MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 24/6 - 28/6] Chứng khoản Việt Nam biến động mạnh bởi một số cổ phiếu trụ cột, thế giới dõi theo G20

Trạng thái giao dịch thận trọng được đẩy lên cao, ở cả thị trường trong nước và quốc tế, sát giờ cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

1. Chứng khoán Việt Nam chờ tin thế giới

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy một tuần giao dịch với trạng thái giằng co được đẩy lên cao. Chốt tuần, VN-Index đứng ở mức 949,94 điểm, giảm hơn 10 điểm so với đầu tuần, mất liên tiếp 2 mốc hỗ trợ quan trọng tại 960 và 950 điểm. Trên sàn Hà Nội, giao dịch có phần trái chiều khi HNX-Index giảm điểm nhưng UPCOM-Index vẫn giữ được sắc xanh.

[Điểm nóng TTCK tuần 24/6 - 28/6] Chứng khoản Việt Nam biến động mạnh bởi một số cổ phiếu trụ cột, thế giới dõi theo G20 - Ảnh 1.

Đồ thị VN-Index 3 tháng gần đây


Thị trường trong tuần vừa qua vẫn duy trì trạng thái giằng co trong diễn biến thời gian gần đây. Giao dịch những phiên đầu tuần duy trì trong biên độ dưới 10 điểm với hai bên mua và bán giữ giữ tâm thế thận trọng.

Phiên thứ 5, giao dịch đột biến cuối giờ khi bên bán đổ ra bán mạnh, dường như thể hiện sự mất sự kiên nhẫn của bên cầm cổ phiếu trước những thông tin tiêu cực về đánh giá của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề thương mại với Việt Nam. Tuy nhiên, dù đà giảm đẩy lên cao vào phiên ATC, song lực cầu vẫn đứng ngoài khiến VN-Index có phiên giảm hơn 16 điểm. Đến phiên giao dịch ngày thứ 6, cũng là thời điểm các quỹ đầu tư chốt NAV cho giai đoạn bán niên, đồng thời là thời điểm sản phẩm mới chứng quyền chính thức đi vào hoạt động, sắc xanh đã trở lại, tâm lý có phần tích cực hơn dù biên độ tăng chỉ bằng khoảng 1/3 so với phiên giảm điểm trước đó.

Sau khi thị trường chứng quyền đi vào hoạt động, sự chú ý của nhà đầu tư đang đổ dồn vào những mã cổ phiếu là tài sản cơ sở cho sản phẩm này. Với tỷ lệ sinh lời cao và biên độ giao động lớn, thị trường chứng quyền được dự báo sẽ thu hút sự chú ý với có biến động cùng chiều như thời điểm thị trường phái sinh mới ra mắt.

Trên thị trường cơ sở, giao dịch vẫn chủ yếu sôi động ở nhóm cổ phiếu midcap và penny, trong khi nhóm bluechip luân phiên giữ nhịp hoặc trở thành "tội đồ" của thị trường. Như phiên giao dịch ngày thứ Năm, đà giảm thực tế chịu ảnh hưởng lớn nhất từ hai cổ phiếu SAB và GAS, trong khi phần còn lại của thị trường dù trong sắc đỏ nhưng biên độ giảm không cao.

2. Chứng khoán thế giới tăng giảm trái chiều

Các chỉ số chứng khoán Mỹ tuần qua có mức độ biến động rất khác nhau. Các chỉ số vốn hóa lớn đã giảm điểm từ mức cao kỷ lục của tuần trước, trong khi các chỉ số đại diện cho nhóm vốn hóa nhỏ ghi nhận mức tăng khiêm tốn. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 26.599 điểm (giảm 0,45%), chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.941 điểm (giảm 0,31%) và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 8.006 điểm (giảm 0,31%).

Khối lượng giao dịch có chiều hướng tăng trong đầu tuần. Khi các nhà đầu tư chuẩn bị đón chờ báo cáo thu nhập của quý Hai, sự chú ý của phố Wall bị chi phối bởi các mối quan tâm về địa chính trị. Sự gia tăng căng thẳng với Iran đã khiến giá dầu tăng lên mức cao nhất trong một tháng, theo sau là nhóm cổ phiếu năng lượng. Các nhà đầu tư cũng trông chờ những tin tức từ cuộc họp G-20 tại Nhật Bản để nắm được triển vọng về vấn đề căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Các chỉ số chứng khoán châu Âu đều tăng điểm nhờ kỳ vọng của nhà đầu tư về Hội nghị thượng đỉnh 20 sẽ giảm bớt căng thẳng thương mại. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.425 điểm (tăng 0,24%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.398 điểm (tăng 0,48%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.538 điểm (tăng 0,18%). Lợi suất trái phiếu Đức kỳ hạn 10 năm giảm xuống -0,34% khi các chỉ số kinh tế châu Âu tiếp tục gây thất vọng.

Chỉ số tâm lý kinh tế của Ủy ban Châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp định hướng xuất khẩu, vốn chịu áp lực từ căng thẳng thương mại toàn cầu. Chỉ số niềm tin của lĩnh vực dịch vụ và của người tiêu dùng cũng giảm theo. Trong khi đó bế tắc trong vấn đề ngân sách của Ý với Liên minh châu Âu càng thêm khó khăn khi Ý quyết định trì hoãn việc giảm thâm hụt cho năm 2020.

Chứng khoán Nhật Bản gần như không thay đổi nhiều so với tuần trước. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 21.275 điểm (tăng 0,08%). Đồng yên đứng ở mức 107,77 yên/đô la Mỹ, thấp hơn một chút trong tuần. Vào cuối tuần, hội nghị thượng đỉnh G-20 hàng năm dành cho các nhà lãnh đạo thế giới được tổ chức tại Osaka. Trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh nhằm giải quyết một loạt các vấn đề mang tính toàn cầu.

Chương trình nghị sự năm nay được thiết lập để giải quyết các chủ đề bao gồm loại bỏ các trở ngại về cấu trúc tăng trưởng, cải thiện hệ thống thương mại toàn cầu, cuộc cách mạng dữ liệu (đảm bảo luồng dữ liệu toàn cầu và quyền riêng tư), biến đổi khí hậu, vấn đề việc làm trong xã hội, vai trò của phụ nữ tại nơi làm việc, và bảo hiểm y tế toàn cầu. Trong khi đó một số chỉ số kinh tế của Nhật Bản tiếp tục gây thất vọng như tỷ lệ lạm phát tiêu dùng cốt lõi giảm và hoạt động sản xuất công nghiệp được dự báo ​​sẽ giảm trong tháng 6, gây áp lực lên nền kinh tế Nhật Bản.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục đã giảm trong tuần khi các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G-20. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.978 điểm (giảm 0,77%).

Trong khi đó tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 28.542 điểm (tăng 0,24%). Các nhà đầu tư lạc quan hơn rằng cuộc họp G-20 giữa hai nhà lãnh đạo sẽ đạt được kết quả ở mức tối thiểu, dẫn đến việc nối lại các cuộc đàm phán thương mại đã bị phá vỡ vào tháng trước.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên