chỉ số thị trường. Theo danh sách vừa được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM công bố, nhóm cổ phiếu thành phần chỉ số VN30 kỳ tháng 1 sẽ có thêm 4 mã mới là EIB, HDB, TCB và VHM với tỷ lệ free-float lần lượt là 80%, 70%, 65% và 25%.
Thông tin này đã hỗ trợ giúp nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng bứt phá ấn tượng. Trong đó, đáng chú ý khi CTG tăng kịch trần lên 19.450đ/cp và khớp lệnh hơn 11,4 triệu cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày thứ 2. Bên cạnh đó, MBB cũng có thời điểm được kéo lên mức giá trần, sau đó đóng cửa về mức 21.000đ/cp và khớp lệnh gần 10 triệu đơn vị trước thông tin ngân hàng này sẽ mua lại 108 triệu cổ phiếu quỹ, dự kiến giá trị hơn 2.000 tỷ đồng.
Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây
Những phiên giao dịch tiếp theo, trong bối cảnh diễn ra diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, thị trường chứng khoán Mỹ đã cho thấy tâm lý bi quan khi các chỉ số đồng loạt giảm điểm sâu. Những dấu hiệu tiêu cực của thị trường thế giới cùng diễn biến ảm đạm trong nước những phiên gần đây khiến VN-Index "hạ nhiệt" đáng kể. Các cổ phiếu bluechips đa phần giao dịch tích cực song đà tăng điểm sớm bị thu hẹp bởi áp lực bán mạnh gia tăng cuối phiên. Tuy nhiên thanh khoản toàn thị trường vẫn đang duy trì ở mức thấp.
Hiện tượng điều chỉnh nhẹ của chỉ số VN-Index vẫn tiếp tục diễn ra trong phiên sáng ngày thứ 6. Điều đáng nói là áp lực giảm điểm nhẹ một phần là do lực bán tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechips như VHM, GAS, HPG và CTG. Trong phiên chiều,chỉ số quay trở lại tăng điểm nhẹ nhờ lực mua từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VJC, VCB, BVH. Khối ngoại bán ròng và thanh thanh khoản giảm nhẹ so với phiên hôm qua.
Theo quan điểm của các chuyên gia VDSC nhận định, dường như thị trường vẫn duy trì nhịp đi ngang với các nhịp tăng giảm xen kẽ trong biên độ nhỏ. Mức độ dồn nén đang ở mức khá cao và các biến động lớn có thể sẽ sớm xuất hiện. Nhà đầu tư nên tiếp tục tập trung vào các mã cổ phiếu riêng lẻ và không cần quá quan tâm đến các chỉ số chung.
Đối với thị trường CK phái sinh, tuần qua đã ghi nhận một tuần giao dịch trầm lặng hơn mang tâm lý do dự. Điểm nhấn đặc biệt là basis tuần qua tiếp tục thu hẹp trong những phiên giao dịch gần hết tuần lễ. Điểm nhấn tuần qua là dường như cả bên mua và bên bán đều không thể giành được quyền kiểm soát thị trường khi hiện tượng đảo trụ trong VN30 liên tục luân phiên. So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua không có nhiều xáo trộn. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 140.600 hợp đồng.
2. Chứng khoán thế giới ghi nhận tuần giữ nhịp thị trường
Sau bốn tuần tăng điểm mạnh mẽ liên tiếp, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã chuyển sang giữ ở mức cân bằng. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 24.737 điểm (tăng 0,13%), chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.664 điểm (giảm 0,22%), và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.164 điểm (tăng 0,1%).
Cổ phiếu ngành công nghệ tăng trưởng tốt nhất trong tuần, trong khi nhóm hàng tiêu dùng và nhóm chăm sóc sức khỏe tụt dốc. Khối lượng giao dịch đã tăng lên vào đầu tuần nhưng đã giảm trở lại vào giữa tuần mặc dù các báo cáo thu nhập doanh nghiệp trong quý 4 vẫn đang tiếp tục được công bố.
Các chỉ số chứng khoán châu Âu diễn biến trái chiều trong bối cảnh những lo ngại kéo dài về thương mại và dấu hiệu suy thoái kinh tế sâu rộng hơn trong khu vực. Chỉ số FTSE 100 đóng cửa ở 6.809 điểm (giảm 2,28%). Chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 11.281 điểm (tăng 0,68%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 4.925 điểm (tăng 1,03%). Tuần qua chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi thừa nhận rằng triển vọng của nền kinh tế khu vực đồng euro đã xấu đi kể từ tháng 12 và chỉ ra rằng ECB có thể phải giữ chính sách tiền tệ của mình đủ lỏng để giúp nền kinh tế khu vực thoát khỏi suy thoái.
Cũng trong tuần qua, số liệu sản xuất của Đức rơi vào tình trạng thu hẹp lại trong tháng 1, càng nhấn mạnh mức độ chậm lại của nền kinh tế eurozone. Các chỉ số niềm tin kinh doanh của Đức cũng giảm mạnh trong tháng 1, là dấu hiệu tiêu cực trong nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Hôm thứ Sáu, truyền thông Đức đưa tin rằng Bộ Kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 xuống còn 1% so với mức 1,8% trước đó.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản chỉ biến động nhẹ trong tuần qua, khi chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 20.773 điểm (tăng 0,52%). Tại cuộc họp Hội đồng Chính sách kéo dài hai ngày, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định không có thay đổi nào đối với chính sách tiền tệ hiện tại của mình. Họ vẫn đặt mục tiêu lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm là 0% và tiếp tục chương trình mua trái phiếu 80 nghìn tỷ yên mỗi năm. Các nhà điều hành đã hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm tài chính 2019 là 0,7% so với mức 1% được dự báo trước đó.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng điểm trong bối cảnh có thêm nhiều hy vọng về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khi lệnh ngừng bắn hết hạn. Kết thúc tuần, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.601 điểm (tăng 0,19%), và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 27.569 điểm (tăng 1,77%).
Một phái đoàn cấp cao do Phó Thủ tướng Trung Quốc dự kiến sẽ đến Washington vào ngày 28/1 và sẽ có các buổi làm việc với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin vào cuối tuần tới. Trung Quốc đã công bố rằng nền kinh tế của nước này tăng trưởng 6,4% trong quý cuối cùng của năm 2018 và đạt 6,6% cho cả năm. Quý 4 đánh dấu tốc độ tăng trưởng theo quý chậm nhất của Trung Quốc trong 10 năm trở lại đây, trong khi mức tăng trưởng cả năm là thấp nhất kể từ năm 1990.