Điểm sáng hiếm hoi của Nhà máy Đóng tàu Dung Quất
Nhà máy Đóng tàu Dung Quất (tại Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi) thuộc Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) từng là 1 trong 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương.
- 09-02-2022Nhà máy lọc dầu Dung Quất tăng công suất, đảm bảo nguồn cung
- 09-07-2021Hoà Phát Dung Quất đề xuất đầu tư dự án hơn 371 tỷ đồng ở Quảng Ngãi
- 27-05-2021Quảng Ngãi đề xuất cho Hoà Phát xây dựng nhà máy điện, cấp điện cho khu liên hợp thép Dung Quất 85.000 tỷ đồng
Tháng 7-2010, DQS được chuyển giao từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sang Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Sau gần 12 năm, kể từ ngày chuyển giao, DQS vẫn khá chật vật.
Chỉ cẩu trục 450 tấn làm giữa chừng rồi bỏ hư hỏng theo thời gian, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc DQS, cho biết đây là 1 trong 2 cẩu trục được DQS chi hơn 1.000 tỉ đồng để thi công. "Dù cẩu trục 450 tấn thi công dang dở và để đó cả chục năm qua nhưng mỗi năm công ty phải chi hàng trăm triệu đồng để sửa chữa chứ không thể bỏ" - ông Minh nói.
Công nhân DQS đang sửa chữa tàu hàng có tải trọng hàng chục ngàn tấn tại cầu tàu số 1
Cũng theo ông Minh, tất cả hạng mục dở dang đều mang yếu tố lịch sử để lại từ thời Vinashin và đang hư hỏng nặng. Trong số những hạ tầng đã đầu tư, hạng mục còn sử dụng chỉ chiếm khoảng 20%-30%. Hiện DQS cũng đang gánh khoản nợ 7.000 tỉ đồng từ quá trình đầu tư các hạng mục dở dang này để lại, lớn hơn tổng tài sản của DQS (khoảng 5.900 tỉ đồng). Trong đó, các khoản nợ lớn như của Ngân hàng Phát triển Việt Nam 524 tỉ đồng, riêng nợ lãi vay khoảng 805 tỉ đồng; nợ vay tại Công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy 311 tỉ đồng, nợ lãi vay khoảng 506 tỉ đồng và nợ nhà thầu theo sổ sách hơn 10 triệu USD… "Vướng mắc lớn nhất chúng tôi đang gặp là việc chưa quyết toán hợp đồng EPC trước đây giữa Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và liên danh nhà thầu YMC - Transtech (Trung Quốc) với số tiền khoảng 16 triệu USD. Điều này dẫn đến những khoản nợ của công ty đối với các ngân hàng cũng chưa được xử lý... Lãi mẹ đẻ lãi con nhưng chúng tôi không có khả năng chi trả" - ông Minh cho biết.
Điểm sáng duy nhất trong khuôn viên nhà máy là tại cầu tàu số 1 - nơi hàng trăm công nhân cùng máy móc, thiết bị đang tập trung thi công, sửa chữa một tàu hàng có tải trọng hàng chục ngàn tấn. "Điểm nổi bật của DQS trong giai đoạn qua là doanh thu tăng lên từng năm. Trong đó, năm 2021 doanh thu khoảng 470 tỉ đồng, lãi 17 tỉ đồng, riêng quý I/2022, doanh thu 135 tỉ đồng, giải quyết công việc cho gần 750 lao động" - ông Minh thông tin.
Cũng theo ông Minh, hiện DQS đang tập trung mạnh vào mảng sửa chữa tàu biển; hợp tác với các đối tác để đầu tư cầu tàu số 2 với số vốn dự kiến 1.200 tỉ đồng để phục vụ sửa chữa và làm bến cảng thương mại. Đầu tư 140 tỉ đồng để hoàn thiện ụ nổi số 2 thành nơi phá dỡ tàu biển... "Công ty đang muốn tái cấu trúc để đưa tài sản đầu tư dang dở vào hoạt động nhằm tránh lãng phí và góp phần giảm áp lực tài chính, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, nguồn vốn thực hiện là trở ngại lớn cho DQS do nằm trong đề án tái cơ cấu 12 đại dự án thua lỗ của ngành công thương không được cấp thêm tiền từ ngân sách.
Kiến nghị Chính phủ khoanh nợ, xóa lãi
Theo ông Nguyễn Anh Minh, DQS đã đề xuất với PVN, Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan xem xét khoanh nợ gốc và xóa lãi cho DQS về những khoản nợ tại các ngân hàng thương mại. Những vấn đề tồn tại trước đây đều mang yếu tố lịch sử để lại, đến nay vẫn chưa xử lý rốt ráo và công ty vẫn phải chờ cấp có thẩm quyền cho ý kiến.
Người lao động