[Điểm nóng TTCK tuần 24/02 – 01/03] Chứng khoán Việt Nam và thế giới đồng loạt lao dốc trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19
Trước ảnh hưởng tiêu cực của thị trường chứng khoán thế giới, VN-Index suy giảm bất chấp tín hiệu hỗ trợ mạnh vùng 885 điểm…
- 01-03-2020VN-Index giảm sâu trong 2 tháng đầu năm, thiết lập hàng loạt "kỷ lục" buồn
- 29-02-2020Khối ngoại bán ròng 5 tuần liên tiếp, 3 quỹ ETF lớn nhất thị trường bị rút vốn
- 29-02-2020Một tuần "tắm máu" của chứng khoán Mỹ, Dow Jones mất 12% giá trị: Chuyện gì đã xảy ra?
1.TTCK Việt Nam trải qua tuần lễ khốc liệt
Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần chìm trong sắc đỏ. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa giảm mạnh dừng ở mức 882.19 điểm và HNX-Index chốt phiên tuần điều chỉnh chạm ngưỡng 109.58 điểm.
Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây
VN-Index đã có một tuần điều chỉnh biên độ lớn, trước ảnh hưởng tiêu cực của thị trường chứng khoán thế giới, VN-Index cũng suy giảm dưới mức 885 điểm bất chấp tín hiệu hỗ trợ mạnh. Mức giảm điểm gia tăng trong phiên, chỉ dừng lại và thu hẹp đà giảm vào giao đoạn cuối phiên. Kết phiên, chỉ số hình thành nến hỗ trợ Hammer. Chỉ báo kỹ thuật MACD tiếp tục suy yếu, RSI giảm dưới mức 30.
Theo nhận định của chuyên gia chứng khoán VDSC, Điều này cho thấy VN-Index vẫn đang trong xu hướng tiêu cực. Với dấu hiệu nến hỗ trợ, chỉ số có thể tạm thời hồi phục trong thời gian gần tới nhưng vẫn đối diện với rủi ro suy giảm cao.
Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều tăng mạnh về thanh khoản trong các phiên giao dịch trong tuần hơn so với tuần trước. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt mức cao, tương ứng đạt 156.000 hợp đồng.
2. TTCK Thế giới đồng loạt lao dốc trước diễn biến lây lan của dịch bệnh
Thị trường chứng khoán Mỹ có tuần giảm điểm tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ qua khi các nhà đầu tư phản ứng tiêu cực với sự lan rộng toàn cầu dịch bệnh COVID-19. Tất cả các chỉ số chính đều giảm hơn 10% so với mức đỉnh được thiết lập chỉ một tuần trước đó.
Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.409 điểm (giảm 10,54%), chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.954 điểm (giảm 9,3%) và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 8.567 điểm (giảm 6,76%). Chỉ số biến động Cboe (VIX) tăng vọt lên gần 50 điểm vào sáng thứ Sáu, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Kỳ vọng về lãi suất thấp hơn và tăng trưởng chậm hơn cũng đã được phản ánh vào thị trường trái phiếu. Lợi suất trái phiếu 10 năm giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại, đạt khoảng 1,15% vào sáng thứ Sáu. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm vẫn thấp hơn giữ cho đường cong lợi suất không bị đảo ngược.
Cả 3 chỉ số chứng khoán Mỹ đều giảm trên 10% trong tuần
Thị trường chứng khoán châu Âu có tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 vì lo ngại rằng sự lây lan nhanh chóng của virus COVID-19 làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hầu hết các chỉ số chính đều giảm điểm. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 6580 điểm (giảm 11,12%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 11.890 điểm (giảm 10,14%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.309 điểm (giảm 9,63%).
Chính phủ Ý đã nhanh chóng tiến hành các biện pháp ngăn chặn sự bùng phát virus COVID-19, phong tỏa 11 thị trấn ở khu vực phía bắc Veneto và Lombardy. Tại đây virus đã khiến 17 người chết và lây nhiễm cho hơn 655 người trong khu vực, nơi có các nhà máy quan trọng của ngành công nghiệp châu Âu.
Chứng khoán Nhật Bản đã chịu tổn thất đáng kể trong tuần trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về tác động kinh tế của coronavirus COVID-19 tại Nhật Bản và trên toàn cầu. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở mức 21.142 điểm (giảm 9,75%). So với giai đoạn đầu năm, chỉ số này đã giảm gần 11%.
Thủ tướng Shinzo Abe đã yêu cầu các trường học đóng cửa để ngăn chặn sự bùng phát và các doanh nghiệp cũng giảm bớt các hoạt động sản xuất. Tiêu biểu như Tập đoàn Mitsubishi đã yêu cầu nhân viên của mình làm việc tại nhà trong hai tuần và Tokyo Disneyland tuyên bố sẽ đóng cửa cho đến hết ngày 15 tháng 3. Đồng yên và trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm (JGB) đã mạnh lên trong tuần trong bối cảnh nhu cầu đối với các tài sản trú ẩn an toàn tăng lên. Lợi suất của JGB Lần đầu tiên giảm xuống dưới -0,1% kể từ cuối tháng 11.
Sự lây lan nhanh chóng của coronavirus sang các quốc gia khác đã làm giảm sự chú ý đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, sự lây lan của COVID-19 là chất xúc tác cho sự bán tháo mạnh trên toàn cầu đối với các tài sản rủi ro. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.880 điểm (giảm 4,86%), chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 26.129 điểm (giảm 3,6%).
Bắt đầu có những dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy dịch bệnh có thể được kiểm soát ở Trung Quốc, ngay cả khi virus lây lan nhanh ra nước ngoài. Trong khi đó, số ca nhiễm mới tiếp tục giảm, với hơn 20 tỉnh báo cáo không có trường hợp mới nào trong ngày 27 tháng 2.
Các khảo sát chính thức cho thấy việc nối lại hoạt động kinh doanh đã được thực hiện vào giữa tháng 2. Có hơn 50% doanh nghiệp lớn đã mở cửa trở lại. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cho biết 75% các nhà máy đã hoạt động trở lại vào giữa tháng 2.